Thụy Sỹ, quốc gia châu Âu theo chủ nghĩa biệt lập về kinh tế, với nền kinh tế tập trung vào lĩnh vực tài chính và các môn thể thao mùa đông, đang mất dần địa vị “pháo đài tiền tệ” của mình, khi mà khủng hoảng tín dụng len lỏi khắp thế giới.
Các ngân hàng của nước này đang chao đảo, trong khi đồng Franc Thụy Sỹ từng một thời được coi là “bất khả chiến bại” đang mất giá mạnh. Lúc này, không ít người Thụy Sỹ đang đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của chiến lược biệt lập đã kéo dài nhiều thế kỷ của nước này, cũng như khả năng miễn nhiễm của Thụy Sỹ trước những nguy cơ đã làm cho một quốc gia theo chủ nghĩa biệt lập kinh tế khác là Iceland chao đảo.
Bất ổn tài chính ở Iceland thời gian qua thực sự là một lời cảnh báo đối với Thụy Sỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế ở Iceland, nước vừa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia nếu không được IMF cho vay tiền, sẽ sụt giảm khoảng 10% trong năm tới. Mặc dù sức khỏe của nền kinh tế Thụy Sỹ tốt hơn nhiều so với Iceland, vai trò “ngân hàng của thế giới” của nước này đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà họ không thể kiểm soát, cũng như vô số sai lầm của những ngân hàng vốn từng là niềm tự hào của họ.
“Trong tình hình hiện nay, mô hình chủ nghĩa biệt lập của Thụy Sỹ không phải là một ưu thế. Thụy Sỹ hoàn toàn không miễn nhiễm trước những thay đổi trên thế giới, đặc biệt là những thay đổi về kinh tế và các diễn biến của khủng hoảng tài chính”, ông Michael Baer, một hậu duệ của ông Julius Baer, người sáng lập hãng quản lý tài sản độc lập lớn nhất của Thụy Sỹ cho hay.
Đối với 6,7 triệu người Thụy Sỹ, những dấu hiệu căng thẳng đã hiện ra rõ nét từ sự chao đảo của thị trường toàn cầu đang khiến họ có đủ lý do để hoài nghi về thứ chủ nghĩa biệt lập mà đất nước này theo đuổi từ thời Trung cổ. Cho tới năm 2002, Thụy Sỹ mới chịu gia nhập Liên hiệp quốc, và cho tới giờ phút này, đa phần dân Thụy Sỹ vẫn phản đối việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ngành ngân hàng và đồng Franc Thụy Sỹ gặp nguy
Mặc dù hàn thử biểu chính của thị trường chứng khoán Thụy Sỹ có mức giảm điểm thấp hơn mức giảm điểm của chỉ số Nasdaq trên thị trường Mỹ, chỉ số này vẫn mất 31% số điểm trong năm nay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Thụy Sỹ sẽ tăng trưởng âm 0,2% trong năm tới, sau khi tăng 1,9% trong năm nay. Số liệu mới công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 của Thụy Sỹ đã sụt giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 1995 tới nay.
Trong khi đó, ngành ngân hàng vốn thu hút một lượng tài sản lớn từ các quốc gia khác đổ vào Thụy Sỹ đang đem lại cho nước này nhiều phiền toái hơn bao giờ hết.
Hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS và Credit Suisse có tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán tương đương 7 lần GDP và từng một thời được coi là biểu tượng về sức mạnh kinh tế của nước này, đang gặp khó khăn chồng chất.
UBS là ngân hàng thua lỗ đậm nhất tại châu Âu trong khủng hoảng tài chính hiện nay, buộc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ phải hỗ trợ 59 tỷ USD. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu của UBS đã mất giá tới 67%.
Thua lỗ 1,3 tỷ Franc Thụy Sỹ (1,1 tỷ USD) trong quý 3, và không muốn nhờ tới sự cứu giúp của Chính phủ, Credit Suisse đã huy động 10 tỷ Franc Thụy Sỹ từ các nhà đầu tư tới từ Trung Đông. Vụ huy động vốn này làm dấy lên lo ngại rằng quyền kiểm soát các ngân hàng của Thụy Sỹ đang dần dịch chuyển về phía các nhà đầu tư nước ngoài.
“Tôi cho rằng, sắp tới chủ nghĩa bảo hộ sẽ được tăng cường ở Thụy Sỹ. Nếu khủng hoảng tài chính kéo dài hơn và nền kinh tế còn sụt giảm, chắc chắn sẽ sớm xuất hiện các vấn đề xã hội, đình công, bất ổn…”, ông Baer nói.
Hiện người dân Thụy Sỹ đã tổ chức một số cuộc biểu tình nhằm vào ngành ngân hàng. Mới đây, người biểu tình đã bao vây chi nhánh ngân hàng cá nhân của UBS tại Zuirich, yêu cầu các quan chức của ngân hàng này phải trả lại tiền thưởng đã lĩnh. Một băng-rôn tại một cuộc biểu tình khác thì gọi ngân hàng này là “United Bandits of Switzerland” (tạm dịch: “Liên hiệp những kẻ cướp Thụy Sỹ”).
Đáng sợ nhất có lẽ là việc các nhà chức trách Mỹ có thể tổ chức một loạt các cuộc điều tra nhằm vào các ngân hàng Thụy Sỹ, khiến truyền thống “ngân hàng ngầm” của nước này rơi vào thế lâm nguy.
Tháng 6 vừa qua, một cựu quan chức của ngân hàng UBS là ông Bradley Birkenfeld đã thừa nhận là từng giúp các khách hàng Mỹ giấu 20 tỷ USD và trốn thuế. Vào ngày 6/11, một tòa án ở bang Florida, Mỹ, đã truy tố ông Raoul Weil, Chủ tịch toàn cầu của bộ phận quản lý tài sản thuộc ngân hàng UBS về tội gian lận để giúp 20.000 khách hàng giàu có của Mỹ giấu tài sản của họ khỏi sự giám sát của Cơ quan Thu nhập nội địa, tức cơ quan quản lý thu thuế của Mỹ. Tuy nhiên, ông Weil hiện vẫn phủ nhận lời buộc tội này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Peer Steinbrück thì đang gây áp lực buộc đưa Thụy Sỹ vào một danh sách đen gồm các quốc gia dễ trốn thuế do OECD đang soạn thảo.
Đồng Franc Thụy Sỹ trước đây từng được coi là một đồng bạc có độ an toàn cao trong những thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính quốc tế. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng tiền này đang mất giá mạnh.
Ngày 17/3 vừa qua, đồng Franc Thụy Sỹ lên giá tới mức 0,9638 Franc đổi được 1 USD - cao nhất từ năm 1971 tới nay, nhưng hiện đã rớt về mức 1,2140 Franc đổi được 1 USD và ít có khả năng phục hồi trong năm 2009 tới. Khả năng của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) trong việc hỗ trợ đồng tiền và nền kinh tế cũng đang giảm dần.
Từ đầu tháng 10 tới nay, SNB đã phải thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất cơ bản đồng Franc, đưa lãi suất đồng tiền này về mức 1%. Từ ngày 20/10, SNB buộc phải hợp tác với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để cung cấp Franc cho các khác hàng bên ngoài Thụy Sỹ nhằm đưa lãi suất 3 tháng của đồng tiền này về mức mục tiêu.
Hai lựa chọn cho Thụy Sỹ
Với những áp lực gia tăng như hiện nay, Thụy Sỹ có hai con đường để lựa chọn. Con đường thứ nhất là tiếp tục hướng nội - đây cũng là tham vọng từ lâu của quốc gia này. Con đường thứ hai là hướng ngoại, bằng cách trở thành một thành viên của EU. “Chúng ta không thể đứng bên ngoài EU thêm nữa”, ông Hans-Jürg Fehr, một nhà làm luật thuộc đảng Dân chủ xã hội - đảng chính trị lớn thứ hai ở nước này, đồng thời là cựu lãnh đạo của đảng này, phát biểu. Ông cũng cho rằng, ngành ngân hàng của Thụy Sỹ sẽ gặp ít khó khăn hơn nếu như có sự hậu thuẫn của EU.
Lĩnh vực xuất khẩu chiếm hơn một nửa GDP của Thụy Sỹ, và xuất khẩu sang EU chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Hàng loạt các thỏa thuận từ thanh kiểm tra hàng hóa tới vận tải đường không đã buộc Thụy Sỹ phải tuân thủ hàng “núi” các quy định về làm ăn, kinh doanh của EU. Tuy nhiên, Thụy Sỹ lại không hề có mặt tại những cuộc họp nơi các quan chức EU thiết lập các quy định này.
Tới ngày 12/12 này, Thụy Sỹ sẽ mở cửa biên giới cho du khách tới từ 24 quốc gia châu Âu theo Hiệp ước Schengen được nước này thông qua vào năm 2005. Trong khu vực Schengen, người dân các nước tham gia hiệp ước này có thể đi lại tự do mà không cần tới hộ chiếu. Việc không còn các nhân viên kiểm soát biên giới sẽ giúp Thụy Sỹ tiến lại gần hơn EU so với Anh và Ireland, hai quốc gia vẫn duy trì chế độ kiểm tra hộ chiếu.
Tuy nhiên, việc Thụy Sỹ gia nhập EU tới lúc này vẫn là chuyện xa vời. Năm 1992, các cử tri Thụy Sỹ đã nói “không” với việc trở thành thành viên EU. Vào năm 2005, một viện nghiên cứu có tên GfS của nước này đã tổ chức một cuộc điều tra cho thấy, vẫn có 54% người Thụy Sỹ phản đối vấn đề này, 37% ủng hộ và 9% chưa quyết định.
Những người Thụy Sỹ ủng hộ việc gia nhập EU coi những khó khăn kinh tế hiện nay là lý do để nước này trở thành thành viên của liên minh. Nhưng họ vấp phải sự phản đối của một số đông hơn những người vốn e sợ việc gia nhập EU sẽ dẫn tới những thua thiệt về tài chính và sự mất mát chủ quyền. Năm 2006, EU đã đề nghị Thụy Sỹ chi 1 tỷ Franc để hỗ trợ các nước Đông Âu gia nhập EU năm 2004 như một điều kiện để Thụy Sỹ được vào khối này.
"Thụy Sỹ sẽ phải chi nhiều tiền nếu vào EU. Tôi không tin là Thụy Sỹ sẽ khá hơn nếu vào EU”, ông Bernadette Bachmann, một người dân ở Zurich nhận xét.
(Theo VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com