Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso ngày 12/12 thông báo những giải pháp mới nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với trị giá lên tới 23 ngàn tỷ yên (255 tỷ USD).
Đây là phần còn lại của gói giải pháp trị giá 26,9 ngàn tỷ yên (300 tỷ USD) được tiết lộ vào tháng 10.
Thủ tướng Aso cho biết kế hoạch giải cứu mới nhất này được chi cho việc cắt giảm thuế cho các hộ gia đình, đảm bảo khoản vay của các doanh nghiệp...
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục lao dốc, các tập đoàn kinh tế hàng đầu tiếp tục đối mặt với những thách thức mới.
Đầu tuần này, tập đoàn Sony thông báo cắt giảm ít nhất 8.000 lao động, trong khi hãng Toyota cho biết sẽ giảm kế hoạch sản xuất và cũng cắt giảm nhân viên.
Đêm trước đó, kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ô tô của Mỹ trị giá 14 tỷ USD đã “chết” tại Thượng viện dù trước đó Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua.
Do cuộc khủng hoảng tài chính, nền công nghiệp ôtô Mỹ đối mặt với nguy cơ sụp đổ, kéo theo vài triệu lao động nguy cơ mất việc. Các tập đoàn ô tô khổng lồ như GM Motors, Chryster, Ford... cần ngay hàng tỷ USD để tránh bị sụp đổ.
Kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ô tô của nền kinh tế lớn nhất thế giới không được Thượng viện thông qua khiến thị trường chứng khoán trên toàn cầu ngày 12/12 sụt giảm mạnh.
Trong khi ngành ô tô bế tắc, lĩnh vực tài chính ngân hàng Mỹ tiếp tục đối mặt với những thách thức mới.
Ngân hàng Mỹ thông báo kế hoạch cắt giảm 30.000 - 35.000 nhân viên trong 3 năm tới. Ngân hàng JP Morgan cho biết tình hình tồi tệ trong tháng 11 và 12.
Cũng ngày 12/12, trong hội nghị tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi và Thủ tướng Anh Gordon Brown tiết lộ các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận xung quanh kế hoạch chống suy thoái kinh tế và sự biến đổi của khí hậu toàn cầu trị giá 200 tỷ euro (264 tỷ USD) trong năm 2009 - 2010.
Theo kế hoạch này, các nước thành viên EU có thể bơm khoản tiền trung bình tương đương 1,5% GDP vào nền kinh tế để làm giảm nhiệt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vốn gây nhiều tranh cãi và vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên EU vì cho rằng việc chi tiền giải cứu nền kinh tế hiện nay sẽ khiến các thế hệ sau phải gánh chịu hậu quả.
Tuy nhiên, trước nguy cơ nhiều nền kinh tế đầu tàu EU đã và đang rơi vào suy thoái, một số nhà lãnh đạo đã thay đổi thái độ.
Trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang cùng các lãnh đạo EU bàn giải pháp đối phó khủng hoảng, Ngân hàng Trung ương Pháp dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 0,7% trong quý 4.
Trước đó, Chính phủ Pháp vẫn hi vọng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức 0,8% trong năm 2008 và sẽ tăng nhẹ trong năm 2009 với 0,2 % đến 0,5% bất chấp cuộc khủng hoảng của kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế tăng trưởng cao như Trung Quốc cũng không tránh được việc bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng từ Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch kích thích tăng trưởng của nền kinh tế trị giá 4 ngàn tỷ NDT (586 tỷ USD) vào ngày 9/11.
Cách đây vài ngày, Chính phủ cam kết sẽ có giải pháp kích thích tiêu dùng và cắt giảm thuế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh chung của toàn cầu.
Chính phủ Hàn Quốc vừa đồng ý thỏa thuận trao đổi tín dụng mới với Nhật Bản và Trung Quốc trị giá tương đương 50 tỷ USD nhằm ổn định nền kinh tế khi đồng won của Hàn Quốc đã mất giá tới 40% so với USD.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã ký thỏa thuận trao đổi tín dụng với Cục Dự trữ liên bang Mỹ trị giá khoảng 40 tỷ USD. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak cho biết dự trữ ngoại tệ của nước này đã lên tới hơn 200 tỷ USD, đủ để không bị rơi vào tình cảnh như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khi Seoul phải nhờ tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với khoản vay 58 tỷ USD.
(Theo báo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com