Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài học xương máu từ cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp

Với gói cứu trợ khổng lồ trị giá 110 tỷ euro của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đã tạm thời được giải quyết, nhưng không một chuyên gia kinh tế nào có thể đảm bảo rằng sẽ không xảy ra những cuộc khủng hoảng tiếp theo trong khu vực eurozone, khi mà Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số nước khác cũng đang bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng nợ.

Sau khi cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp tạm qua đi, các chuyên gia kinh tế đã tổng kết được ít nhất 6 bài học xương máu từ cuộc khủng hoảng này, nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) có thể phản ứng nhanh hơn và tốt hơn đối với nguy cơ vỡ nợ của một quốc gia thành viên trong tương lai.
 
Bài học đầu tiên là các nước eurozone phải có những hỗ trợ nhanh hơn. Việc Đức lúc đầu phản đối, sau lại đồng ý hỗ trợ khiến thị trường tài chính mất niềm tin và đẩy lãi suất cho vay lên tới trên 15%. Điều này có thể gây thiệt hại nặng nề cho Hy Lạp hơn cả lỗ thủng ngân sách.

Chuyên gia Jens Boysen-Hogrefe của Viện Kinh tế Thế giới ở Kiel cho rằng để làm yên lòng thị trường tài chính thì việc giải cứu nhanh là giải pháp tốt nhất. Nếu eurozone sẵn sàng buông Hy Lạp thì nguy cơ xảy ra phản ứng dây chuyền rất lớn, vì các nhà đầu cơ sẽ nhanh chóng tìm mục tiêu tiếp theo là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, mặc dù tình hình ở hai nước này khá hơn Hy Lạp.

Thứ hai, không thể tiếp tục mở rộng EU và khu vực eurozone như hiện nay. Việc thẩm tra một nước muốn gia nhập phải kỹ lưỡng hơn trước đây. Danh sách những ứng viên muốn lưu hành đồng euro rất dài, từ Iceland đang nợ đầm đìa đến các nước có nạn tham nhũng như Romania và Bulgaria và nước ổn định như Đan Mạch.

Theo đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Estonia sẽ trở thành thành viên thứ 17 của eurozone trong tháng 5 này, nhưng nhiều khả năng việc này sẽ bị trì hoãn. Tấm gương Hy Lạp là một sự cảnh báo: Nước này đã gian lận về số liệu để được gia nhập eurozone. Vì vậy, khu vực này phải sớm cho phép cơ quan thống kê Eurostat kiểm tra các số liệu của các nước thành viên chặt chẽ hơn nữa.

Ba là, phải có những quy định rõ ràng về sự phá sản của Nhà nước, mặc dù đây là một điều cấm kỵ. Tại châu Âu, điều này không phải là điều chưa từng xảy ra như ở Ba Lan năm 1981, ở Bulgaria năm 1990 và Nga năm 1998. Những vấn đề nảy sinh đã được giải quyết theo kiểu tùy hứng. Nhưng thị trường toàn cầu cần có những quy định rõ ràng và một bộ luật về phá sản Nhà nước sẽ góp phần làm yên lòng thị trường.

Bốn là, châu Âu cần có một quỹ tiền tệ riêng. Về lâu dài không thể làm chủ được sự khác biệt trong eurozone. Từ lâu, Pháp đã muốn có một chính phủ kinh tế châu Âu thống nhất, nhưng Đức thì kịch liệt phản đối. Một trong những vấn đề chính của eurozone là sự khác biệt về năng suất lao động cũng như những trường phái khác nhau về kinh tế quốc dân.

Các nước eurozone phải chia tay với một quy ước giáo điều là các nước trong khu vực không nên hỗ trợ lẫn nhau. Việc hỗ trợ Hy Lạp trên thực tế là một hoạt động của Quỹ Tiền tệ châu Âu trong tương lai, mà hiện tại có sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Thứ năm, phải trừng phạt nghiêm khắc những nước thành viên vi phạm Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, theo đó nợ công của các nước thành viên không được vượt quá 60% GDP cũng như thâm hụt ngân sách không được vượt quá 3% GDP.

Cuối cùng, phải xem xét lại vai trò của thị trường tài chính. Với việc hạ thấp giá trị của Hy Lạp, các nhà đầu cơ đã đánh cá với việc Hy Lạp sẽ phá sản, khiến những vấn đề của nước này trầm trọng hơn. Lãi suất cho vay được tăng cao tới mức Athens không thể vay được tiền từ thị trường tài chính. 

Việc các nước eurozone phải viện trợ để cứu một quốc gia vỡ nợ mà thực chất để cứu đồng euro là một hành động khẩn cấp mang tính chính trị và là điều chưa từng có tiền lệ. Một lần nữa những người đóng thuế lại phải trả giá vì sai lầm của các chính khách và chủ ngân hàng. Đương nhiên, một câu hỏi có tính chất quyết định được đưa ra là: Làm thế nào để tránh được một cuộc khủng hoảng như Hy Lạp ở một nước eurozone khác trong tương lai?

Thủ tướng Đức Angela Merkel dự định đưa vào áp dụng những quy chế cứng rắn hơn. Trong trường hợp cần thiết, bà muốn tước bỏ quyền biểu quyết của các thành viên eurozone, cho dù chỉ một thời gian. Eurozone, trước hết là Đức, đang đứng trước một thử thách khó khăn nhất.

Ngay từ khi đồng euro ra đời cách đây 11 năm, đất nước của đồng Dmark đã tồn tại những tranh cãi. Cho tới nay, chưa có đảng cánh hữu nào thành công trong việc hóa giải sự bất bình trong dân chúng. Nếu bà Merkel không thành công trong cuộc đấu tranh đòi minh bạch hơn trong Eurozone, một đảng dân túy cánh hữu chống lại đồng euro, thậm chí có thể chống lại EU, sẽ không chỉ là một mối đe dọa nội bộ nước Đức.

(Theo BeeNet)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!