Hàng hóa qua sàn đã ít càng hiếm hơn vì đâu phải lúc nào cũng có dự án chào bán. Ngày 1-1-2010 này là tròn năm Luật Kinh doanh bất động sản buộc giao dịch nhà đất phải thông qua sàn.
Quy định này đã buộc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn, nhỏ lập sàn giao dịch theo đúng chuẩn của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, gần như 100% các sàn không khác các trung tâm môi giới bình thường trước đây là mấy.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở quận 3, TP.HCM kể đầu năm 2009 việc bận rộn nhất không phải lập kế hoạch bán hàng cho cả năm mà là chạy vắt giò lên cổ để mở sàn giao dịch nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.
Rầm rộ mở sàn chuẩn
Để mở sàn, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo tìm mặt bằng, cho nhân viên đi học lấy các loại chứng chỉ rồi lập hồ sơ, đề cương, tiêu chí hoạt động sàn báo cáo cơ cho quan quản lý... “Tất cả những công việc chuẩn bị để ra sàn nêu trên đã khiến doanh nghiệp chúng tôi bù đầu” - vị giám đốc nêu trên nói.
Cuộc đua lập sàn gấp rút trên diễn ra những tháng đầu năm còn gần về cuối năm việc ra sàn chậm lại và nhiều doanh nghiệp có mở sàn cũng làm đơn giản, thậm chí có sàn mở ra chỉ có vài hoạt động như môi giới, đầu tư còn các mảng miếng, dịch vụ khác như tư vấn, thẩm định giá, quảng cáo... thì bỏ lủi.
Chỉ sôi động khi có dự án
Ngay tại các sàn lớn hoạt động có uy tín như Sacomreal, ACBR, Phát Hưng... cũng chỉ giao dịch sôi nổi khi có chủ đầu tư nhờ chào bán dự án căn hộ, nền đất.
Giám đốc một sàn giao dịch ở quận 7 cho biết mua bán nhà đất qua sàn hiện ít vì luật chỉ buộc các cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản phải giao dịch qua sàn. Còn đối với mua bán không phải kinh doanh của người dân thì không bị pháp luật ràng buộc. Do vậy hàng hóa qua sàn đã ít càng hiếm hơn vì đâu phải lúc nào cũng có dự án chào bán. Mặt khác, mỗi khi chủ đầu tư ra sản phẩm cũng lựa chọn các sàn giao dịch uy tín để phân phối thế nên các sàn nhỏ chỉ làm vệ tinh ăn theo sàn lớn.
“Cũng có những giao dịch về nhà đất người dân bên ngoài muốn thông qua sàn nhưng khi đến ký gửi người dân thấy sàn không có những hỗ trợ đặc biệt gì mà lại mất phí nên thôi” - giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa Đồng Nai cho biết.
Sàn có như không
Bên cạnh sản phẩm ít một vấn đề khác khiến giao dịch bất động sản qua sàn không như mong đợi đó là phương thức kinh doanh cũng không hơn “cò” nhà đất khi xưa là bao. Chỉ có khác là sàn nào cũng quảng bá là sàn giao dịch bất động sản đạt chuẩn Bộ Xây dựng.
Giữa tháng 8-2009, chị Thu Hương ngụ ở quận 7 có nhu cầu tìm mua một nền đất ở khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Chị tìm đến một sàn giao dịch bất động sản chuẩn ở đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 và được nhân viên sàn này giới thiệu cho một nền đất như mong muốn.
Tuy nhiên, khi đi đến nơi thì dự án đó vẫn là một đồng nước mênh mông. Nghĩa là từ vị trí phân lô các nền đến hạ tầng cơ sở... đều nằm trên giấy. Nhân viên sàn giao dịch này nói đầu năm 2011 chủ đầu tư sẽ san lấp mặt bằng và lúc đó giá cả sẽ tăng gấp nhiều lần so với mức giá 7 triệu đồng/m2 như hiện tại.
Nhẩm đếm mốc thời gian để có nền đất phải mất gần một năm nên chị Hương không dám mua. Tuy nhiên, quyết định này khiến chị mất tiền lời vì ba tháng sau nền đất trên tăng giá 14 triệu đồng/m2. “Việc nền đất này tăng giá làm tôi tiếc nhưng tôi băn khoăn là mua đất qua sàn thì cách thức giao dịch cũng không khác “cò” nhà đất môi giới khi xưa là mấy” - chị Hương cho biết.
(Báo Tuổi Trẻ)