Khi nhà đầu tư không còn tin vào một nước, họ có thể tiếp tục mất niềm tin vào nhiều nước khác trong cùng khu vực. Khủng hoảng lan ra phần nhiều bởi niềm tin đã mất.
Việc thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn đến phiên thứ Ba là bằng chứng về một khả năng đang diễn ra: Khủng hoảng tài khóa Hy Lạp bắt đầu nhiều tháng trước đây hiện đang lan ra khắp châu Âu như một virus nguy hiểm.
Thị trường lo lắng nhiều hơn về số phận của đất nước có tỷ lệ vượt quá cao tầm kiểm soát của chính phủ.
Người ta gọi đó là hiệu ứng lây lan, thuật ngữ cho sự lan rộng khó đoán của khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, việc nhà đầu tư quá hoảng sợ cũng khiến cho mọi chuyện tệ hại hơn.
Sự lây lan xảy ra khi niềm tin vào khả năng trả nợ của một nước sụt giảm.
Nếu nhà đầu tư mất tiền với một nước, họ sẽ tính toán luôn đến khả năng kịch bản tương tự có thể xảy ra với tiền của họ tại những nước khác đang có tình trạng tài chính tương tự.
Nhà đầu tư bán tháo các khoản đầu tư tại nước tiếp theo, nước đó phải trả lãi cao hơn nếu tiếp tục muốn vay tiền, nợ của nước đó vì thế càng tăng lên, quốc gia này rơi vào vòng xoáy chết và tình trạng tồi tệ có thể lan sang nước khác nữa.
Tây Ban Nha đang đi theo hướng bão. Tính trên tương quan với quy mô kinh tế, nợ của Tây Ban Nha thấp hơn so với Mỹ hay Anh. Thế nhưng sự lây lan có thể tạo ra thảm họa ngay cả tại nước kiểm soát được nợ của họ nếu nhà đầu tư thay đổi quan điểm về thâm hụt ngân sách và khả năng giải quyết nợ của nước này.
Rủi ro khủng hoảng nợ đã tăng cao hơn trong những tuần qua và đặc biệt sau phiên giao dịch hoảng loạn ngày thứ Năm tại Mỹ.
Châu Âu năm 2010 dường như đang giống như khủng hoảng Đông Á năm 1997 và 1998, khi đó việc đồng nội tệ Thái Lan trượt giá tạo ra khủng hoảng tương tự tại Hàn Quốc, Indonexia và nhiều nơi khác.
Một khi sự hoảng sợ bắt đầu và hiệu ứng lây lan mạnh hơn, chính phủ các nước sẽ phải đưa ra biện pháp mạnh tay để giải quyết tình hình, biện pháp có thể bao gồm các gói giải cứu và nhiều biện pháp khác để giải quyết nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng.
Châu Á cuối thập niên 1990 đã cần đến hàng tấn tiền từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ để khủng hoảng có thể chấm dứt. Ngoài ra, chính phủ các nước còn phải thực hiện rất nhiều các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Tại Mỹ, khủng hoảng ngân hàng đã buộc chính phủ Mỹ phải đưa ra Chương trình giải trừ tài sản xấu (TARP), cho vay không hạn chế và tiến hành thanh tra toàn diện các ngân hàng, yêu cầu tăng vốn nếu cần thiết.
Bài học có thể áp dụng cho tình hình hiện tại chính là Ngân hàng Trung ương châu Âu và nhóm nước chưa chịu ảnh hưởng cần đưa ra các biện pháp can thiệp mạnh tay.
Không chỉ có vậy, quan chức kinh tế hàng đầu những nước chịu ảnh hưởng cần cam kết giảm chi tiêu ngân sách nhiều hơn nếu diễn biến trên thị trường đã đi theo hướng thị trường của niềm tin.
Ông Rodolfo G. Campos, chuyên gia kinh tế tại IESE Business School ở Madrid – Tây Ban Nha, cho rằng: “Một nước cần phải cam kết mạnh mẽ về việc giảm thâm hụt ngân sách để thuyết phục thị trường rằng nước đó thật sự nghiêm túc.”
Ngày thứ Năm, ông Jean-Claude Trichet, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho rằng hiện không có bất kỳ sự bàn luận nào về việc mua nợ của các quốc gia – quyết định này sẽ đồng nghĩa với việc cần in thêm tiền để cấp tín dụng không hạn chế cho Hy Lạp và một số nước khác đang trong rủi ro.
Chi phí lãi vay của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và những nước khác đang khó khăn về tài chính tăng vọt. Đồng euro giảm xuống mức 1,25USD/euro, thấp hơn nhiều so với mức 1,27USD/euro trong phiên giao dịch ngày thứ Tư và 1,35USD/euro ở thời điểm 3 tuần trước đó. Nhà đầu tư tính toán biến động kinh tế châu Âu sẽ tiếp diễn, họ đổ xô vào găm USD.
Nguồn: Dân trí
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com