Kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 126/2008/QĐ-BTC, yêu cầu các CTCK phải đóng cửa đại lý nhận lệnh (ĐLNL), với thời hạn là một năm, nhiều CTCK đã trăn trở tìm lối đi riêng để phát triển thị trường. Một trong những lối đi đó là tạo lập đội ngũ môi giới tự do.
Đóng cửa ĐLNL, chuyện nhỏ!
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có văn bản yêu cầu các CTCK đến ngày 10/4/2010 phải đóng cửa các ĐLNL và báo cáo kết quả cho Ủy ban. Hiện phần lớn CTCK đều tuân thủ quy định trên.
Cách đây một năm, Quyết định 126 của Bộ Tài chính gây sốc cho không ít CTCK và NĐT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều CTCK nhận thấy việc duy trì hay đóng cửa ĐLNL không phải là vấn đề lớn, khi NĐT dần dần chuyển sang giao dịch trực tuyến (đặt lệnh qua Internet). Đối với các CTCK muốn mở rộng mạng lưới thì lựa chọn cách nâng cấp ĐLNL thành phòng giao dịch. Nhưng phổ biến nhất hiện nay là cách tuyển dụng các môi giới tự do.
Lợi cả đôi đằng?
"Công việc độc lập, tự chủ về thời gian làm việc, không chịu các sức ép, ràng buộc về quản lý, được hưởng 50% trên tổng phí 'NET' (thu nhập ròng) thu được từ giao dịch của khách hàng do nhân viên môi giới tự do đem lại". Đây là một trong những lời mời gọi hấp dẫn các môi giới tự do làm việc cho CTCK Trường Sơn được đăng tải trên quảng cáo tuyển dụng của công ty này. Các môi giới tự do phục vụ hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán của khách hàng hàng ngày như đặt lệnh mua bán chứng khoán, thực hiện các công việc liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ tài chính cho NĐT như vay ứng trước tiền bán chứng khoán, vay cầm cố chứng khoán, vay hỗ trợ tài chính, tư vấn cho khách hàng, thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường và từ đó tư vấn cho CTCK phát triển các sản phẩm dịch vụ mới phục vụ khách hàng…
Nhấc máy điện thoại gọi cho một môi giới đăng tin quảng cáo trên một diễn đàn về chứng khoán, nhân viên này cho biết, có thể hỗ trợ NĐT mở tài khoản tại hai CTCK khác nhau. Mỗi công ty có thế mạnh riêng về công nghệ, sản phẩm, năng lực tài chính hỗ trợ NĐT. Môi giới trên cho biết thêm, việc làm môi giới tự do cho cả hai CTCK có ưu điểm là NĐT thuận tiện ở vị trí địa lý nào thì mở tài khoản ở khu vực đó.
Với đặc điểm là tính độc lập cao trong công việc, đồng thời có thu nhập cao theo hiệu quả, môi giới tự do đang là một nghề phát triển mạnh. Họ không cần có bằng cấp cụ thể về tài chính, chứng khoán cũng như kinh nghiệm đầu tư, mà sẽ được CTCK hỗ trợ bằng các chương trình đào tạo chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao dịch... Việc thành công trong nghề nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự cố gắng cũng như mức độ quan hệ, quảng giao của mỗi người. Các môi giới tự do không nhận lương từ CTCK, nếu có thì cũng rất ít, nhưng họ lại có cơ hội gia tăng thu nhập từ việc được chia lại phí từ các khách hàng. Phổ biến từ 30% đến 70%, tùy vào mỗi CTCK và giá trị giao dịch.
"Các CTCK không thể tranh giành 800.000 tài khoản hiện nay, mà phải thông qua môi giới tự do để tìm kiếm NĐT mới", giám đốc một CTCK có địa chỉ tại Hà Nội nói.
Việc nhiều TTCK trên thế giới sử dụng mô hình nhà môi giới tự do hoặc tổ chức môi giới tự do và tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh cho thấy sự cần thiết của mô hình này. Vấn đề đặt ra là việc quản lý các môi giới tự do ra sao? Bởi lẽ, theo một số NĐT VIP, lượng tin đồn "khủng khiếp" trên thị trường trong thời gian qua được khởi nguồn, chuyển tải, nhân rộng từ chính các môi giới tự do. Đó là chưa kể đến những hệ lụy trong việc đảm bảo an toàn tài sản khi NĐT "trót" đặt trọn niềm tin vào các môi giới này. Sau một thời gian quen biết, NĐT có thể ủy quyền cho các môi giới giao dịch để được hưởng các ưu đãi: sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn, giao dịch nhanh hơn… Đó chính là những mối nguy hiểm tiềm tàng. Theo NĐT nêu trên, UBCK cần cho môi giới tự do hoạt động, nhưng phải quản lý chặt chẽ.
CTCK KimEng là một trong những công ty đầu tiên đưa mô hình môi giới tự do vào hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay KimEng không còn loại hình môi giới này do pháp luật chưa quy định rõ ràng thế nào là môi giới tự do. Theo KimEng, việc áp dụng hình thức này là một rủi ro về pháp lý.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, việc ký kết hợp đồng giữa CTCK với người lao động là quan hệ dân sự. Tùy từng vị trí trong CTCK mà yêu cầu người lao động phải có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán. Về môi giới tự do thì bản thân vị lãnh đạo này cũng chưa đưa ra quan điểm có cần chứng chỉ hành nghề hay không.
Từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, quy định về việc thi cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán đã có sự thay đổi theo hướng cho phép những người làm việc ngoài CTCK, công ty quản lý quỹ cũng được thi, nếu có đủ chứng chỉ đào tạo. Vậy nhưng, sau 3 năm, quy định về người hành nghề chứng khoán vẫn chưa được ban hành. Trước áp lực cạnh tranh, nhiều CTCK phát triển môi giới tự do khá ồ ạt và yêu cầu hồ sơ tuyển dụng không cao. Điều này tiềm ẩn không ít rủi ro cho thị trường, đòi hỏi cơ quan quản lý phải sớm có khung khổ pháp lý để quản lý.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com