Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án Khu đô thị mới Ngã Năm- Sân bay Cát Bi và Lạch Tray- Hồ Đông: Sức ỳ lớn (kỳ 1)

Người dân Hải Phòng đang nóng lòng chờ đợi sự đổi thay của Khu đô thị mới Ngã Năm- Sân bay Cát Bi và sự hình thành Khu đô thị mới Lạch Tray- Hồ Đông. Nhưng thời gian cứ dần trôi, không phải tuần, tháng mà bằng năm, cả 2 khu đô thị chẳng tiến triển được là bao. Dường như đang có sức ỳ quá lớn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến mọi công việc bị ngừng trệ.

Cả năm, thông qua 1 phương án 

Cho dù đã cố gắng, nỗ lực hết sức nhưng đến thời điểm này, những người thực hiện dự án tỏ ra mệt mỏi. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Ngô Văn Hậu cho biết: Suốt cả  năm qua mới phê duyệt được 1 phương án GPMB  thuộc quận Ngô Quyền (lô 1A, 1B dành thi công trụ sở Kho bạc Nhà nước Hải Phòng) gồm 81 hộ dân. Tại đây, diện tích đất thu hồi 6217 m2, tổng số tiền đền bù, hỗ trợ lên tới 42 tỷ đồng nhưng chỉ có vài hộ dân tới nhận tiền.

Dù sao, tại quận Ngô Quyền còn phê duyệt được 1 phương án, ở quận Hải An vẫn chưa thông qua được phương án nào. BQL dự án ngán ngẩm: không chỉ năm 2008 mà từ 2 năm qua, hầu như chỉ giải quyết tồn tại. Chẳng hạn như nút giao thông Ngã Sáu- Máy Tơ, có 65 hộ thì 35 hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng, còn 30 hộ vẫn chưa chấp hành cho dù phương án được phê duyệt từ năm 2004. Khu tập thể 4 tầng Cảng Hải Phòng gần Ngã Năm xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hộ diện tích chỉ có 13- 14 m2 nhưng hết tháng này qua tháng khác mới kiểm kê được 25 hộ, còn lại không chấp hành kiểm kê. 41 hộ dân lô 30 giáp ranh 3 phường Đông Khê, Gia Viên, Lạc Viên có quyết định bồi thường từ năm 2007, đến nay mới có 1 hộ nhận tiền. Khu tái định cư cánh đồng Cái Hòm vốn là đất nông nghiệp cũng nhùng nhằng, 2 năm chưa xong, mới có 9/ 32 hộ nhận tiền đền bù. Trong khi đó, đây lại là khu tái định cư phục vụ thi công tuyến đường 100 m Lạch Tray- Hồ Đông. Tái định cư chưa xong thì không thể di chuyển các hộ dân để làm dự án chính. Lô 26 phường Đông Khê hiện chỉ còn vướng 1 hộ dân, thành phố chỉ đạo quận Ngô Quyền tổ chức bảo vệ kiểm kê nhưng chưa thực hiện được. Còn ở phường Đằng Giang, do những khúc mắc trong xác minh nguồn gốc đất nên nhiều việc thành phố chỉ đạo phải hoàn thành từ tháng 5 đến nay vẫn chưa xong. Khu vực cụm 4, cụm 5, phường Đông Khê đang cần GPMB thì dường như "đóng băng", không nhúc nhích thêm được…

Tại quận Hải An, phần diện tích đất 4,2 ha dành để xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú đã giải phóng được 3,7- 3,8 ha, còn lại do nguồn gốc đất phức tạp và ảnh hưởng của việc giao đất không đúng thẩm quyền (xã giao cho dòng họ, dòng họ bán lại cho các hộ khác…) nên vẫn phải tiếp tục giải quyết. Phần đất tại lô 10, thành phố chỉ đạo xong trước tháng 6, quá thời hạn gần 6 tháng vẫn chưa xong. Còn tại lô 11, tuy phần đông hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng… Bên cạnh đó, một loạt khu tái định cư như An Đồng (An Dương), khu tái định cư Đông Khê mở rộng… lình xình mãi về thủ tục, tiến độ chậm trễ… Tóm lại, hầu như khu đất nào cần GPMB của cả 2 dự án đều vấp phải nhiều vướng mắc, động đâu cũng thấy nan giải.

Yêu cầu nhiều, giải tỏa ít

Theo ông Ngô Văn Hậu, tiến độ thực hiện của cả 2 dự án đã bị chậm nhiều, thành phố và chủ đầu tư phải chịu nhiều sức ép, nhưng càng về sau, diện tích mặt bằng được giải phóng càng bị thu hẹp và càng khó khăn hơn. Cụ thể, năm 2000 có 10 phương án được duyệt, diện tích thu hồi 30,54 ha; năm 2001 tương ứng với 16 phương án là 18,9 ha; năm 2002 là 19 phương án và gần 50 ha; năm 2003 có 16 phương án, 40,9 ha; năm 2004 có có 15 phương án và 11,7 ha; năm 2005 có 11 phương án và 16,55 ha… Từ năm 2006, tốc độ GPMB bị chậm lại, chỉ được 10 phương án và 9,44 ha; năm 2007 là 10 phương án và 8,73 ha, còn năm 2008 chủ yếu giải quyết tồn tại của các phương án đã phê duyệt từ những năm trước, diện tích mặt bằng được giải phóng không bao nhiêu. Ròng rã một năm mới có 1 phương án được duyệt nhưng thực hiện chưa hoàn chỉnh. Đáng chú ý là theo thời gian, diện tích giải phóng được ít đi nhưng kinh phí đền bù lại tăng gấp mấy lần, bởi giá đất ngày càng tăng.

   

Trong khi đó, theo yêu cầu và kế hoạch đặt ra, năm 2008, tại quận Ngô Quyền sẽ kiểm kê, lập phương án diện tích đất 2,45 ha và ra quyết định thu hồi 3,69 ha; giải phóng mặt bằng 9,5 ha; con số tương ứng tại quận Hải An là 9,9 ha và 9,56 ha; 12,6 ha. Rõ ràng, yêu cầu đặt ra nhiều nhưng công việc làm được lại quá ít và chưa tương xứng. Một loạt chủ đầu tư lớn đang đợi đất để  khởi công như Kho bạc Nhà nước Hải Phòng, Trường THPT chuyên Trần Phú… càng tạo ra sức ép lớn cho BQL dự án và cả thành phố.


(Theo Báo Hải phòng)

  • Ông Nguyễn Thanh Nghị: “Đề án đặc khu sẽ là bước ngoặt cho Phú Quốc”
  • Xuất ngoại tìm vốn cho dự án cao tốc
  • Siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Thủ tướng đã đồng ý
  • Hơn nửa dự án BT tại Hà Nội chưa có nhà đầu tư
  • Chuyên gia: Nên đầu tư "xe buýt nhanh" trước khi có metro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!