Nhường đất cho dự án, 89 hộ dân đã chuyển đến tái định cư tại nhà A5 và nhà D6 phường Xuân La (Q.Tây Hồ, Hà Nội). Nhưng sáu năm trôi qua, các hộ dân này vẫn chưa thể an cư bởi sự chậm trễ trong việc cấp giấy chủ quyền nhà.
Năm 2003, TP Hà Nội thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây và dự án mở rộng vườn hoa Lý Tự Trọng, giao UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Từ tháng 11-2003 đến tháng 9-2004, lần lượt 89 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng tại hai dự án này được chuyển về tái định cư tại nhà A5 và D6 thuộc phường Xuân La.
Dân ngủ không yên
Tổ trưởng tổ dân phố 29B phường Xuân La (gồm hai khu nhà A5, D6) Nguyễn Bích Hoàn cho biết khi chuyển về nơi tái định cư, cả 89 hộ dân đều không có giấy tờ chủ quyền nhà trong tay. Sau nhiều lần kiến nghị, tháng 7-2007 Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội mới bắt đầu làm thủ tục bán nhà cho dân. Nhưng tới nay giấy chủ quyền nhà của các hộ ở A5, D6 vẫn chưa thấy đâu. Anh Đặng Sỹ Hải ở nhà A5 tầng 4 nói: “Ngày nào chưa được cấp giấy chủ quyền nhà, ngày đó tôi không thể ngủ yên. Bởi nếu nhỡ xảy ra tranh chấp thì tôi biết lấy đâu giấy tờ để chứng minh”.
Theo ông Nguyễn Bích Hoàn, bức xúc của các hộ dân tái định cư tại nhà A5, D6 là hợp lý, bởi: “Lẽ ra họ phải được ưu tiên, tạo điều kiện để sớm ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư khi nhường đất cho dự án, vậy mà phải đợi gần ba năm mới lo xong chuyện chuyển hộ khẩu, còn chất lượng nhà ở khu tái định cư thì còn lâu mới bằng nơi ở cũ”.
Vì chưa có giấy chủ quyền nhà, mọi thủ tục liên quan đến đời sống dân sinh như nhập hộ khẩu, chuyển đổi hộ khẩu của các hộ ở A5, D6 gần như bị đình trệ. Còn chất lượng nhà tái định cư kém, môi trường sống không bằng nơi ở cũ, nhà chậm được cấp giấy chủ quyền... Vì thế sau sáu năm, trong số 89 hộ dân tái định cư đã có quá nửa phải bán rẻ nhà chuyển đi nơi khác sinh sống.
Đùn đẩy trách nhiệm
Những đơn vị chịu trách nhiệm hoàn tất giấy tờ, thủ tục, hồ sơ cấp giấy chủ quyền nhà cho người dân khu A5 và D6 phường Xuân La gồm Ban quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây, Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Phòng tài nguyên - môi trường quận Tây Hồ.
Theo phó Phòng tài nguyên - môi trường quận Tây Hồ Lê Hoài Nam, về nguyên tắc phải có đơn vị trình hồ sơ lên phòng mới có cơ sở xem xét. Nhưng hiện tại, ông khẳng định phòng chưa nhận được bộ hồ sơ nào liên quan đến hai nhà A5, D6, cũng chưa có đơn vị nào trình nên “có muốn cấp cũng không được”. Về quy trình, ông Nam cho biết chủ đầu tư của khu nhà tái định cư này là Ban quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây là nơi nắm giữ hồ sơ, gồm quyết định bán nhà, các phiếu thu tiền... Đơn vị này có trách nhiệm trình hồ sơ xin cấp chủ quyền nhà cho các hộ tại A5, D6.
Còn ông Nguyễn Đăng Hưng, phó giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây, lại khẳng định quyết định bán nhà cho từng hộ đã được chuyển trả dân từ năm 2007. Ông cũng cho biết ban chưa nhận được văn bản nào từ Phòng tài nguyên - môi trường quận yêu cầu cung cấp hồ sơ, giấy tờ gì để hoàn tất thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà cho các hộ dân A5, D6.
Ngày 23-12, chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang cho biết quận sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay để giải quyết kịp thời việc cấp giấy chủ quyền nhà cho 89 hộ dân A5, D6. Những khúc mắc nào từ phía cơ quan chức năng của quận, lãnh đạo quận sẽ trực tiếp giải quyết, còn vướng mắc liên quan đến quản lý và bán nhà tái định cư thuộc Sở Xây dựng, quận sẽ có văn bản đề nghị sở phối hợp. “Mục đích cuối cùng là không để người dân phải tiếp tục chờ đợi” - ông Quang cam kết.
(Báo Tuổi Trẻ)