Không biết thông lệ của TTCK quốc tế như thế nào, nhưng tại TTCK Việt Nam hiện nay thì cứ mỗi lần DN trả cổ tức, chia cổ phiếu thưởng hay chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm đều khiến giá tham chiếu của cổ phiếu niêm yết điều chỉnh giảm. Về cơ bản, việc điều chỉnh giá này không làm ảnh hưởng đến tổng giá trị cổ phiếu và tiền mà NĐT có.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều này vô tình đem lại nhiều thiệt hại cho NĐT, nhất là xét về chi phí cơ hội khi "tự nhiên" bị "treo" một khoản tiền hay "treo" cổ phiếu trong một thời gian dài.
Xin đơn cử một vài trường hợp: ngày 15/1/2009 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu (10:1) và mua cổ phiếu phát hành thêm (2:1) với giá 10.000 đồng/CP của CDC. Ngay lập tức, giá tham chiếu của CDC được điều chỉnh từ 54.500 đồng xuống còn 39.800 đồng/CP, giảm 26,97%. Như vậy, nếu một người có 10.000 cổ phiếu CDC sẽ bị treo một khoản tiền tương ứng là 147 triệu đồng. Nếu nộp thêm tiền mua cổ phiếu thì anh ta sẽ có thêm 6.000 cổ phiếu nữa, nhưng điều quan trọng là thời hạn niêm yết của số cổ phiếu này được tính bằng tháng và không được thông báo trước. Tính đến ngày 15/3, tức tròn 2 tháng kể từ ngày bị treo tiền mà vẫn chưa thấy thông báo thời gian cổ phiếu về tài khoản.
Ngày 2/3/2010 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt 15% của cổ phiếu XMC, do đó giá tham chiếu cổ phiếu này bị điều chỉnh giảm ngay 1.500 đồng/CP cùng ngày. Theo Trung tâm Lưu ký, ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông là ngày 4/3/2010. Tuy nhiên, phải đến ngày 15/4/2010 thì việc chuyển tiền mới được thực hiện, tức là mất đúng 42 ngày.
Ngày 8/3/2010 vừa qua cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ phiếu KLS để nhận cổ tức bằng tiền mặt (350 đồng/CP) và nhận quyền mua cổ phiếu phát hành thêm (1:1) với giá 10.000 đồng/CP. Giá tham chiếu của KLS cũng vì thế mà điều chỉnh giảm từ 34.300 đồng xuống còn 23.500 đồng/CP. Nếu nắm giữ 10.000 cổ phiếu, NĐT sẽ bị treo tới 108 triệu đồng. Ngày thực hiện chi trả cổ tức là 1/4/2010, tức là sau 24 ngày (nhanh hơn trường hợp 42 ngày của XMC mà không hiểu vì sao), nhưng ngày cổ phiếu phát hành thêm về tài khoản thì cũng không có thông báo.
Để tránh tình trạng trên, rất nhiều NĐT tranh thủ bán cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền, rồi mua lại ngay sau khi giá tham chiếu bị điều chỉnh. Hiện tượng này vô tình đã làm "méo mó" các giao dịch và quan hệ cung - cầu cổ phiếu trong thời gian gần đây.
Như trường hợp của KLS là ví dụ dễ thấy, giá cổ phiếu này không thể tăng trước ngày giao dịch không hưởng quyền do nhiều NĐT lớn bán ra ồ ạt. Nhưng chỉ sau khi chốt quyền, lượng cầu "khổng lồ" đã xuất hiện trên bảng điện tử với hơn 22 triệu đơn vị dư mua. Mặc dù tăng trần 2 phiên, nhưng giá cổ phiếu cũng chỉ tăng thêm được cao nhất là 3.200 đồng/CP, trong khi giá bị điều chỉnh giảm trước đó là 10.800 đồng/CP. Như vậy, người nắm giữ cổ phiếu KLS vẫn chịu thiệt rất lớn nếu cần bán toàn bộ cổ phiếu tại thời điểm hiện tại.
Lỗi ở đây không phải xuất phát từ NĐT, từ phía DN niêm yết hay từ phía các CTCK. Có thể là do cơ chế hiện tại chưa có quy định rõ ràng về việc sau bao lâu phải trả cổ tức bằng tiền, hay sau bao lâu thì cổ phiếu thưởng, cổ phiếu phát hành thêm về đến tài khoản NĐT.
Dưới góc độ một NĐT, tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sớm tìm ra lời giải cho bài toán này, để làm sao đẩy nhanh được tiến độ thanh toán hiện nay.
Hiện đang là thời điểm rất nhiều DN niêm yết thông báo trả cổ tức, chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm hay thưởng cổ phiếu. Nếu "nút thắt" này sớm được gỡ bỏ, thì sẽ tạo tâm lý ổn định cho NĐT an tâm nắm giữ cổ phiếu, cũng như cải thiện được tính thanh khoản của thị trường.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com