Như đã thông tin, từ 1/10, các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn Hà Nội sẽ áp dụng chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Người bị thu hồi đất nhận được nhiều quyền lợi hơn, nhưng liệu quy định mới có tạo áp lực đẩy giá nhà đất tăng lên?
Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, quy định mới về bồi thường, hỗ trợ tái định cư vừa được Hà Nội thông qua, với nhiều thay đổi căn bản.
Trong đó, thành phố sẽ áp dụng mức bồi thường, hỗ trợ tối đa theo khung của Nghị định 69/CP. Một sào đất tại huyện Sóc Sơn, Đông Anh theo quy định hiện nay chỉ được bồi thường khoảng 70 triệu đồng, nhưng khi áp dụng quy định mới thì mức đền bù tối đa trên 300 triệu đồng”-Ông Biền cho biết.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng 1.000 dự án cần GPMB, thu hồi đất. Chính vì vậy, việc thay đổi chính sách hỗ trợ, tái định cư tăng tối đa mức hỗ trợ cho người dân và áp dụng thống nhất trên toàn thành phố sẽ tránh được việc khiếu kiện, gây khó khăn cho quá trình GPMB của các dự án.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với quy định mới này sẽ là một thách thức lớn với các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
“Chi phí đền bù GPMB của chủ đầu tư theo quy định mới sẽ đội lên rất nhiều. Điều này, có thể tạo cơn sốt giá mới cho thị trường bất động sản, bởi khi mức đền bù cao thì giá bán ra sẽ tăng” - Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Cty địa ốc Tín Hoàng nhận định.
Ở một khía cạnh khác, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, chuyện bỏ đền bù bằng đất, chuyển sang đền bù hoàn toàn bằng tiền mặt cũng cần cân nhắc.
“Việc trao cho dân một lúc một khoản tiền lớn chưa hẳn đã tốt. Điều quan trọng là phải tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho dân mất đất tốt nhất”-Ông Võ nói.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Đức Biền cho rằng, quy định mới đều tính đến lợi ích của dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư. “Theo quy định mới, dân có lợi hơn, họ được quan tâm thêm, nhưng nhà đầu tư, Nhà nước cũng có lợi. Bởi nếu như trước đây tất cả tiền đền bù về đất, nhà đầu tư chỉ được trừ trong tiền thuê đất hoặc nộp tiền sử dụng đất, thì giờ họ được tính tất cả tiền hỗ trợ, chi phí GPMB, tiền đền bù đất cộng hết lại để trừ trong tiền thu đất và tiền nộp sử dụng đất cho nhà đầu tư.
Có nghĩa, nhà đầu tư có mất gì đâu, họ chỉ bỏ ra trước, vì họ bỏ tiền ra GPMB thì giờ Nhà nước sẽ trừ hết cho họ. Quy định này khiến người bị thu hồi bàn giao sớm mặt bằng cho nhà đầu tư, trong khi các dự án giảm thời gian GPMB” - ông Biền phân tích.
Ông Biền cũng cho rằng, quy định mới sẽ là biện pháp sàng lọc bớt nhà đầu tư non yếu khi tham gia thực hiện dự án. “Trên một phương diện khác, việc tăng chi phí GPMB cũng là thuốc thử để sàng lọc nhà đầu tư. Có thể những nhà đầu tư ôm to, ôm lớn, không thực sự đủ mạnh sẽ gặp khó khăn, thậm chí bị loại”.
Từ ngày 1/10, với những dự án đã có quyết định thu hồi đất, đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai GPMB do lỗi của chủ đầu tư hoặc lỗi của chính quyền địa phương hoặc do nhiều nguyên nhân khách quan khác, thành phố sẽ có chính sách đặc thù riêng. Về cơ bản thành phố sẽ điều chỉnh giá đất, mức đền bù, hỗ trợ phù hợp tình hình mới.
(Theo Nguyễn Tú // Tienphong Online)