Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rõ ràng điều kiện sở hữu nhà của Việt kiều

Có đến 2,1 triệu kiều bào có quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam
Theo kế hoạch, trong tháng 11/2009, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở sẽ được Bộ Xây dựng hoàn tất, trình Chính phủ ban hành.
 
Theo tính toán của cơ quan chức năng, có khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch gốc. Như vậy, theo Luật Nhà ở, có đến 2,1 triệu kiều bào có quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam không giới hạn số lượng và khoảng 0,9 triệu người gốc Việt được mua và sở hữu 1 nhà ở tại Việt Nam.

Đây sẽ là một nguồn lực lớn thức đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, cho đến thời điểm này, những thống kê về người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà theo hình thức nào, nhu cầu của họ ra sao khi sử dụng quyền sở hữu nhà tại Việt Nam rất không đầy đủ.

Điều đáng nói nhất là, mặc dù quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được pháp luật quy định, song việc triển khai khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, một trong những lý do là sự chưa phù hợp của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở. “Dự thảo Nghị định thay thế sẽ tạo điều kiện hết sức thông thoáng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể mua và sở hữu nhà ở trong nước”, ông Nam nói và nhấn mạnh, với quy định này, hy vọng rằng, kiều bào sẽ “an cư lạc nghiệp” tại quê nhà, an tâm tham gia đóng góp xây dựng đất nước.

Kiều bào mua nhà cần giấy tờ gì?

Theo ông Nam, một trong những nội dung cần làm rõ là giấy tờ chứng minh đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Cụ thể, đối với người có quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh là hộ chiếu Việt Nam còn giá trị. Trong trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, thì phải có một trong các giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Đối với người gốc Việt Nam thì phải có hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có gốc Việt Nam. Đó là bản sao quyết định hoặc trích lục quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận có gốc Việt Nam

Dự thảo Nghị định cũng quy định Việt kiều có quốc tịch Việt Nam thì có quyền sở hữu (không hạn chế số lượng nhà ở tại Việt Nam) thông qua hình thức mua, nhận tặng, cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở hoặc có quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để xây dựng nhà cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Đối với người gốc Việt Nam, để được hưởng những quyền như đối với người có quốc tịch Việt Nam nêu trên thì còn phải thuộc một trong các diện như người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa học, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt, người có vợ/chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Với những người không thuộc một trong các diện trên, nếu có Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ  tại Việt Nam.

Với trường hợp này, nếu đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà được thừa kế hoặc được tặng cho nhà ở khác thì sẽ được chọn sở hữu một nhà ở. Nhà ở còn lại được quyền tặng, cho hoặc bán.

Trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Việc xác nhận giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú tại Việt Nam của Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam được Dự thảo Nghị định quy định rất rõ là thuộc trách nhiệm công an cấp phường, nơi người đó cư trú, bao gồm hai loại là sổ tạm trú hoặc giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương.

Theo quy định này, Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam phải có đơn và xuất trình hộ chiếu tại cơ quan công an cấp phường khi đề nghị cấp giấy tờ quy định như trên. Trong thời gian tối đa 3 ngày từ ngày nhận đơn đề nghị, công an cấp phường có trách nhiệm cấp các giấy tờ theo quy định cho Việt kiều.

Đối với Việt kiều mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có một trong các giấy tờ sau đây do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam cấp như thẻ tạm trú; có dấu chứng nhận tạm trú đóng vào hộ chiếu với thời hạn được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên.

Đặc biệt, đối với trường hợp Việt kiều thuộc diện chỉ được sở hữu một nhà ở, Dự thảo Nghị định quy định rõ, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, UBND cấp huyện phải kiểm tra thông tin về tình trạng sở hữu nhà ở của Việt kiều tại Việt Nam trên trang Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện phải có văn bản gửi Bộ Xây dựng thông báo việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các đối tượng trên và những di biến động như bán, tặng, cho... để Bộ Xây dựng cập nhật trên trang Thông tin điện tử.

(Theo Minh Nhật // Báo đầu tư)

  • Những ngôi nhà bạc tỷ bỏ hoang ở Hà Nội
  • 20 triệu USD xây resort tại Ba Vì
  • ‘Mắc cạn’ khi lướt sóng đầu tư địa ốc
  • Hà Nội: Giá đền bù đất sẽ dựa vào khả năng sinh lời
  • Xung đột liên tục tại chung cư Do phí tăng, chất lượng dịch vụ kém
  • Văn phòng cho thuê rập rình tăng giá
  • Bất động sản nhanh chóng hạ nhiệt
  • Cộng đồng giám sát việc mua bán
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!