LTS: "Bài viết Nhà đầu tư mua cổ phiếu để làm gì?" của tác giả Khắc Hiển đăng trên ĐTCK số 120 đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc với những tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất của tác giả rằng, không nên điều chỉnh giá cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, để cổ đông thực sự cảm thấy có lợi ích khi mua cổ phiếu.
Nhưng nhiều ý kiến khác thì phản biện, ý tưởng của bài báo trên đã phạm vào nguyên tắc căn bản của luật chơi trên TTCK và muốn quảng đại dân chúng đầu tư chứng khoán thì yêu cầu tiên quyết là phải lấy lại niềm tin của họ vào tương lai TTCK Việt Nam. Để rộng đường dư luận, ĐTCK xin giới thiệu một số bài viết về chủ đề này.
Mở đầu cuộc nói chuyện của Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hội đồng đối ngoại Mỹ (CFR), một Think - Tank hàng đầu về chính sách đối ngoại của Mỹ ngày 27/9/2011 vừa qua, người dẫn chương trình Bob Woodruff đã nói: "Tôi chỉ có chút lưu ý trước khi chúng ta bắt đầu, các bạn có thể tắt điện thoại, dĩ nhiên nếu cần có thể sử dụng chế độ rung và hãy nhớ, tất cả được lưu lại. Bạn có thể thấy các máy quay ở đây, nên hãy thận trọng những gì bạn nói". Một "luật chơi" rõ ràng được thông báo ngay từ đầu và tất cả những người tham gia đều phải chấp nhận và tuân thủ.
Tại Việt Nam, cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế trong nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bắt đầu từ năm 2000, TTCK đã chính thức mở cửa và hoạt động. Nhìn chung, ngay từ đầu một "luật chơi" rõ ràng đã được các cơ quan quản lý thị trường công bố cho các thành viên biết và tuân thủ, trong đó có cả vấn đề về trả cổ tức (bằng tiền mặt, cũng như bằng cổ phiếu) và cách điều chỉnh giá của cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền. Vì sao lại phải điều chỉnh giá của cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền? Đó là vì một khi DN trả cổ tức bằng tiền mặt thì cũng đồng nghĩa với việc một lượng tiền nhất định sẽ chảy ra khỏi DN đó. Mặt khác, khi nhìn vào diễn biến hàng ngày trên TTCK, chúng ta thường nói đến không chỉ là sự thay đổi về giá (tính bằng đồng/cổ phiếu) của bản thân cổ phiếu, mà còn là sự thay đổi về giá trị vốn hóa (giá x khối lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành) của một DN nào đó. Một khi quyền chi trả cổ tức bằng tiền mặt đã được chốt, thì cũng có nghĩa là vào ngày đó, giá trị vốn hóa của DN sẽ bị sụt giảm một lượng tương ứng và do vậy cần phải điều chỉnh lại giá của cổ phiếu tại ngày chốt để phản ánh đúng sự sụt giảm về giá trị vốn hóa đó.
Cơ quan quản lý TTCK nước ta không tự nghĩ ra về vấn đề này, mà chỉ là sự kế thừa và học hỏi từ thực tế của các TTCK khác trên thế giới mà thôi. Điều cần nói ở đây là, để bảo vệ nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải: (i) qui định rõ trong thời hạn bao nhiều ngày (thường là 30 ngày) kể từ ngày giao dịch không hưởng quyền, DN phải chuyển tiền cổ tức vào tài khoản của nhà đầu tư (tránh tình trạng như thường thấy hiện nay là chốt thì cứ chốt, nhưng tiền thì không biết bao giờ mới về); (ii) yêu cầu, đồng thời giám sát việc DN chuyển số tiền sẽ dùng để chi trả cổ tức vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng chỉ định thanh toán trước khi cho phép DN ra thông báo về ngày chốt quyền nhận cổ tức (có như vậy mới tránh được tình trạng như hiện nay là dù không có sẵn tiền mặt, nhưng DN vẫn mạnh miệng tuyên bố trả và nhà đầu tư thì "được ăn bánh vẽ").
Để lôi cuốn đến và quan trọng hơn là lưu giữ được các luồng tiền của giới đầu tư ở lại, thì việc mà bất cứ thị trường nào (TTCK, thị trường bất động sản, thị trường vàng…) cũng phải làm cho được là tạo dựng và duy trì được niềm tin về khả năng sinh lời, về tính nhất quán trong "luật chơi" và về tính minh bạch, rõ ràng về thông tin. Xét theo 3 tiêu chí này thì TTCK nước ta hiện nay còn yếu. Lấy lại niềm tin của giới đầu tư về tương lai của TTCK nước ta là việc cần làm ngay trong lúc này và đối tượng cần phải nhắm đến trước tiên là các nhà đầu tư hiện hữu. Như trong ngành du lịch, một nguyên tắc được rút ra là để khách tham quan quay trở lại mới là quan trọng, chứ đừng để họ cảm thấy bị lừa khi sang đến Việt Nam lần đầu. Đối với TTCK cũng như vậy.
TTCK chỉ có thể phát triển bền vững khi nhà đầu tư đến và ở lại. Có như vậy mới lôi kéo và thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư tiềm năng tiếp theo. Bằng cách nào để niềm tin quay trở lại? Phải bắt đầu từ những quyết sách và hành động cụ thể của các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô và các cơ quan quản lý TTCK. Sự chao đảo và quay cuồng của dòng vốn đầu tư trên thị trường tài chính thế giới trong quý III/2011 cho thấy, sự lo lắng của giới đầu tư về những bất ổn của các nền kinh tế trên thế giới cộng với sự nghi ngại của họ về khả năng ứng phó của chính phủ các nước trước những bất ổn này đã làm dấy lên tâm lý ngại rủi ro và điều đó đã thúc đẩy luồng dịch chuyển vốn lớn qua lại trong ngắn hạn giữa các kênh đầu tư trên các thị trường tài chính thế giới. Điều đó cũng đúng với những gì đã diễn ra trên thị trường tài chính của Việt Nam trong thời gian dài vừa qua.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình hình đã và đang có sự thay đổi về cơ bản. Mặc dù vẫn còn nhiều lo lắng về những khó khăn và bất ổn của nền kinh tế vĩ mô và vi mô, nhưng một số tiến triển tích cực đã đạt được như lạm phát và lãi suất có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định…. Bên cạnh đó, cơ quan hoạch định chính sách và quản lý TTCK đang có những hành động cụ thể lành mạnh hóa TTCK mang đến hy vọng rằng, những bất ổn của nền kinh tế, của TTCK đang và sẽ được giải quyết. Hy vọng sự quyết tâm và nỗ lực cải cách từ bộ máy lãnh đạo sẽ giúp TTCK dần lấy lại hình ảnh trong con mắt của giới đầu tư.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com