Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một năm ấn tượng với các dự án nhà ở cho sinh viên

Theo Bộ Xây dựng, chỉ trong vòng hơn 3 tháng, đã có 84/88 dự án nhà ở sinh viên được khởi công trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ hơn 95% so với danh mục được phê duyệt trong năm). Nhiều địa phương còn phấn đấu hoàn thành dự án sớm trước tiến độ.

Tăng tốc triển khai nhanh

 
Mặc dù Nghị Quyết 18/NQ-CP được ban hành từ hồi tháng 4/2009 song các dự án phát triển nhà ở sinh viên chỉ mới thực sự khởi động khi quyết định số 1308/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục dự án phát triển nhà ở sinh viên bằng nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2009 ra đời, trong đó có 88 dự án được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ là 3.500 tỷ đồng.
 
Qua thống kê của Bộ Xây dựng, đã có 84 trong tổng số 88 dự án phát triển nhà ở cho sinh viên được khởi công trên cả nước, đảm bảo tiến độ. Không ít dự án đã hoàn thành xây dựng phần móng, đặc biệt một số dự án triển khai sớm đã xây dựng lên tầng 2 - 3 của công trình (tỉnh Thái Nguyên, Bộ Quốc phòng…). Nhiều địa phương đang tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành các dự án sớm trước tiến độ đề ra.
 
4 dự án còn lại chưa được khởi công là: Ký túc xá Đại học Lâm Nghiệp (Hà Nội); Ký túc xá Đại học Nông Nghiệp (Hà Nội); Cụm nhà ở sinh viên tập trung khu 1 (Thái Bình); Ký túc xá sinh viên trường Cao đẳng công nghiệp Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
 
Về tiến độ giải ngân, thống kê cho thấy, sau hơn 03 tháng triển khai thực hiện, (tính đến ngày 10/12/2009), các dự án đã giải ngân được tổng số vốn là 1.255 tỷ đồng đạt 36% số vốn được phân bổ.
 
Trong đó nhiều địa phương đã thực hiện giải ngân trên 50% số vốn như Hưng Yên (100%), Quảng Nam (100%), Thái Nguyên (76%), Ninh Bình (100%), Thừa Thiên Huế (94%),  Cần Thơ (53%)... Các dự án còn lại đang làm thủ tục giải ngân, dự kiến trong tháng 12/2009 sẽ thực hiện giải ngân đạt khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng, tức đạt khoảng 57%.
 
Lý giải về việc giải ngân chưa đạt được tiến độ đề ra, bộ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã chỉ ra một số trở ngại mà không phải do lỗi chủ đầu tư như: Quyết định phê duyệt Danh mục dự án phát triển nhà ở sinh viên bằng nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành từ 8/2009; rồi thông báo kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mới có từ tháng 9/2009.
 
Đặc biệt là việc vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 được phân bổ cho các dự án nhà ở sinh viên tại Hà Nội và TPHCM là 1.425 tỷ đồng (chiếm tới 41%) chưa giải ngân được do chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới  tổng mức giải ngân của Chương trình.
 
Bố trí 4.800 tỷ đồng trong năm 2010
 

Theo Quyết định số 1308, đa số các dự án được bố trí vốn phải hoàn thành trong 02 năm 2010 - 2011 (trong số 88 dự án có 72 dự án phải hoàn thành trong năm 2010 và 16 dự án sẽ hoàn thành chậm nhất vào quý III năm 2011).
 
Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục  phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 là 4.800 tỷ đồng để hoàn thành các dự án đã khởi công trong năm 2009 và triển khai một số dự án mới tại các địa phương chưa được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2009, kịp đưa vào khai thác vận hành vào cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011.
 
Việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cần theo nguyên tắc chỉ bố trí vốn cho các dự án đã có quỹ đất sạch, đã có quyết định phê duyệt dự án và sẵn sàng khởi công ngay trong quý I năm 2010.
 
Đồng thời, ưu tiên đầu tư các dự án nhà ở sinh viên theo hướng tập trung theo cụm trường tại các địa phương có nhiều sinh viên, nhiều cơ sở đào tạo và có nhu cầu về chỗ ở cho học sinh, sinh viên cao…
 
Dự kiến tới năm 2015, trên cả nước sẽ có khoảng 4,3 triệu học sinh, sinh viên với tỷ lệ có nhu cầu chỗ ở ký túc xá chiếm tới 70% (tương đương 3 triệu học sinh, sinh viên). Trong khi đó, nếu tính cả kế hoạch năm 2009 - 2010 được thực hiện cộng với nguồn cung của ký túc xá hiện có thì mới chỉ đáp ứng được khoảng 1 triệu học sinh, sinh viên.
 
Như vậy, đến năm 2015 sẽ còn khoảng 2 triệu học sinh, sinh viên có nhu cầu chỗ ở trong ký túc xá. Điều đó đồng nghĩa với việc trong thời gian 5 năm (2011 - 2015) cần phải xây thêm hơn 4,8 triệu m2 sàn nhà ở cho sinh viên (4m2 sàn sử dụng/01 sinh viên) với tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, tức mỗi năm cần khoảng 6.000 tỷ đồng.
 
Đây cũng chính là tổng kinh phí mà Bộ Xây dựng đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ trong việc có kế hoạch bố trí ngân sách, trái phiếu để phát triển quỹ nhà ở cho học sinh, sinh viên. Đảm bảo mục tiêu đến năm 2015 sẽ đáp ứng
cho khoảng 60% số học sinh, sinh viên trên toàn quốc có nhu cầu được thuê nhà ở tại các dự án nhà ở sinh viên.

(Dân Trí)

  • Hàng loạt dự án địa ốc khởi công cuối năm
  • BĐS: Tìm vốn ở đâu?
  • Bất động sản hết hy vọng trở lại mùa cao điểm
  • Thị trường bất động sản Hà Nội rục rịch rớt giá
  • Tại sao khách hàng Phú Mỹ Hưng phải nộp 30%?
  • Kỳ vọng tăng giá !
  • Vì sao giá đất Hà Nội quá cao?
  • Nhà nước tăng giá đất, thị trường lại tụt?!
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!