Khó khăn dòng vốn dài hạn
Ông Wiliam Ross, đại diện Ngân hàng HSBC nhận định: thị trường bất động sản Việt Nam có vị trí rất quan trọng cho nền kinh tế. Một khi thị trường này sôi động sẽ thúc đẩy và kéo theo các lĩnh vực kinh tế khác, nhưng tại Việt Nam, các chủ dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn.
Phần lớn các chủ dự án đều “đói” vốn, tiền chỉ vừa đủ “chạy” được giấy phép đầu tư một dự án; sau đó để xây dựng, các chủ dự án phải tung ra nhiều “chiêu” mời gọi hợp tác đầu tư.. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng tìm được đối tác ưng ý, nhất là thời điểm thị trường đóng băng như vừa rồi.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản luôn luôn trong tình trạng bất ổn. Ngân hàng là kênh huy động vốn chủ yếu hiện nay của các dự án, nhưng lại là dòng vốn ngắn hạn. Các nhà đầu tư rất dè chừng khi vay và luôn phải chịu áp lực lớn trong việc trả nợ.
Điều này hoàn toàn trái ngược so với thị trường bất động sản các nước như Mỹ, Anh; họ có những quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính đảm bảo nguồn vốn cho vay từ 20 đến 30 năm nếu như dự án đó mang tính khả thi.
Chuyên gia về kinh tế K.P.Sing, Công ty Colliers International cho rằng, tình hình kinh tế của Việt Nam đang có những dấu hiệu khả quan, dường như giai đoạn khó khăn nhất đã trôi qua; đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng đã có những dấu hiệu ổn định thông qua việc duy trì và điều chỉnh lãi suất ổn định.
Tuy nhiên, để thị trường bất động sản ổn định, cần phải có những bước đột phá về mặt chính sách, cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là tìm những kênh huy động vốn dài hạn hơn, bền vững hơn.
Thời của doanh nghiệp trong nước
Cách đây 2 - 3 năm, những dự án đô thị lớn luôn gắn liền với một cái tên của công ty nước ngoài. Đây là điều tất yếu trong bối cảnh Chính phủ khuyến khích các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư, thu hút nguồn vốn nước ngoài để phát triển hạ tầng đô thị. Thế nhưng, đợt suy thoái kinh tế vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài rút lui, đó cũng chính là lúc các công ty trong nước thể hiện mình.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) cho biết, dù khó khăn trong huy động vốn từ ngân hàng nhưng các doanh nghiệp vẫn biết cách “xoay” nguồn vốn.
Có 6 giải pháp để doanh nghiệp huy động vốn, gồm vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu công ty, vốn vay, huy động vốn khách hàng, liên doanh liên kết trong và ngoài nước. Hiện tại Thủ Đức House đã ký kết với nhiều liên danh trong nước đầu tư dự án, thậm chí “vươn” sang cả Mỹ đầu tư.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng các chính sách về thị trường chuyển nhượng bất động sản nên chỉnh sửa kịp thời, chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu, Công ty hiện đang còn tranh cãi vì chưa rõ có vi phạm luật hay không, khái niệm còn mới, chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh.
Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp bắt tay nhau đã tạo nên sức mạnh cho thị trường cũng như lấy lại niềm tin của khách hàng.
Ngày 19/9, việc 3 sàn giao dịch bất động sản lớn của tỉnh Đồng Nai là Tinnghia Land, Donaland và Sonadezi ký kết chương trình hợp tác nhằm phát triển thị trường bất động sản của tỉnh này cho thấy các nhà đầu tư Việt Nam không còn làm ăn nhỏ lẻ nữa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa (Tinnghia Land) thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết thêm, qua liên kết, các sàn còn hỗ trợ nhau trong đào tạo nguồn nhân lực trong môi giới, định giá bất động sản vốn đang thiếu và yếu hiện nay của các sàn.
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch&Đầu tư nhận định việc các nhà đầu tư trong nước bắt tay nhau hợp tác đầu tư là điều rất đáng mừng, đã đến lúc các doanh nghiệp bất động sản cần phải chứng tỏ nội lực và đứng vững trên đôi chân của mình.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng khẳng định phải hợp tác với các đối tác nước ngoài đặc biệt là về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị./.