Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TPHCM: Thủ tục cấp phép xây dựng mới “thoáng” hơn

Từ ngày 24/9, “Quy định về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn TPHCM” sẽ có hiệu lực. Theo đó, quy định mới có nhiều điều khoản “thoáng” hơn rất nhiều.

Không giấy tờ sở hữu cũng được cấp phép

Theo quy định cũ, đối với nhà ở riêng lẻ không có các loại giấy tờ về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thì chỉ có những nhà nằm trong khu dân cư hiện hữu, ổn định sử dụng trước ngày 15/10/1993 mới được cấp phép.

Tuy nhiên, theo quy định mới, những nhà nằm trong khu dân cư hiện hữu, ổn định, sử dụng trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành) là đã có thể được cấp phép. Quy định này sẽ giúp hàng trăm, nghìn nhà ở phát sinh sau năm 1993 được cấp phép xây dựng.

Đối với trường hợp trên, nhà ở phải phù hợp quy hoạch xây dựng là đất ở. Đồng thời, chủ đầu tư phải làm giấy cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về ranh giới thửa đất đang sử dụng (kể cả phần tường chung với các nhà liền kề nếu có) không có tranh chấp, khiếu nại và phải được được UBND phường - xã, thị trấn nơi công trình xây dựng xác nhận.

Trường hợp nhà thuộc sở hữu nhà nước, cơ quan quản lý nhà phải có ý kiến chính thức bằng văn bản về nội dung sửa chữa, cải tạo hoặc phá dỡ hiện trạng cũ để xin phép xây dựng mới của chủ đầu tư.

Nhiều công trình không cần giấy phép

So với quy định cũ ban hành năm 2006, trong quy định mới có thêm nhiều loại công trình có thể tiến hành xây dựng mà không cần xin giấy phép xây dựng, chỉ cần đăng ký xây dựng ở UBND phường - xã, thị trấn.

Đầu tiên là công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô nhỏ, có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng thuộc vùng sâu, vùng xa không nằm trong các khu vực bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa.

Kế đến là công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của hộ nông dân (có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật về đất đai), không thuộc quy hoạch xây dựng đô thị, không thuộc quy hoạch điểm dân cư nông thôn, nhằm mục đích phục vụ nông nghiệp.

Trong quy định cũng chỉ rõ các công trình trên là: nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; trạm, trại nghiên cứu thí nghiệm, lâm nghiệp, làm muối, thủy sản; cơ sở ươm tạo cây giống…

Quy mô xây dựng cũng được xác định rõ là dạng công trình tạm bán kiên cố, 1 tầng (tường gạch, mái tôn; hoặc khung thép, bao che bằng tôn, lá, tấm nhựa; hoặc bằng vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá).

Ngoài ra, nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung; nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt cũng không cần xin giấy phép xây dựng.

Điều này trong quy định cũ cũng có. Nhưng trong quy định mới không hạn chế số tầng tối đa được xây dựng là 2 tầng (1 trệt, 1 lầu) và không hạn chế tổng diện tích sàn xây dựng dưới 200m2.

Quy hoạch “treo” cũng được xây 5 tầng


Theo quy định cũ, một số trường hợp nhà ở nằm trong khu quy hoạch “treo” (đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quy hoạch) vẫn được cấp phép xây dựng tạm nhưng quy mô công trình được phép xây dựng tạm là dạng bán kiên cố tối đa 2 tầng (trệt, gác gỗ hay bằng vật liệu lắp ghép do chủ đầu tư tự quyết định, tường gạch, mái tôn).

Theo quy định mới, quy mô công trình được phép xây dựng tạm là dạng kiên cố với tầng cao tối đa lên đến 5 tầng.

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với khu vực được xác định trong quy hoạch là các công trình hạ tầng kỹ thuật (như: nhà ga, bến xe, đường dự phóng, hành lang bảo vệ đường ray xe lửa, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội (như: trường học, bệnh viện, công viên, nhà văn hóa…).

Còn đối với các công trình, nhà ở trong khu vực hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu; hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch và hành lang bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật mà nhà nước chưa có chủ trương, kế hoạch thực hiện di dời thì chỉ được sửa chữa, cải tạo.

Đối với công trình, nhà ở nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới của các tuyến đường hiện hữu trong đô thị đã được phê duyệt và công bố lộ giới nhưng chưa có kế hoạch thực hiện mở rộng đường thì được cấp giấy phép xây dựng tạm với quy mô bán kiên cố 1 tầng (trệt, tường gạch, mái tôn hoặc ngói).

(Dân trí)

  • Giá đất quanh khu đô thị mới vẫn ngất ngưởng
  • Hải Phòng: Chung cư chưa có “đất sống”
  • Nhà ở xã hội: Đẩy mạnh tiến độ nhờ chính sách ưu đãi
  • Tháng 10 sẽ công bố số liệu nhà, đất công
  • Kiểm tra các dự án bất động sản nghỉ dưỡng
  • Hà Nội cấm chuyển nhượng nhà ở xã hội trước 10 năm
  • Chung cư nhỏ, nỗi lo lớn
  • Bài học cho Việt Nam: Cái giá của bong bóng bất động sản tại Trung Quốc
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!