Nếu như năm 2009, cổ phiếu ngành thép đã đạt kỉ lục về độ dài của các con sóng trên thị trường chứng khoán VN, thì sang năm 2010, cổ phiếu nhóm ngành này sẽ có triển vọng ra sao? Khi đầu tư vào cổ phiếu ngành thép, nhà đầu tư cần quan tâm đến những yếu tố gì? StockNews trao đổi với bà Đặng Lan Hương – Bộ phận Phân tích – Tư vấn Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVSC) - về chủ đề này.
Thưa bà, theo quan điểm của AVSC, đâu sẽ là những yếu tố có thể tác động đến thị trường thép VN cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này trong năm 2010?
Bà Đặng Lan Hương: Có nhiều yếu tố sẽ tác động đến thị trường thép VN năm 2010 và doanh thu của các doanh nghiệp ngành thép, trong đó, có bốn yếu tố cơ bản:
- Thứ nhất, giá đầu vào tăng cao, chủ yếu là giá quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế liệu, điện năng và một số loại nguyên liệu khác cao hơn năm 2009. Giá quặng sắt trong các hợp đồng sẽ được thương lượng lại vào đầu năm 2010, dự kiến tăng 10-25% so với mức 75 USD/tấn trong tài khóa 2008-2009. Số liệu mới nhất ngày 2/3/2010, giá phôi thép hiện nay đã vượt ngưỡng 500 USD/tấn, cao nhất từ năm 2009 trở lại đây (530-540USD/tấn). Thép phế liệu- nguyên liệu chính để sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước cũng tăng thêm ít nhất 30USD/tấn (giữ mức 370-380USD/tấn). Giá dầu đã tăng thêm 400 đồng/lit từ 4/1/2010. Giá điện dành cho sản xuất cũng đă tăng 6,8% từ ngày 1/3/2010. Ngoài ra, do tỷ giá tăng từ cuối tháng 11/2009, giá đầu vào của các công ty trong ngành cũng sẽ tăng tương ứng vì phần lớn nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, chi phí vay vốn đã tăng khi lãi suất cho vay hiện nay là 15%-18%, gấp 3 lần so với năm 2009.
- Thứ hai, lượng cung tăng hơn lượng cầu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2010, lượng cung sẽ gấp 2 lần sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Sức tiêu thụ của mặt hàng thép cán nguội trong năm 2010 chỉ ở mức 1,2-1,4 triệu tấn nhưng hiện tại công suất của các nhà máy đã đạt mức 2,4 triệu tấn. Phôi thép vuông cung cứng cho các nhà máy cán sản xuất thép xây dựng cũng vượt 60%, trong khi dự báo sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong nước chỉ tăng khoảng 10-12%.
- Thứ ba, cạnh tranh từ thép ngoại nhập, đặc biệt là thép giá rẻ từ Trung Quốc đang được nhập ngày càng nhiều vào thị trường VN. Ngoài ra là thép từ Nga, các nước ASEAN…. Nhiều mặt hàng thép nhập khẩu được giảm thuế theo lộ trình cam kết WTO (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng), do vậy việc cạnh tranh giữa thép trong nước và thép ngoại nhập sẽ càng gay gắt hơn. Giá thép ngoại rẻ hơn giá thép nội khoảng 800.000đ/tấn. Tuy nhiên lợi thế trước mắt của các doanh nghiệp thép VN là thép ngoại nhập chưa vào được các công trình xây dựng dân dụng do thương hiệu còn xa lạ với người tiêu dùng. Nếu thép ngoại nhập chứng minh được chất lượng thì lúc đó thép nội sẽ chật vật hơn trong cạnh tranh.
- Cuối cùng là rủi ro có thể gặp phải từ chính sách tiền tệ và tỷ giá. Năm 2010, các công ty ngành thép không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%, do vậy chi phí lãi vay sẽ tăng cao. Mặt khác, việc thu hẹp dư nợ vay của ngân hàng đối với các công ty trong ngành và lĩnh vực xây dựng sẽ làm giảm nhu cầu về thép, giảm tổng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tăng tỷ giá USD/VND từ cuối năm 2009 làm tăng chi phí đầu vào do tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong ngành là khá lớn.
Năm 2009, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã được hưởng lợi từ gói kích cầu và đạt lợi nhuận đột biến. Theo bà dự đoán, khả năng đảm bảo doanh thu và lợi nhuận của DN ngành thép sẽ như thế nào trong năm 2010, với bối cảnh kinh tế thế giới và VN đang phục hồi, mặt khác, thị trường bất động sản VN – gắn liền với thị trường xây dựng VN được dự báo là sẽ khởi sắc?
Năm 2010, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009. Các yếu tố cụ thể đã được nêu ở phần trên.
Cho dù kinh tế thế giới và VN đang phục hồi nhưng tốc độ phục hồi thấp hơn năm 2009 do nhiều nước đã rút các gói kích thích kinh tế, doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vốn tăng cao hơn. Không loại trừ khả năng kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ W.
Tuy nhiên, thị trường xây dựng VN năm 2010 sẽ có nhiều công trình hơn, một phần là do chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây sẽ là yếu tố tốt hỗ trợ cho nguồn cầu về thép.
Một đặc điểm nổi bật của ngành thép là giá thép trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thép thế giới. Hiện nay, giá thép thế giới trung bình tăng 10%-15%/tấn theo từng mặt hàng; giá đầu vào tăng cao nhưng dự kiến vẫn thấp hơn đà tăng của giá thế giới, sẽ giúp các doanh nghiệp thép duy trì được đà tăng trưởng, tuy không mạnh mẽ như trong năm 2009. Hiện nay, giá thép trong nước của các doanh nghiệp phía Nam đã tăng thêm ít nhất 150.000-250.000 đồng/tấn kể từ cuối tháng 2 vừa qua.
Mặc dù vậy, biến động của giá thép trên thị trường thế giới là khó dự đoán; trong khi chi phí đầu vào tăng cao là rõ ràng. Do vậy, tình hình chung của ngành thép trong năm nay là sẽ khó có lợi nhuận đột biến như năm 2009.
Năm 2009, cổ phiếu ngành thép cũng đã đạt kỉ lục về độ dài của các con sóng trên thị trường chứng khoán VN. Với giá trị nội tại của doanh nghiệp ngành thép, tiềm năng của ngành cũng như đặt trong diễn biến chung của TTCKVN, thời gian tới, liệu cổ phiếu ngành thép có thể lặp lại sự kiện này?
Trước hết, xin nói về dự đoán TTCKVN trong năm nay. Theo chúng tôi tính toán, khả năng thị trường tăng mạnh như 2009 là khó có thể xảy ra. Điều này xuất phát từ thực tại là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ không có nhiều đột biến như năm 2009 do chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên rất nhiều khi Chính phủ cắt bỏ các gói kích thích kinh tế, cộng thêm việc tăng lãi suất cơ bản cuối năm 2009, các chi phí khác như điện, xăng, dầu.. tăng. Mặt khác, chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN sẽ hạn chế dòng tiền chảy vào TTCK, làm hạn chế sự tăng trưởng của thị trường. TTCK sẽ có đợt sóng lớn khi, và chỉ khi Chính phủ thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ đi kèm với các biện pháp bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát.
Trong xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu ngành thép cũng không ngoại lệ. có thể dự đoán cổ phiếu ngành thép trong năm 2010 tiếp tục có nhiều đợt sóng do biến động giá thép trên thị trường thế giới, mà theo dự đoán của các chuyên gia trong ngành là sẽ tiếp tục tăng đến cuối quý II/2010. Giá thép trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn nữa nếu bong bóng bất động sản Trung Quốc bị vỡ kéo giá thép đi xuống.
Năm 2009, cổ phiếu ngành thép trên TTCKVN đã có con sóng kéo dài từ quý II cho đến giữa quý III, tương đồng với đợt tăng điểm của VN-Index. Trong suốt cả năm 2009, tốc độ tăng của cổ phiếu ngành thép cao hơn tốc độ tăng của VN-Index là 25%. Trong năm nay, cổ phiếu ngành thép sẽ có những đợt sóng ngắn hạn, trước mắt là đợt sóng đón đầu kết quả kinh doanh quý I/2010 được cho là tốt hơn kết quả kinh doanh cuối năm 2009. Đợt sóng này có thể diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2010. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành thép đang đẩy mạnh tốc độ bán sản phẩm do nhu cầu về thép từ sau dịp Tết Nguyên đán đã tăng cao trở lại. Điều này hoàn toàn phù hợp với thời điểm bắt đầu vụ mùa xây dựng năm 2010.
Bà có khuyến nghị gì với các nhà đầu tư khi định vị cổ phiếu ngành thép trong danh mục của mình?
Cổ phiếu ngành thép trong năm 2010 sẽ vẫn là cổ phiếu hấp dẫn các nhà đầu tư do lợi nhuận của ngành này vẫn là khá tốt cho dù có khó khăn hơn 2009. P/E trung bình của toàn ngành tính đến ngày 2/3/2010 là 11.96, thấp hơn P/E thị trường là 16; trong khi đó chỉ số ROE của ngành thép xấp xỉ 25, cao hơn ROE thị trường là 20.6. Trong ngành có nhiều mã cổ phiếu có các chỉ số cơ bản rất tốt phù hợp với đầu tư giá trị như các cổ phiếu HSG, VIS, TKU, PHT, HPG (P/E và P/B thấp, ROE cao).
Một số chỉ tiêu tài chính quan trọng của nhóm DN ngành Thép (tính đến ngày 2/3/2010) | ||||
Chỉ tiêu | P/E | P/B | ROE | Nợ/Vốn CSH |
Ngành thép | 11.96 | 2.98 | 24.89 | 0.94 |
HLA | 14.29 | 3.4 | 19.89 | 3.4 |
HMC | 15.03 | 2.14 | 9.41 | 2.01 |
HPG | 9.64 | 2.54 | 27.63 | 0.68 |
KKC | 6.72 | 2.06 | 36.39 | 2.64 |
NVC | 18.61 | 1.58 | 9.01 | 8.25 |
PHT | 6.62 | 1.97 | 31.85 | 2.15 |
SHI | 11.18 | 2.01 | 24.04 | 3.66 |
SMC | 6.24 | 1.63 | 25.83 | 3.19 |
SSM | 5.18 | 2.52 | 70.65 | 1.87 |
TKU | 5.35 | 1.63 | 37.52 | 1.56 |
VGS | 20.16 | 1.86 | 18.88 | 1.99 |
VIS | 7.28 | 1.2 | 72.8 | 3.4 |
HSG | 6.24 | 2.62 | 51.76 | 1.56 |
Thống kê toàn thị trường | ||||
Chỉ tiêu | P/E | P/B | ROE | |
HOSE | 16.6 | 2.3 | 21.50% | |
HASTC | 13.2 | 2.8 | 17.00% | |
HO&HA | 16 | 2.4 | 20.60% |
Ngành thép bao gồm hai nhóm, nhóm sản xuất kết hợp với thương mại và nhóm thuần túy về thương mại. Nhóm có tỷ trọng thương mại cao (SMC, HMC…) thường có doanh thu và lợi nhuận biến động mạnh, phụ thuộc nhiều vào biến động của giá thép thế giới, do vậy sẽ có nhiều đợt sóng ngắn hơn. Ngược lại, nhóm sản xuất kết hợp với thương mại (HPG, VIS, HSG) sẽ có tỷ suất lợi nhuận ổn định, sóng cũng sẽ dài và ổn định hơn.
Để đầu tư vào cổ phiếu ngành thép có hiệu quả, nhà đầu tư nên thường xuyên theo dõi biến động của giá thép thế giới, giá nguyên liệu đầu vào, lượng hàng tồn kho giá rẻ của các doanh nghiệp ngành thép. Đồng thời nhà đầu tư cũng phải lưu ý tới chính sách tiền tệ của Chính phủ vì sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới cầu về thép trên thị trường.
Xin cảm ơn!
(Stocknews)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com