Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liệu pháp "bàn tay nhà nước" trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang tạo ra những hiệu ứng suy thoái kinh tế không chỉ ở nước Mỹ mà lan ra toàn cầu. Những giải pháp đối phó của chính phủ các nước có nền kinh tế thị trường phát triển ngày càng mang tính chất quốc tế hóa hơn.

Hàng nghìn tỷ USD được bơm vào thị trường để chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính và ngăn chặn đà suy thoái của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Chủ nghĩa tự do hóa thị trường và tư nhân hóa nền kinh tế một cách cực đoan là một tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, dẫn tới sự suy thoái của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Luận điệu không cần "bàn tay nhà nước" trong nền kinh tế thị trường mà nhiều người từng lớn tiếng cổ súy đã bị thực tế này bác bỏ.

Trong khoảng thời gian ngắn, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ tại Mỹ bùng phát, vai trò can thiệp kinh tế đang dịch chuyển dần từ nhà nước quốc gia sang những "nhà nước quốc tế" như nhóm G7, Nghị viện châu Âu, G20, IMF, WB. Tư bản tài chính và các chính sách tiền tệ được nhân bội sức mạnh bởi tính quốc tế hóa ngày càng vừa là nguồn gốc, vừa là giải pháp chủ yếu của các chính phủ và liên minh các chính phủ tìm cách mở đường thoát ra khỏi khủng hoảng, cả ở cấp độ quốc gia, cũng như trên phạm vi thế giới.

Vì sao vậy?

Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, xuất hiện cái gọi là "hiệu ứng của cải". Có tới khoảng 40% tài sản các hộ gia đình và 60% các quỹ trợ cấp trong các nước tư bản chủ nghĩa chủ yếu được đầu tư vào thị trường chứng khoán. Với những quan hệ dây chuyền phức tạp, một sự đổ vỡ, thậm chí từ thị trường của một nước, sẽ tạo ra chuỗi bùng nổ, đổ vỡ nhanh, mạnh trên diện rộng, lan đến các trung tâm, thông qua các kênh nợ nần và lưu thông tự do trên thị trường vốn, thị trường hàng hóa và dịch vụ quốc tế.

Chỉ trong năm 2007, tổng giá trị tín dụng bị đổ vỡ đã lên tới 60.000 tỷ USD, gần bằng tổng GDP của cả thế giới. Khi đó, "hiệu ứng của cải" có khả năng biến suy giảm thị trường (chẳng hạn, thị trường bất động sản, thị trường hàng điện tử, v.v...) thành suy giảm kinh tế, giảm nhu cầu nhập khẩu và sự bỏ chạy của vốn đầu tư... tạo ra lực cản cực mạnh cản trở sự vận động tiến lên một cách bình thường của cỗ máy kinh tế các doanh nghiệp và quốc gia.

Ðặc biệt, do "tự do hóa thị trường" một cách cực đoan đã dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ nền dịch vụ. Và, điều nguy hiểm cho nền kinh tế là ở chỗ, chiếm tỷ trọng không nhỏ là các dịch vụ tài chính - ngân hàng và thị trường vốn. Do toàn cầu hóa các công nghệ giao dịch và thương mại quốc tế được thúc đẩy quá mức bởi sự tự do hóa, thương mại hóa và tư nhân hóa các hoạt động kinh doanh - đầu tư theo cơ chế thị trường mở (kể cả mua, bán nợ), và cũng như do sự thừa nhận và gia tăng ráo riết các hoạt động đầu cơ trên thị trường tài chính, tiền tệ nên dẫn đến các thị trường tài chính ngày càng đóng vai trò động lực và tấm gương hội tụ, phản chiếu toàn bộ sự nhạy cảm, trực tiếp và tập trung nhất đời sống kinh tế vĩ mô cũng như vi mô, quốc gia cũng như quốc tế. Chính sự tự phát của đầu cơ thị trường, được hỗ trợ bởi thị trường tài chính ngày càng có quy mô toàn cầu từ điểm bùng phát ở thị trường tài chính Mỹ đã tạo ra chuỗi bùng nổ, đổ vỡ nhanh, mạnh trên diện rộng toàn thế giới.

Sự bán tháo hoặc bỏ chạy của vốn đầu tư, nhất là các dòng vốn đầu tư quốc tế, đã khuấy động đến cực đại những dao động thị trường, làm bùng phát những chuỗi đổ vỡ thị trường theo kiểu dây chuyền giữa các thị trường, các quốc gia theo hiệu ứng domino (con nợ - chủ nợ...). Ðổ vỡ tài chính - tiền tệ kéo theo suy giảm kinh tế, thể hiện rõ nhất ở sự ứ đọng hàng hóa, suy giảm các chỉ tiêu phát triển kinh tế; sự trồi sụt mạnh các chỉ số giao dịch trên thị trường chứng khoán và thị giá các đồng tiền quốc gia và quốc tế; cầu thị trường trong nước và quốc tế trì trệ, nhập khẩu co lại, còn xuất khẩu cũng không tăng do suy giảm khả năng thanh toán của các bên liên quan; giá cả sụt giảm chung theo kiểu bắc cầu; sản xuất suy giảm, thất nghiệp gia tăng... Khủng hoảng kinh tế thật sự có thể nổ ra và sức phá hoại của nó nhiều khi vượt quá mọi dự báo.

Ở những nước yếu hơn, các đặc điểm này càng bộc lộ rõ nét. Một điểm cần nhấn mạnh rằng, trong vô số các chấn động kinh tế thị trường đủ loại hiện nay, thì cuộc khủng hoảng tài chính bao giờ cũng có tính đặc thù và nguy hại nhất, vì nó khó dự báo chính xác và khó chống đỡ một cách có hiệu quả, do chúng thường gắn với những bí mật kinh doanh và hiện tượng đầu cơ bởi tự do hóa thị trường rất khó kiểm soát.

Có thể khẳng định rằng, chính bản thân những khuyết tật và lỗ hổng hiện hành trong hệ thống tài chính quốc tế đã tạo nên bộ phận chủ yếu nhen nhóm và truyền dẫn những xung lực của khủng hoảng, với gia tốc cực nhanh, mang tính phá hoại ghê gớm nhất trên quy mô toàn cầu.

Khi xảy ra khủng hoảng, tư bản quốc tế sẽ tự do rút chạy, dồn đến ẩn nấp và tiếp tục hoạt động tại những nơi khả dĩ an toàn hơn, đang có thuận lợi thị trường hơn, cho phép nước tiếp nhận dòng vốn tháo chạy này có những động lực mới cho sự phát triển của mình, nhưng lại làm tăng vọt độ sâu sắc hậu quả của khủng hoảng tại nơi xảy ra, do tư bản đột ngột ra đi kiểu lũ cuốn. Nói cách khác, chính sự phát triển vô hạn độ khả năng tích tụ, dồn nén, vận chuyển những năng lực tài chính toàn cầu cho các hoạt động đầu tư kinh doanh quốc gia và quốc tế, trong khi thiếu một cơ chế quốc tế giám sát an toàn cần thiết cho những hoạt động này, lại được khuếch đại thêm bởi nhu cầu thị trường vô cùng linh hoạt, vòng đời sản phẩm rút ngắn hơn và thông tin thị trường chưa được coi trọng phát triển đúng mức, đồng thời chế độ tỷ giá giữa các nước vừa có sự khác biệt nhau, vừa thiếu "chuẩn" điều chỉnh, ngày càng trở thành đầu mối của những chấn động kinh tế trong xã hội hiện đại.

Thực tế đã rõ, để chống khủng hoảng tài chính và chống đỡ với đà suy thoái kinh tế, không thể không cần đến "bàn tay Nhà nước". Chính phủ các nước ngày càng tuân theo công thức: một là, mở rộng nhu cầu xã hội, thông qua nới lỏng chính sách tài chính - tín dụng; hai là, khai thác thị trường quốc tế; ba là, điều chỉnh chuyển hướng năng lực sản xuất và cơ cấu sản phẩm cung ứng để phù hợp cầu hoặc kích thích lượng cầu mới có khả năng thanh toán cao... Hướng thứ nhất sẽ kéo theo sự gia tăng mạnh các khoản nợ công và tư, sự bấp bênh và nhạy cảm của hệ thống tài chính - tín dụng quốc gia và quốc tế... Hướng thứ hai và hướng thứ ba ngày càng được các nước lựa chọn nhiều hơn. Thành thử, có thể thấy, quốc tế hóa, toàn cầu hóa và tri thức hóa nền kinh tế vừa là hướng phát triển và lối thoát tự nhiên hữu hiệu nhiều triển vọng nhất, vừa là hệ quả trực tiếp của những cố gắng chủ quan tìm kiếm các giải pháp tối ưu chống khủng hoảng chu kỳ kinh tế.

Ở Việt Nam, trong tiến trình đổi mới hơn 20 năm qua đã trải nghiệm những thăng trầm của khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tài chính. Bài học lớn được rút ra là bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân.

Lãnh đạo công cuộc đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, Ðảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai năm gia nhập WTO, hội nhập sâu và toàn diện vào kinh tế thế giới, nhất là từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, đối phó với lạm phát và thiên tai, vai trò của Nhà nước được đổi mới và tăng cường.

Thực hiện những kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ. Vì vậy, từ cuối năm 2008, áp lực lạm phát, thâm hụt thương mại và thanh toán có dấu hiệu giảm bớt, dự trữ ngoại tệ đã có sự ổn định trở lại, thị trường bất động sản phục hồi dần, mở rộng các mặt hàng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) rất khả quan; động lực và uy tín "thương hiệu Việt Nam" đang ngày càng được củng cố trong sự nhìn nhận và lựa chọn của thế giới. Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ, nhận xét: Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc áp dụng 8 nhóm giải pháp thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

Cần tuân thủ quy trình quản lý Nhà nước về giá theo nguyên tắc thị trường, nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn các hành vi lạm dụng và độc quyền, đầu cơ, bán phá giá và các gian lận thương mại khác. Trước mắt, cần nâng cao năng lực và hiệu quả thực tế của công tác giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng trục lợi cá nhân, thậm chí biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, phường hội...

Coi trọng hơn nữa việc chống tham nhũng, Nhà nước cần xây dựng một cơ chế chống tham nhũng kiên quyết và hiệu quả.

(Theo Nhân dân)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Cơn bão tài chính hiện nay “hoành tráng” hơn cuộc Đại suy thoái
  • "Pháo đài tiền tệ" Thụy Sỹ đối đầu khủng hoảng
  • Ngân hàng Trung ương Nhật họp khẩn bàn chính sách tiền tệ
  • Lạm phát 2009 có thể dưới hai chữ số, vì sao?
  • Mỹ cần khoảng 2.000 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế
  • Khủng hoảng tài chính: 10 tỷ phú mất nhiều tiền nhất
  • Uỷ ban Basel công bố chiến lược nhằm giải quyết khủng hoảng ngân hàng
  • Lạm phát, thiểu phát và giảm phát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!