Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường bất động sản: Dự án “siêu tỷ đô”: Ai có tiềm lực?

Các doanh nghiệp bất động sản mới đây lại gây xôn xao dư luận bằng cách tung ra hàng loạt dự án có số vốn đầu tư lên tới vài tỷ đô. Những dự án bất động sản thuộc loại “khủng” đã phần nào làm sôi động thị trường bất động sản.

Nở rộ dự án siêu “tỷ đô”

Đầu tiên phải kể đến Dự án Khu du lịch tổng hợp cao cấp Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận với quy mô 1.500 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, do Công ty Polo Beach International Limited (HongKong) làm chủ đầu tư, bao gồm nhiều hạng mục như khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu giải trí tổng hợp quy mô lớn, khu biệt thự cao cấp, khu công trình công ích...

Kế tiếp là Dự án Khu phức hợp giải trí Happyland, tọa lạc tại tỉnh Long An do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư. Dự án có tổng số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD gồm khu vui chơi giải trí phức hợp có quy mô lớn như khu công viên, trung tâm thương mại, khách sạn 3-5 sao, công viên nước, vũ trường, chợ nổi, khu đô thị liền kề.

Mới đây, Công ty TNHH Quốc tế POLARIS KTY Việt Nam cũng đã khởi công Dự án xây dựng Khu Du lịch - Dịch vụ sinh thái hồ Tàu Voi tại xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với tổng vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD. Trong năm 2011, nhà đầu tư này phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động từng phần của dự án.

Dự án Khu phức hợp giải trí Happyland - một trong những dự án "siêu "khủng".

Tại Hà Nội, hai dự án không thể không nhắc đến đó là tòa tháp được mệnh danh “có một không hai” với chiều cao dự kiến khoảng 528m (102 tầng), tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Dự án tọa lạc trên khu đất 25 ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao thứ nhì châu Á được sử dụng để làm toà nhà điều hành trung tâm Tài chính - Thương mại quốc tế.

Hiện, Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - chủ đầu tư dự án này đang cân nhắc lựa chọn 1 trong 3 kiến trúc sư nổi tiếng thế giới để thiết kế dự án “siêu cao tầng” này. Dự kiến tòa nhà sẽ được khởi công vào đầu năm 2011 và sẽ hoàn thành sau 2,5 đến 3 năm xây dựng.

Một dự án cũng khá nặng ký tại Hà Nội là dự án khách sạn 5 sao Lotus ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Theo phương án đề xuất, dự án cao khoảng 400m, với 100 tầng, diện tích xây dựng hơn 19.000 m2, mật độ xây dựng khoảng 47,8%. Tổng diện tích sàn 640.000 m2, tầng hầm để xe rộng khoảng 240.000 m2. Dự án được thiết kế bởi hãng Foster + Partners - nhà thiết kế hàng đầu thế giới của Anh. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 1 tỷ USD.

Hàng loạt “dự án tỷ đô” khác bị rút phép



Dự án Bãi biển Rồng trị giá 4,15 tỷ USD đã bị rút giấy phép đầu tư do quá chậm tiến độ

Theo các chuyên gia BĐS, việc đầu tư hàng tỷ USD xây dự án sẽ đánh dấu sự phát triển của xã hội, đưa xã hội lên một tầm cao mới. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng có tiềm lực, bởi vậy đã có hàng loạt dự án “tỷ đô” bị rút giấy phép hoạt động.

Điển hình như tỉnh Quảng Nam đang hoàn thành các thủ tục rút giấy phép đầu tư của 3 dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản do triển khai quá chậm tiến độ đó là: Dự án Bãi biển Rồng có giá trị lên tới 4,15 tỷ USD do hai Công ty Tano Capital, LLC và Công ty Global C&D Inc (Mỹ) làm chủ đầu tư.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh cũng đã ký quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư bất động sản của Công ty TNHH Xây dựng và phát triển AJ Vietstar (vốn Hàn Quốc) do không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Dự án Bãi biển Rồng có giá trị lên tới 4,15 tỷ USD đã bị rút giấy phép đầu tư do quá chậm tiến độ

Không chỉ có các dự án liên quan đến BĐS mới xảy ra tình trạng như vậy. Dự án khu liên hợp thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9,8 tỷ USD, được khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm 2008 đang phải tìm chủ đầu tư mới. Đây là dự án do Công ty Maju Stabil SDN (thuộc Tập đoàn Lion Group của Malaysia) làm chủ đầu tư.

Không phải nhà đầu tư nào cũng có tiềm lực

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết, việc xây dựng những dự án “tỷ đô” cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải là những nhà đầu tư kinh doanh giỏi. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có tiềm lực để hoàn thành dự án.

Khi các dự án lớn bị rút giấy phép, sẽ có những hệ lụy đi kèm. Đó không chỉ là việc gây lãng phí đất, làm mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nằm trong diện phải di dời phục vụ dự án. Đấy là chưa nói đến những khó khăn trong công tác quản lý mà chính quyền sẽ phải đối mặt.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư Trưởng văn phòng Kiến trúc Thành phố Hà Nội, nước ta rất cần có những dự án đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án đầu tư vào không gian xanh, khu vui chơi đang rất thiếu. Thủ đô Hà Nội, sau khi mở rộng, tốc độ đô thị hóa cao, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nên xu hướng đầu tư các dự án “tỷ đô” vào đây là rất lớn. Vấn đề đặt ra là diện mạo thành phố Hà Nội hiện nay phát triển rất mạnh nhưng chưa tìm ra được bản sắc đặc trưng.

Để tránh mạo hiểm và rủi ro khi đầu tư các dự án “khủng”, ông Nghiêm cũng lưu ý các nhà đầu tư phải có định hướng về chức năng đầu tư. Ví như nên đầu tư vào đâu cho thích hợp: nhà ở, văn phòng hay khu vui chơi giải trí. Thứ hai là đầu tư ở đâu hiệu quả? Đây là hai vấn đề cần cân nhắc.

Ở góc độ nhà doanh nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vincom cho biết, xu hướng đầu tư xây dựng nhà cao tầng hay các dự án “khủng” là điều tất yếu, nhất là trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực để làm bởi chi phí bỏ ra đầu tư là quá lớn. Nếu các dự án được đầu tư nghiêm túc, đúng tiến độ, kết nối hạ tầng tốt thì chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận cao.

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo cáo về tình hình triển khai hoạt động trước ngày 10/9.

Theo đó, các doanh nghiệp có dự án với số vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, dự án đất đô thị trên 5ha, các dự án bất động sản khác có diện tích trên 50ha, dự án khai thác chế biến khoáng sản... đều nằm trong diện phải báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án, góp vốn, tình hình lao động, môi trường gửi UBND tỉnh, thành phố.

Riêng các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải hoàn tất báo cáo và đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư và lĩnh vực chuyên nghành của các cơ quan chức năng trên địa bàn theo quy định đối với dự án thuộc diện phải báo cáo.

( Theo DĐDN // vnr500 online )

  • Minh bạch hóa thị trường bất động sản
  • Bồi thường chung cư cũ bằng 2,5 lần diện tích cũ
  • Đất Ba Vì tiếp tục “lạnh”
  • Cân nhắc kỹ khi phân hạng sàn giao dịch địa ốc
  • Thị trường bất động sản “đục” nước, béo “cò” nào?
  • Đón hạ tầng, nhà đất lại tăng giá
  • Thuê căn hộ chung cư giá 600.000 đồng/tháng
  • TPHCM: Thủ tục cấp phép xây dựng mới “thoáng” hơn
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!