Ngoài khối ngân hàng vốn có lượng vốn điều lệ rất cao, trong năm 2010 nhiều thử thách, những DN có lợi nhuận đạt đến con số 1.000 tỷ đồng là hàng hiếm trên sàn niêm yết. Lời đầu năm, người đứng đầu các DN "ngàn tỷ" đã nói gì?
“Làm gì thì làm, trong tài khoản phải luôn có 1.000 tỷ đồng tiền mặt”- Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)
Năm 2010, HAG đạt lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2011, chúng tôi đặt kế hoạch lợi nhuận 3.600 tỷ đồng. Nếu xét về con số tăng trưởng thì không phải là cao, nhưng đây là kịch bản xấu nhất mà chúng tôi tính đến. Tập đoàn sẽ phấn đấu thực hiện cao hơn nếu tình hình thị trường thuận lợi hơn. Như năm vừa qua, HAG đã hai lần điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận.
Trong năm qua, HAG liên tục thực hiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn. Mục đích là chủ động về nguồn vốn đầu tư trước những biến động phức tạp và khó lường của thị trường tài chính và lãi suất. Không cẩn thận là chết trên đống của vì thiếu tiền mặt. Tôi luôn nói với anh em là làm gì thì làm, trong tài khoản phải luôn có 1.000 tỷ đồng tiền mặt.
Nhờ chiến lược phòng thủ mà thời gian qua dù lãi suất cao, thắt chặt tín dụng, nhưng các dự án của HAG vẫn triển khai đúng tiến độ. Việc phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là nhằm mục tiêu chuẩn bị vốn cho dự án dài hạn là trồng cao su, thủy điện… Hiện nay, không có nhiều DN vốn lớn mà EPS đạt đến 7.000 - 8000 đồng như HAG. Nhưng đấy mới chỉ là lợi nhuận làm ra từ một phần vốn đầu tư của Tập đoàn, một phần vốn đầu tư lớn hơn nhiều đang nằm trong các dự án dài hạn là cao su, thủy điện, khai thác mỏ, sẽ đem lại lợi nhuận cao sau một vài năm nữa.
“80% thời gian, nhân lực, nguồn lực của FPT vẫn thuộc về mảng công nghệ thông tin”- Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc CTCP FPT
Năm 2010, do nhiều nguyên nhân, trong đó có biến động tỷ giá, FPT vượt chỉ tiêu doanh thu song chỉ hoàn thành 97% kế hoạch lợi nhuận năm (năm 2010 dự kiến đạt 22.996 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với năm 2009; lợi nhuận trước thuế là 2.119 tỷ đồng, 25% so với năm 2009). Năm 2011, FPT tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 25% so với năm 2010. Trong định hướng hoạt động của mình, FPT tập trung mạnh nguồn lực vào một số lĩnh vực như đầu tư cho hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, xây dựng trung tâm dữ liệu, mở rộng đào tạo công nghệ thông tin… FPT cũng tập trung đưa ra sản phẩm có tính đại chúng, nhắm đến những đối tượng khách hàng là người lao động bình dân, ví dụ như F-mobile sẽ tích hợp các tính năng, hướng đến mục tiêu xây dựng 50.000 ứng dụng từ tra cứu thông tin, giao dịch, xem thời tiết, tử vi, phần mềm kế toán… Trong định hướng về toàn cầu hóa, FPT sẽ chú trọng cho nhiều dự án lớn không chỉ những dự án nhỏ, sau 10 năm ra nước ngoài, FPT đã có vị thế khác. Một mảng hoạt động nữa là viễn thông, trước đây FPT chưa có đủ giấy phép làm viễn thông. Năm 2010, Chính phủ mở cửa thị trường viễn thông hơn, cho phép các công ty viễn thông không cần cổ phần chi phối của Nhà nước. Việc này giúp cho FPT có cơ hội trở thành công ty có đầy đủ giấy phép. Thay vì xin giấy phép, chúng tôi quyết định mua cổ phần của EVN Telecom để trở thành nhà đầu tư chiến lược, chính thức hiện diện đầy đủ bước vào thị trường viễn thông.
Với những ngành nghề không thuộc cốt lõi của FPT, chúng tôi định hướng chiếm chưa đến 10% lợi nhuận của cả Tập đoàn. 80% thời gian, nhân lực và nguồn lực của FPT vẫn thuộc về mảng công nghệ thông tin.
“Chất lượng quốc tế nhưng giá cả phải hợp với đại bộ phận người tiêu dùng”- Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (VNM)
VNM là DN có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, năm 2010 kế hoạch doanh số tăng 25%, lợi nhuận tăng 15% so với năm 2009 (doanh thu 14.428 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.137 tỷ đồng) và các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh số vào năm 2012, nhưng sẽ cố gắng để cán đích đó trong năm 2011. VNM hoạt động theo nguyên tắc chất lượng quốc tế nhưng giá cả phải hợp với đại bộ phận người tiêu dùng, đơn cử giá sữa bột chỉ bằng 1/3 giá sữa bột ngoại nhập. Sản lượng của Công ty tăng nhanh, từ mức 6 triệu đơn vị sữa/ngày hiện đã tăng lên 10 triệu đơn vị/ngày. Chúng tôi quan niệm, mỗi đơn vị lợi nhuận có thể thấp đi một chút nhưng lấy nhiều bù lại.
Với nhà sản xuất sữa, nguồn nguyên liệu là quan trọng. Nhưng ở Việt Nam, đất đai, khí hậu không hẳn đã hoàn toàn thuận lợi với chăn nuôi bò sữa, vì thế chúng tôi xác định tạo ra các trang trại hạt nhân ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, mỗi trại có 2.000 con là tối đa. Trong 5 năm tới, nhu cầu nguyên liệu sản xuất của Công ty ước lên tới 1,3 tỷ lít, VNM phấn đấu tự túc 40% nguyên liệu.
Có thị phần mạnh ở thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu cũng được Công ty chú trọng. Chúng tôi đang xuất khẩu sản phẩm đến Trung Đông (sữa bột cho trẻ em), sữa đặc có đường sang Campuchia và Philipines, xuất khẩu sữa đậu nành sang Australia. Tại Campuchia, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của VNM đạt trên 80 triệu USD.
Với tốc độ 4 năm công suất tăng gấp đôi như vậy, từ 2 năm trước, VNM đã chuẩn bị và có kế hoạch xây dựng các nhà máy mới. Tháng 8/2011, chúng tôi đưa nhà máy tại Đà Nẵng vào hoạt động; cuối năm 2012 là 2 nhà máy, công suất giai đoạn đầu là 4 triệu tấn, giai đoạn sau là 8 triệu tấn.
Quan điểm của VNM là cố gắng có mức cổ tức hấp dẫn với đồng vốn nhà đầu tư bỏ ra, nhưng lợi nhuận cũng để lại một phần đáng kể để tái đầu tư. Tại sao VNM lại có kết quả kinh doanh tốt như vậy, tất nhiên vốn lớn phải tạo ra lợi nhuận lớn. Bên cạnh đó, bí quyết thành công của VNM chỉ đơn giản ở chỗ Ban điều hành lãnh đạo làm sao để tập thể đoàn kết, cùng nhìn về một hướng. Sáng ai cũng háo hức đến Công ty, ngay tôi xử lý công việc cũng rất nhanh, nhận email trao đổi thì chỉ một ngày là phải trả lời.
“Tái cấu trúc để khơi dậy những thế mạnh của DN”- Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí (DPM)
Năm 2011, DPM đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.450 tỷ đồng. Đây là kế hoạch đặt ra nhiều thách thức với Tổng công ty trong bối cảnh năm 2011 là năm bản lề thay đổi trạng thái cung - cầu phân bón, từ cầu lớn hơn cung sang cung lớn cầu. Đây cũng là năm theo lộ trình, các DN nước ngoài được triển khai hệ thống phân phối bán lẻ phân bón ở thị trường Việt Nam nên thị trường sẽ cạnh tranh hơn.
Một nhiệm vụ chiến lược năm 2011 của DPM là tái cấu trúc DN nhằm tận dụng, phát huy và khơi dậy những thế mạnh sẵn có cũng như tiềm tàng, để tăng cường năng lực cạnh tranh. Về cơ bản, Tổng công ty đã hoàn tất phương án và lộ trình thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động, tái cấu trúc về tổ chức, bộ máy quản lý, cơ cấu vốn, nhân lực…, nhằm triển khai và hoàn thành sớm trong quý I/2011. Trong năm 2011, Tổng công ty sẽ dồn sức triển khai nhiệm vụ chiến lược là thực hiện dự án đầu tư. Phấn đấu khởi công nhà máy sản xuất NPK vào tháng 7 để 24 tháng sau có sản phẩm. Các dự án NH3, Amoniac, thuốc diệt cỏ, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, để quý III và quý IV tùy theo tình hình cụ thể sẽ bắt tay triển khai.
Cùng với phát triển sản phẩm, Tổng công ty đang đi trước một bước trong phát triển hệ thống phân phối. Sử dụng nâng cấp hệ thống có sẵn, đầu tư mới để làm sao ở các vị trí trọng yếu đều có hệ thống kho cảng phục vụ phân phối. Ưu tiên triển khai Dự án kho cảng Cái Cui, dự án quan trọng tại thị trường chiến lược cho sản phẩm urea hạt đục của Nhà máy Đạm Cà Mau mà Tổng công ty sẽ phải bao tiêu sản phẩm. Mục tiêu trong 4 năm nữa xuất khẩu 400.000 tấn urea ra nước ngoài. Định hướng của DPM là trở thành DN đứng đầu cả nước và hàng đầu trong khu vực về lĩnh vực phân bón và hóa chất dầu khí.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com