Trên cơ sở phân tích diễn biến TTCK sau Tết Âm lịch, nhất là hai phiên đầu tuần này, một số ý kiến cho rằng, tâm lý e ngại nguồn cung tiền bị nghẽn do tác động của chính sách kiểm soát lạm phát được tạm thời cởi bỏ sau quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản và cho phép các NHTM cho vay với lãi suất thoả thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, với sự lình xình của thị trường lúc này, có thể nói, tiền không thiếu, chỉ thiếu cơ hội đầu tư…
Một tín hiệu tích cực của thị trường trong hai phiên giao dịch đầu tuần là khối lượng giao dịch có xu hướng nhích lên. Tuy nhiên, điều đó không đủ mạnh để giúp thị trường phá thế giằng co.
Diễn biến trên, theo TS. Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc khối Phân tích Đầu tư, CTCK APEC, sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới khi dòng tiền chưa đủ mạnh để "hấp thụ" hết lượng cổ phiếu khá lớn từng được giao dịch trong ngưỡng 510 - 534 điểm. Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung dài hạn làm cho lãi suất cơ bản trở nên ít tác dụng. Nền lãi vay vẫn khá cao trong bối cảnh lạm phát lên đến trên 3,3% trong hai tháng đầu năm. Hiện nay, dòng tín dụng không bị đóng, nhưng muốn sử dụng, người đi vay phải trả lãi khá cao, do vậy nhiều NĐT chưa dám nghĩ tới việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Trong thực tế, nhiều NĐT đang có tỷ trọng tiền mặt khá lớn, nhưng lãi suất cao và kỳ vọng lạm phát làm cho họ chưa dám "tất tay" vào chứng khoán. Nhìn nhận dài hơn, ông Bình cho rằng, vẫn thấy cơ hội cho những NĐT mua cổ phiếu bằng vốn tự có trong khoảng thời gian trên 3 tháng, do giá nhiều cổ phiếu đang khá hấp dẫn để nắm giữ. Để thị trường tăng tốc, cần có một "cú hích" từ vĩ mô, nhưng có lẽ cú hích này chưa thể đến quá sớm. VN-Index sẽ gặp ngưỡng cản lớn ở 534 điểm và muốn vượt ngưỡng này, cần có dòng tiền hấp thụ khoảng trên 50 triệu cổ phiếu/phiên trên HOSE. Hiện nay, dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài cuộc chơi, bởi NĐT đang nghe ngóng thông tin vĩ mô.
Một lý do khác đang làm cản dòng tiền vào TTCK, đó là yếu tố thanh khoản của thị trường chưa có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ số VN-Index đã trải qua nhiều phiên biến động trong biên độ hẹp, khoảng từ 480 - 510 điểm. Với diễn biến này, NĐT hạng siêu may ra mới kiếm được lợi nhuận 5 - 7%, còn phổ biến lời lãi chẳng bao nhiêu. Một NĐT cho biết, do lợi nhuận kiếm được trên TTCK không kham nổi trả lãi ngân hàng với lãi suất lên tới 16 - 17%/năm, nên không dám sử dụng đòn bẩy tài chính. Với kiểu thị trường lình xình như hiện nay, chỉ dám vừa mua bán nhỏ giọt bằng vốn tự có, vừa nghe ngóng để thoát hàng ngay khi có thông tin bất lợi.
Cũng với nhận định diễn biến của TTCK đang không mấy ủng hộ cho sự quay lại của dòng tiền, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội CTCK Kim Eng phân tích, nỗi lo lạm phát tăng cao tái xuất hiện đang đè nặng lên tâm lý của NĐT. Điều này khiến cho dù dòng tiền sẵn sàng vào thị trường khá dồi dào, nhưng đang bị khựng lại. Trên thực tế, nhiều NĐT lớn chưa tích cực tham gia thị trường mà tiếp tục chờ đợi. Các NĐT này đa phần mới giải ngân khoảng 5 - 10% tổng tiền sẵn sàng tham gia thị trường. Điều này cho thấy, chỉ cần xuất hiện yếu tố hỗ trợ thị trường tích cực, sẽ có một lượng tiền không nhỏ sẵn sàng hấp thụ khối lượng cổ phiếu lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều cổ phiếu tốt đang có mức giá khá hấp dẫn.
Tình trạng hàng bị "treo" cũng đang gây khó khăn cho thị trường thoát khỏi thế giằng co. Theo ông Bình, số NĐT ôm hàng vào ở sát ngưỡng dưới 500 điểm không phải là ít, trong khi thị trường liên tiếp có những phiên đi ngang đã khiến họ bị kẹp hàng. Tuy thị trường khó có thể xấu thêm, nhưng chưa dễ tốt lên, nên họ không cắt lỗ mà tiếp tục chờ đợi. Ở đầu bên kia, những NĐT muốn gom hàng chưa có dấu hiệu sốt ruột, nên cung - cầu vẫn chưa gặp nhau.
Loại trừ yếu tố tác động bất lợi của tình hình TTCK thế giới, trạng thái đi ngang của thị trường hiện nay có thể sẽ được phá vỡ khi chỉ số lạm tháng 3, cũng như kết quả kinh doanh quý I của các DN được công bố. Theo kịch bản này, ông Mạnh cho rằng, nếu CPI tháng 3 nhỏ hơn 0,5%, thì thị trường sẽ không bị xấu thêm, trường hợp chỉ số này dao động quanh 1% sẽ có tác động không tốt đến thị trường. Thêm vào đó, nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý I của hầu hết DN niêm yết sẽ khó đẹp như kỳ vọng của NĐT, kể cả những DN thuộc các ngành "hot" như bất động sản, tài chính... Chỉ những DN kinh doanh các mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng dịp Tết vừa qua, cũng như các DN được hưởng lợi từ lạm phát, thì mới có hy vọng đạt kết quả kinh doanh đột biến.
"Với diễn biến như vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ chạm đáy vào đầu tháng 4 trước khi tạo ra môi trường thuận lợi cho hấp thụ dòng tiền mạnh hơn. Tuy nhiên, khả năng để thị trường xác lập xu thế tăng ổn định là không dễ, khi mà yếu tố kinh tế vĩ mô năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức", ông Mạnh nói.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com