Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Huy động TPCP sẽ tiếp tục… hụt hơi?

Từ đầu năm 2010 tới nay, có tổng cộng 5 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) bao gồm trái phiếu do kho bạc nhà nước, TPCP bảo lãnh… qua Sở GDCK Hà Nội, với tổng số vốn gọi thầu là 6.200 tỷ đồng, huy động thành công 610,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ hơn 10,1%. Thống kê này, dù đã khả quan hơn kết quả huy động năm 2009, nhưng vẫn cho thấy khả năng tiếp tục… hụt hơi mục tiêu huy động vốn, dù lãi suất trần đã tăng lên tới 12% cho kỳ hạn 2 năm.

Tỷ lệ huy động vốn thành công… suy giảm


Năm 2009, với 60 cuộc đấu thầu TPCP bằng VND được tổ chức thông qua Sở GDCK Hà Nội, chỉ có 2.595,7 tỷ đồng được huy động trên tổng số 60.000 tỷ đồng gọi thầu, tương đương tỷ lệ gọi thầu thành công gần 4,33%. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2008 là gần 22,11% (huy động thành công 7.008 tỷ đồng trên 31.700 tỷ đồng gọi thầu) và năm 2007 là 65,27% (huy động thành công 18.939 tỷ đồng trên 29.016 tỷ đồng gọi thầu). Sự thụt lùi ngày một rõ rệt ở tỷ lệ huy động vốn thành công TPCP trong 3 năm qua, chủ yếu nằm do cung - cầu lãi suất trong huy động vốn TPCP chưa gặp nhau, khi khoảng cách lãi suất trần huy động với lãi suất đăng ký thấp nhất, thậm chí có lúc lên tới… 2% vào năm 2009.

Đầu năm 2010, dù lãi suất trần huy động TPCP đã tăng lên đáng kể, từ mức 10,8%/năm cho TPCP kỳ hạn 2 năm (phiên đấu thầu tổ chức ngày 21/1) lên mức 12%/năm cho TPCP cùng kỳ hạn 2 năm (phiên đấu thầu tổ chức ngày 18/3), nhưng tỷ lệ huy động vốn thành công vẫn không cao, do ở các kỳ hạn cao hơn, cung - cầu lãi suất vẫn còn khoảng cách. Điều đáng nói là, với mức lãi suất trần huy động vốn cho kỳ hạn 2 năm lên tới 12%/năm, Bộ Tài chính đã "vượt mặt" về cạnh tranh huy động vốn so với các NHTM thông thường, do các NHTM đang bị khống chế trần lãi suất huy động vốn là 10,5%/năm. Có lẽ, với việc mạnh dạn "tiến đến gần nhu cầu của NĐT" để đáp ứng mục tiêu huy động vốn, phiên đấu thầu ngày 18/3 đã diễn ra "suôn sẻ nhất" trong số các phiên đấu thầu kể từ đầu năm 2009 tới nay, khi tỷ lệ huy động vốn thành công với TPCP kỳ hạn 2 năm lên tới 86%, kỳ hạn 3 năm là 34%.

Áp lực cạnh tranh

Tuy nhiên, liệu đây đã là tín hiệu khả quan cho việc huy động vốn thông qua phát hành TPCP bằng VND hay chưa? Trên thực tế, dù nâng lãi suất trần lên mức 12%/năm cho kỳ hạn 2 năm, chưa hẳn việc huy động TPCP đã dễ thành công như mong đợi. Mới đây nhất, theo Nghị quyết HĐQT của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) ngày 15/3/2010, DN này dự kiến sẽ huy động tối đa 2.000 tỷ đồng bằng trái phiếu, thời hạn tối đa là 3 năm với mức lãi suất năm đầu có thể lên tới 15% và từ năm thứ hai áp dụng lãi suất thả nổi. Với mức lãi suất huy động vốn bằng trái phiếu thậm chí lên tới 15%/năm, bằng 187,5% lãi suất cơ bản, rõ ràng, không ít NĐT sẽ đặt câu hỏi, mức này liệu có quá cao?

Tất nhiên, từ năm thứ hai, lãi suất huy động sẽ thả nổi, nhưng điều đó cũng có nghĩa là DN đang khó khăn để huy động vốn với chi phí vốn thấp hơn (trừ khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu). Những trường hợp như Vinaconex có thể sẽ không khó tìm trong thời gian tới và sẽ là kênh cạnh tranh huy động vốn với TPCP, nhất là khi DN đang khá khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi việc phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu không phải lúc nào cũng là phương thuốc diệu kỳ. Thêm vào đó, với việc tăng lãi suất huy động vốn thông qua TPCP lên tới 12%/năm, cơ quản quản lý nhà nước đã gián tiếp… phát tín hiệu về việc tăng lãi suất thực tế trên thị trường, vì tỷ lệ nghịch với mức độ rủi ro, lãi suất huy động TPCP sẽ là căn cứ quan trọng để các thành phần kinh tế khác xác định mức lãi suất huy động vốn của mình.

Theo ghi nhận của ĐTCK, một số DN đã bắt đầu kêu ca về việc họ phải chấp nhận mức lãi suất vốn vay ngân hàng lên tới 18%, thậm chí là 19% (với một vài trường hợp). Một câu hỏi đặt ra, nếu các NHTM nghiêm túc thực hiện huy động vốn với lãi suất tiền gửi tối đa 10,5%/năm thì các ngân hàng được hưởng lợi quá nhiều chăng (khi chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay lên tới 8,5%)? Câu trả lời đương nhiên là không, vì áp lực cạnh tranh của các NHTM là không nhỏ. Chính vì vậy, mức trần lãi suất huy động 10,5% thực chất chỉ là danh nghĩa và đã có ngân hàng chấp nhận huy động vốn vay lớn, với kỳ hạn vài tháng thậm chí lên hơn 14%/năm (lãi suất thực, bao gồm các khoản thưởng cho khách hàng).

Như vậy, để cạnh tranh hiệu quả với các kênh huy động vốn từ ngân hàng, DN, thì mức lãi suất trần 12%/năm áp dụng cho huy động vốn thông qua TPCP của Bộ Tài chính chưa hẳn đã đủ hấp dẫn. Ngoài ra, kênh đầu tư khác như ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán… cũng tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên kênh huy động trái phiếu của cả TPCP, trái phiếu DN. Vì vậy, huy động TPCP năm 2010 có thể vẫn phải đối mặt với nguy cơ hụt hơi, nếu thanh khoản trên toàn hệ thống tín dụng chưa thực sự được khơi thông.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Công ty Chứng khoán FPT công bố Báo cáo tài chính năm 2009
  • Tuần trước giảm, tuần này sẽ tăng?
  • Bán chứng khoán T+2, thanh toán vẫn theo T+3
  • Nhận diện dòng tiền đổ vào chứng khoán
  • 23/3: Khối ngoại mua ròng trên cả hai sàn
  • UPCoM tiếp tục tăng nhẹ
  • 23/3: Hai sàn giảm điểm phiên thứ 3 liên tiếp
  • Thêm 2 cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát vì kinh doanh lỗ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!