Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường bất động sản Hà Nội: Có chỗ đã sôi…

Từ đầu năm trở lại đây, nhiều mảng thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội giảm. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở trong phân khúc bình dân và trung cấp lại tăng mạnh với khối lượng giao dịch lớn, nhờ vào mức giá thấp và luồng tiền từ gói kích cầu của Chính phủ cũng như thị trường chứng khoán được cải thiện. Thị trường nhà ở đang làm nóng lại thị trường bất động sản Hà Nội.

 Thị trường nhà ở - sự đảo chiều ngoạn mục

 Theo ông Marc Townsend – Giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis (Việt Nam): Quý II/2009 vừa qua chứng kiến sự đảo chiều trong giá chào bán ở tất cả các phân khúc của thị trường căn hộ sau 4 quý sụt giảm liên tiếp – ngoại trừ phân khúc thị trường bình dân vẫn tăng đáng kể. Giá chào bán ở phân khúc căn hộ hạng sang chỉ tăng nhẹ 2%, trong khi giá bán ở các dự án hạng cao cấp và trung cấp tăng 4-5%. Phân khúc bình dân có giá bán tăng mạnh hơn ở mức 12% và lên đến 20-30% tại một số dự án.

 Vừa qua đã có một số dự án được khởi bán như: Golden Westlake Executive Residences (98 căn cuối cùng), MipecTower (314 căn), 57 Vũ Trọng Phụng (180 căn) và Hemisco (384 căn). Một số dự án đã hoàn thành và bàn giao cho người mua bao gồm: The Garden (huyện Từ Liêm), 15T Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy), M5 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) và  45 Nguyễn Sơn (quận Long Biên).

 Cũng trong quý II/2009 vừa qua, giá bán tại một số dự án chung cư cũ có vị trí đẹp trên địa bàn thành phố tăng mạnh. Hầu hết các dự án này đều được quy hoạch, cải tạo lại hoặc xây mới trong thời gian tới. Giá nhà tăng vọt vì có quá nhiều người muốn mua nhà với hy vọng sẽ sớm được sở hữu những căn hộ mới xây lại theo chủ trương cải tạo lại các chung cư cũ, nát trên địa bàn Hà Nội.

 Hơn nữa, từ ngày 1/9/2009, người Việt ở nước ngoài có quyền được mua, sở hữu hoặc chuyển nhượng nhà và quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Theo đó, sẽ tạo một nguồn cầu mới tiềm năng cho các dự án căn hộ hạng sang hoặc cao cấp.

 

Phối cảnh dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở hỗn hợp tại 52 Lĩnh Nam – Quận Hoàng Mai – Hà Nội mới được khởi công vào tháng 2/2009

 Thị trường căn hộ cho thuê: không có biến động lớn

 Nghiên cứu tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội trong quý II/2009 của CBRE cho thấy: Thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê gần như không có biến động trong quý II/2009. Sau khi tăng mạnh trong quý I/2009, hiệu suất sử dụng trên toàn thị trường tăng nhẹ trong quý II/2009, dù tỷ lệ trống vẫn ở mức xấp xỉ 11%.

 Trong quý II/2009, giá chào thuê trung bình trên toàn thị trường giảm đáng kể xuống còn 28,77 USD/m2/tháng, tương đương giảm 12% so với quý trước. Các dự án do các công ty nước ngoài quản lý và các dự án do các công ty trong nước tự quản lý đều đã giảm mạnh. Đáng chú ý là những dự án cao cấp nhất sẽ giảm giá chào thuê mạnh nhất.

 Dự kiến, cho tới năm 2011 thị trường Hà Nội sẽ không có thêm dự án căn hộ dịch vụ cho thuê mới nào, do vậy nguồn cung cho thuê hiện tại tương đối bình ổn. Tuy nhiên, sẽ có sự mở rộng của ngày càng nhiều các dự án căn hộ cho thuê dịch vụ nhỏ của tư nhân.

 Thị trường văn phòng cho thuê gặp khó

 Đó là mảng thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay tại Hà Nội. Trong quý II vừa qua, chỉ có một tòa nhà văn phòng hạng B được khởi bán. Tuy nhiên các dự án đã được chào thuê từ trước vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê. Hiện có khoảng 22,1% diện tích văn phòng hạng B bị bỏ trống.

 Bên cạnh đó, các văn phòng hạng A chỉ bị trống khoảng 2,84%; giá giảm 5,6% xuống còn 46 USD/m2, vẫn thấp hơn nhiều so với mức giảm của văn phòng hạng B là 19,1%. Giá thuê văn phòng hạng B giảm một phần là do các tòa nhà mới được chào thuê trong năm 2009 có mức giá khá thấp.

 Hiện nay trên toàn thị trường Hà Nội có chưa đầy 0,5 triệu m2 văn phòng cho thuê các hạng A, B,C. Nhìn chung, do những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, các khách thuê đang thu nhỏ quy mô diện tích văn phòng và có nhiều thuận lợi trong việc đàm phán giá thuê hạ.

 Theo ông Marc Townsend, thị trường văn phòng cho thuê ở Hà Nội tuy ảm đạm nhưng cũng không suy giảm mạnh bằng thị trường TP.Hồ Chí Minh, do nguồn cung lớn, nhiều dự án có vị trí đẹp, chất lượng tốt có khả năng phải tạm bỏ trống trong 1 – 2 năm nữa, chờ thị trường phục hồi.

 Nhìn về tổng thể thị trường bất động sản Việt Nam, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã buộc rất nhiều tập đoàn quốc tế hoãn kế hoạch thâm nhập hoặc mở rộng thị trường tại Việt Nam. Tranh thủ thời điểm này, các chủ đầu tư trong nước vẫn tiếp tục xây dựng và mở rộng các dự án, chiếm lĩnh thị phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Phần lớn các chủ đầu tư trong nước có thể phát triển các dự án ở mức trung cấp hoặc bình dân với chi phí thấp hơn hẳn so với các chủ đầu tư nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, nhờ vào thị trường tài chính còn non trẻ và chưa hội nhập quá nhiều, Việt Nam được dự báo sẽ đi qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu với tổn thất không quá nặng nề. Nhiều ngân hàng lớn đang mở rộng vác chương trình cho vay vốn và Chính phủ cũng khuyến khích mạnh mẽ việc phát triển tín dụng mua nhà; ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Theo đó, các chuyên gia dự báo thị trường nhà ở xã hội ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng trong thời gian tới vẫn có nhu cầu rất lớn và có đà phát triển nhất trong các phân khúc bất động sản khác.

(Theo Lan Hương // Hanoimoi Online)

  • 6 tỷ USD xây dựng khu đô thị Đông Sài Gòn
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Lợi ích nhân đôi
  • 180 triệu USD xây dựng tòa nhà cao nhất miền Trung
  • Các nhà đầu tư bắt đầu nhắm đến chung cư thuộc hướng Tây
  • Thận trọng khi đầu tư nhà, đất ở Mỹ
  • Hà Nội: 'Ấm' nhà để bán, 'lạnh' mảng cho thuê
  • Hà Nội: Chuẩn bị khởi công dự án FLC Landmark Tower
  • TPHCM: Triển khai đấu thầu thêm 6 “khu đất vàng”
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!