Những thông tin không chính thức về các CTCK không đạt chỉ tiêu an toàn tài chính thời gian qua đã gây không ít xáo trộn trên thị trường. Nguyên nhân cơ bản là do tình trạng thiếu cơ chế buộc nhóm công ty này công khai thông tin về sức khỏe tài chính của mình.
Phản ứng về danh sách 12 CTCK không an toàn tài chính
Sau thông tin 12 CTCK không đạt chỉ tiêu an toàn tài chính được nêu ra, một số CTCK, trong đó có CTCK Rồng Việt có phản hồi cho rằng, nói họ không an toàn là không đúng, vì Thông tư 226/TT-BTC không có nội dung nào quy định rằng, tỷ lệ vốn khả dụng trên 150% và dưới 180% là không an toàn tài chính cả. Theo Rồng Việt, bản thân Công ty vừa được UBCK cấp phép cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ và không bị rơi vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, theo quan điểm của UBCK từ giai đoạn xây dựng dự thảo Thông tư 226 đến nay, CTCK không đạt tỷ lệ vốn khả dụng 180% được coi là không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Điều này thể hiện ở việc, CTCK khi đã bị đưa vào diện kiểm soát (tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến 150% trong 3 tháng) thì chỉ được đưa ra khỏi danh sách này khi 3 tháng liên tiếp đưa mức tỷ lệ vốn khả dụng lớn hơn hoặc bằng 180%. Nếu còn ở mức 150 - 180% thì vẫn cần phải báo cáo bất thường, 2 lần/tháng, thay vì chế độ báo cáo bình thường 1 tháng 1 lần.
Tổng giám đốc một CTCK nằm trong danh sách bị công bố cho biết, Công ty đã tính toán rất nghiêm túc và có tỷ lệ vốn khả dụng trên 150%, nhưng bị công bố trong danh sách không đạt chỉ tiêu an toàn tài chính. Trong khi đó, một số CTCK khác, mà theo vị lãnh đạo này thì có tình trạng tài chính rất bết bát như CTCK Hà Thành, nhưng vẫn “yên vị”, bởi họ đã tính toán không nghiêm túc.
“Vấn đề không nằm ở chỗ CTCK bị nêu tên, mà là hệ lụy của nó. Ngay khi vừa bị nêu tên, ngân hàng đối tác của chúng tôi cắt luôn hạn mức tín dụng. Phải giải thích rõ ràng thì đối tác mới hiểu, nhưng điều này đã gây thiệt thòi cho những CTCK làm ăn nghiêm túc”, tổng giám đốc CTCK nói trên chia sẻ.
Theo thống kê của ĐTCK, có ít nhất 3 CTCK đang bị đối tác kiện vì có nợ xấu lớn, thậm chí như CTCK Hà Thành có nguy cơ đối diện với mức âm 100 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nếu không thắng kiện, nhưng vẫn đạt chỉ tiêu an toàn tài chính. Vấn đề mấu chốt ở đây là các CTCK tự tính toán chỉ tiêu an toàn tài chính, chứ không phải là cơ quan quản lý, do mục tiêu quan trọng của Thông tư 226 là để CTCK tự “khám bệnh” cho mình.
Cần một chế tài toàn diện
Sau những bất cập trong cơ chế thông tin ra thị trường về sức khỏe các CTCK theo chỉ tiêu an toàn tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng, báo cáo bán niên soát xét có thể là công cụ hợp lý để NĐT xem xét sức khỏe CTCK mà họ gửi tiền. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có tới hơn 60 CTCK vẫn chưa công bố BCTC bán niên soát xét năm 2011. Về phía cơ quan quản lý, điều đáng nói là, chưa có cơ chế nào buộc những CTCK không phải công ty niêm yết thực hiện công bố thông tin BCTC bán niên soát xét. Điều này đồng nghĩa với việc, sức khỏe CTCK chỉ được biết theo định kỳ hàng năm, thời điểm mà CTCK có thể “xào nấu dữ liệu” và cũng quá dài để đảm bảo mức độ tin cậy trong bối cảnh TTCK nhiều biến động và rủi ro như hiện tại.
Nếu như CTCK chỉ đơn thuần ở vai trò nhà môi giới hoặc tự doanh, hay các vai trò tư vấn khác, tình trạng tài chính của họ như thế nào cũng không quá đáng ngại. Nhưng hiện nay, nhiều CTCK vẫn giữ vai trò quản lý tiền của NĐT, nên rủi ro là rất lớn. Vì vậy, thị trường đang rất mong chờ một chế tài toàn diện, yêu cầu CTCK phải công bố thông tin một cách thường xuyên hơn, ít nhất 2 lần trong năm, thậm chí CTCK nên công bố BCTC theo quý. Chỉ khi có sự minh bạch tận gốc của vấn đề, thị trường, NĐT mới có căn cứ để nhận xét và đánh giá tình trạng tài chính của CTCK một cách chuẩn xác hơn, tránh tình trạng mập mờ, thiếu minh bạch và tiềm ẩn rủi ro như hiện tại.
(Theo Bùi Sưởng\\ Đầu tư Chứng khoán điện tử )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com