Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường bất động sản Hà Nội giảm nhiệt

Hơn 2 tuần trở lại đây, thị trường bất động sản Hà Nội đã bắt đầu giảm nhiệt sau một thời gian dài “sốt nóng”. Giá cả và giao dịch trên thị trường đều có dấu hiệu “chững” lại.

Chị Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới mua bán Công ty Cổ phần Bất Động Sản B.D.S cho biết, do giá bất động sản, đặc biệt là đất nền đã lên mức quá cao nên nhiều người mua cũng như nhà đầu tư tỏ ra e ngại. Lượng khách gọi điện tới công ty hỏi thông tin về nhà đất giảm khoảng 40% so với thời điểm “sốt” khoảng 3 tuần trước.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, sau khi giá đất nền được cho là đã lên “quá cao” thì đã bắt đầu đứng giá, một số nơi quay đầu giảm nhẹ. Giao dịch cầm chừng, một số khu vực giao dịch giảm tới 30-40% so với thời điểm sốt.

Đất nền tại Cienco 5 – Vĩnh Phúc, khu vực Bắc Thăng Long hiện đã giảm xuống 1-2tr/m2, từ 15-16tr/m2 xuống 13,5-14tr/m2. Geleximco khu C, D do lượng cung quá nhiều, cầu lại ít nên giá cũng giảm nhẹ, hiện giá bán trung bình dao động trong khoảng 36-37tr/m2, giao dịch thưa thớt.

Đất liền kề, biệt thự tại dự án Nam An Khánh, Bắc An Khánh đã chững lại, hiện trên thị trường chỉ có hàng cũ đã được mua bán trao tay nhiều lần, không có hàng mới ra, giao dịch nhỏ giọt. Tương tự, đất liền kề, biệt thự tại dự án Dương Nội, Văn Khê cũng đứng giá, ít giao dịch.

 
Dự án An Hưng - Hà Đông giá đã lên quá cao. Ảnh: MH

Dự án An Hưng tại Hà Đông thời gian qua cũng gây sóng gió trên thị trường khi dự án mới ra, tuy nhiên, sau một thời gian chào bán, nhiều người nhận ra giá của nó đã lên mức quá cao thì quay đầu lại. Hiện đất liền kề, biệt thự tại dự án này đã được rao bán ở mức 52-53tr/m2 so với mức giá trên dưới 40tr/m2 thời điểm dự án mới ra.

Anh Tuyển, cán bộ kinh doanh tại sàn giao dịch bất động sản trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, dự án An Hưng tại Hà Đông gần như lặp lại kịch bản dự án ở Dương Nội của Nam Cường. Khi giá lên quá cao so với mức khởi điểm, người mua ngừng giao dịch thì các nhà đầu tư, đầu cơ bắt đầu hạ giá và bán tháo. Mặc dù có thông tin tháng 6.2010 đường Lê Văn Lương cơ bản hoàn thành và sẽ thông xe vào tháng 10.2010 nhưng thực tế thì phải đến thời điểm đó mới rõ. Giá đất tại nhiều dự án đã lên quá cao so với tiến độ hạ tầng.

Giá đất dịch vụ tại khu vực Láng Hòa Lạc hay tại xã Song Phương (đất đền bù của dự án Bắc An Khánh) trong vòng 10 ngày qua cũng đã giảm 500.000đ/m2 (từ 15tr/m2 xuống 14,5tr/m2) những vẫn không có giao dịch.

“Nhiều sàn giao dịch nhà đất khu vực phía Đông Hà Nội, đặc biệt là quanh khu đô thị Việt Hưng - Gia Lâm cũng đang chịu cảnh chợ chiều do đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, hiện người bán nhiều nhưng người mua lại rất ít, tình hình giao dịch khá ảm đạm”, anh Tuyển cho hay.

Về thị trường chung cư, giao dịch tại phân khúc này thời gian qua cũng giảm sút đáng kể, lượng người quan tâm ít, đặc biệt là mảng nhà chung cư cao cấp. Một số nhà đầu tư dự báo thời gian tới, những chung cư có giá trên dưới 20tr/m2 có thể giao dịch sẽ sôi động trở lại từ người mua có nhu cầu thực. 

Theo ông Lê Xuân Trường, Giám đốc công ty cổ phần Bất Động Sản B.D.S, thị trường lên quá cao phải điều chỉnh lại là điều tất yếu. Hiện giá đất nền tại nhiều dự án đã tăng lên 40-60%, đặc biệt đất thổ cư tại một số khu vực tăng tới 200% trong vòng 4 tháng qua. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư phải tạm ngưng giao dịch để tránh rủi ro. 

“Dự thảo quy hoạch thủ đô vẫn còn nằm trên bàn nghị sự, chưa có một quyết định chính thức nào. Các nhà đầu tư đang chờ đợi những định hướng rõ ràng về thông tin quy hoạch sau khi được đưa ra bàn luận tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 6, đặc biệt là việc xác định các đô thị vệ tinh, trung tâm hành chính quốc gia… để lựa chọn hướng đầu tư phù hợp”, ông Trường cho biết thêm.

Theo một số nhà phân tích, những biến động của nền kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư. Thông tin không mấy lạc quan từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu, thị trường chứng khoán vốn được coi là “bình thông nhau” với thị trường bất động sản cũng lình xình suốt mấy tuần qua khiến nhà đầu tư ít nhiều bị hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nhà đất.

Đồng thời, thông tin Thủ tướng vừa yêu cầu các ban, ngành phối hợp với các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình tăng giá đất và nhà ở, nghiêm cấm việc sang tên đổi chủ những trường hợp chưa đủ thủ tục, giấy tờ hợp pháp và chưa nộp thuế; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét và giám sát chặt hơn tình trạng cho vay bất động sản… cũng đã khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Khánh Hà - Batdongsan

  • 'Có hiện tượng giao dịch giả để kích giá đất'
  • TP.HCM: Điều chỉnh QHCT Khu dân cư Gò Dưa với quy mô 97,53 ha
  • Cận cảnh đồ án ý tưởng quy hoạch Hà Nội năm 2030
  • Ðể thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững
  • Thị trường BĐS Đà Nẵng: Nóng phân khúc cao cấp
  • Đất Hà Nội giá bao nhiêu?
  • Điều gì đang xảy ra với bất động sản Hà Nội?
  • Bộ Xây dựng bàn kế hạ nhiệt sốt đất Hà Nội
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!