Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nở rộ chung cư 'mì ăn liền'

Khi giới thiệu dự án địa ốc, chủ đầu tư thường “vẽ” có công viên, nhà trẻ… rất đẹp. Nhưng khi bàn giao, nhiều khách hàng bức xúc vì hầu hết đất công viên bị “xén” sạch để kinh doanh.

Không chỉ có vậy, nhiều ý kiến cũng lo ngại trước tình trạng chung cư "mì ăn liền” đang mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm tại TP HCM nhằm ăn sẵn hạ tầng. Điều này khiến bộ mặt đô thị bị xé nát, hệ thống hạ tầng quá tải và thiệt hại nhất vẫn là những cư dân đã mua nhà, đất tại những dự án này.

Từ ăn bớt đất công viên…

Bác Liên, một cư dân tại dự án Nam Long Tân Thuận Đông của Công ty Nam Long (quận 7, TP HCM), cho biết, trước đó, khi tìm hiểu để mua nhà tại dự án này, bác được nhân viên giới thiệu là có công viên rộng đến hơn 22.000 m2. “Tôi quyết định mua vì nghĩ, sống ở một dự án có công viên rộng như thế sẽ có khoảng không gian để dạo chơi, tập thể dục, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện dự án đã bán hết nhưng công viên vẫn chưa thấy đâu”, bác Liên bức xúc.

Theo thông tin Đất Việt nắm được, hiện đất tại công viên (theo quy hoạch) đã bị chủ đầu tư cho thuê làm nhà hàng, bãi giữ xe, quán cà phê, đồng thời xây sân tenis, hồ bơi để trực tiếp kinh doanh. Phần đất còn lại xà bần ngổn ngang, một diện tích lớn dùng để trồng cây… ăn trái.


Với dự án chung cư E-Home (quận 9), cũng của công ty Nam Long, chủ đầu tư cũng đã lấy mất một nửa công viên ngay giữa các khu nhà để xây dãy nhà để xe. Anh Dũng, một khách mua nhà tại E-Home, khẳng định, trong bản vẽ phối cảnh của công trình cao ốc này hoàn toàn không có nhà xe mà thể hiện rất rõ là công viên. “Trước sự phản đối quyết liệt của cư dân, họ mới chịu tháo dỡ phần đã xây dựng. Tuy nhiên, hiện phần đất công viên đang rất nhếch nhác, nham nhở”, anh Dũng cho biết.

Tại khu chung cư Miếu Nổi, quận Phú Nhuận, công viên đã được chủ đầu tư tận dụng làm những… quán cóc. Phần đất còn lại xung quanh chung cư cũng được tận dụng làm bãi giữ xe thay vì làm công viên. Chính vì thế, trẻ con, người dân khi cần nơi vui chơi, hóng mát đã phải ra khu vực bờ kè nhếch nhác, hôi thối vì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…

... Đến chung cư “mì ăn liền”

Các chung cư bị cắt xén công viên trở nên ngột ngạt. Nhiều chung cư khác cũng ngột ngạt không kém vì xu hướng xây dựng chung cư "mì ăn liền”.

Theo Sở Tài Nguyên - Môi trường TP HCM, hầu hết các dự án địa ốc được cấp phép là dự án nhỏ, dưới 5 ha. Điều này cho thấy chung cư kiểu “mì ăn liền” đang được các doanh nghiệp ưa chuộng. Chúng đều cao hàng chục tầng, nhưng xây dựng trên những khu đất khá khiếm tốn, như chung cư Tecco Tower (quận Thủ Đức), Điền Phước Thành, Vạn Đô (quận 4), The Rubiland, (Tân Phú)…

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng những chung cư kiểu “mì ăn liền” mọc lên như nấm là bởi dễ làm, dễ ăn vì thủ tục, kinh phí, thời gian đầu tư nhanh chóng, dễ dàng hơn dự án quy mô lớn. “Doanh nghiệp chỉ việc chọn khu đất nhỏ, tiện lợi, mất 6 tháng là xong thủ tục xây dựng và mất thêm hai năm thi công là có thể vô tư rao bán, nhanh chóng thu hồi vốn”, ông Đực tính toán.

Giám đốc một công ty triển khai chung cư trên khu đất hơn 2.000 m2 ở quận Tân Phú, TP HCM, cho biết chung cư dạng này có thể làm xen kẽ trong các khu dân cư ổn định với đầy đủ điện, đường, trường, trạm. “Khi đó doanh nghiệp chỉ cần xây nhà xong là bán được mà không cần phải đầu tư xây bệnh viện, trường học…, thậm chí cả đường giao thông cũng được ăn sẵn”, ông này phân tích.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, tình trạng “xé” quy hoạch kiểu ăn bớt công trình công cộng như trên khá phổ biến. Tuy nhiên, do khâu hậu kiểm không có nên khó mà bắt các doanh nghiệp triển khai đúng các hạng mục như cam kết.

Để giải quyết những bất cập này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, kiến nghị, thành phố cần mạnh dạn chỉnh trang cả một khu phố, chứ không nên để doanh nghiệp ồ ạt “khoét lõm” các diện tích này để xây chung cư, dẫn đến tình trạng các dự án không có tiện ích tối thiểu như công viên, trường học, bệnh viện… và sẽ khiến hệ thống hạ tầng bị quá tải, gây kẹt xe, ngập nước ngày càng trầm trọng, mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của những người sống trong chung cư đó và cả những cư dân xung quanh.

(Đất Việt)

  • Khu dân cư Bắc Phan Thiết: Đất hết bị làm giá
  • Bất động sản sinh thái : Sẽ tăng trưởng mạnh
  • Bất Động sản TP HCM : Sôi động vào cuối năm
  • Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đưa đất nước phát triển bền vững :Ðể thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững
  • Thị trường nhà, đất chuyển hướng
  • Các dự án nhà ở nhan nhản sai phạm
  • Bất động sản Hà Nội: Lại đến thời của căn hộ?
  • BĐS Hải Phòng: Chênh lệch giá giữa các quận nội thành
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!