Ngày 26-3, thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với các chủ trương của Chính phủ trong năm 2011 nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Mất ăn, mất ngủ vì lãi suất cao
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, thắt chặt chính sách tài khóa, giảm đầu tư công... là “toa thuốc đúng” trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay (quý 1-2011 chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 6%), vấn đề còn lại là “uống thuốc đúng liều, đúng thời gian”.
Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho biết đã thử làm một điều tra nhỏ về mức sống của người lao động có thu nhập phổ biến 2-3 triệu đồng/tháng ở các nhà máy, xí nghiệp khu vực miền Đông Nam bộ và thấy rằng: với giá cả hiện nay, họ gần như không còn đồng nào cả sau khi đã chi cho chỗ ở, thức ăn và đi lại. Tích lũy cho tương lai gần như bằng không.
Ông Tín nói: “Biện pháp hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo (cùng với việc điều chỉnh giá điện vừa qua) dù làm ấm lòng rất nhiều người, nhưng rõ ràng không đến được với hàng triệu người lao động có thu nhập thấp đang phải ở trọ. Ngay cả những người lao động có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng hiện cũng gặp khó khăn thật sự nếu đang phải vay trả chậm ngân hàng để lo chỗ ăn, chỗ ở vì họ cũng mất ăn, mất ngủ với lãi suất cao hiện nay”.
Ông Tín đề nghị: “Dù hiểu rằng chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ cho đến khi có thể sửa đổi được thuế thu nhập cá nhân và có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc sửa đổi luật, chúng tôi cho rằng bức xúc trong xã hội về việc này cần được giải quyết sớm.
Trong khi chờ đợi các nghiên cứu cẩn trọng phục vụ việc sửa đổi luật, Quốc hội có thể có nghị quyết như từng làm trong năm 2009 là miễn thuế thu nhập, ít nhất là cho những người có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng trong năm 2011. Chúng tôi tin việc này có thể làm được ngay để góp một biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội”.
Không có việc cấm đoán lưu thông vàng miếng
Bà Phạm Thị Loan - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á - cho rằng vừa qua chính sách tiền tệ “lúc nóng lúc lạnh” làm doanh nghiệp khó xoay xở và đề nghị ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết với mức tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, dự kiến vốn tín dụng cả năm sẽ tăng khoảng 460.000 tỉ đồng, đều được thiết kế để tập trung cho các mục tiêu ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ..., còn các mục tiêu khác (tín dụng phi sản xuất) gần như không tăng.
Về thị trường ngoại tệ, ông Giàu nói nếu phấn đấu năm 2011 nhập siêu giảm dưới 16% (so với kế hoạch là 18%) thì cán cân thanh toán tổng thể sẽ thặng dư trên 2 tỉ USD. Mặt khác, hiện mạng lưới hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, đặc biệt ở TP.HCM và Hà Nội, đã mở rộng đảm bảo phục vụ cho người dân. Ví dụ Hà Nội có 1.689 điểm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, TP.HCM có 1.329 điểm hoạt động tương tự. Bên cạnh đó, đến nay các thẻ thanh toán quốc tế đang được triển khai tốt ở nước ta.
Liên quan việc quản lý thị trường vàng, ông Giàu cho biết sẽ xây dựng lộ trình hợp lý tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, phù hợp với điều kiện VN. “Một số thông tin cho rằng ban hành nghị quyết 11 là cấm đoán việc lưu thông vàng miếng, làm tổn thất tài sản của nhân dân, tôi khẳng định việc đó không có. Chúng tôi sẽ triển khai phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân” - ông Giàu nói.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng việc cất trữ tài sản dưới hình thức vàng của nhân dân cần được tôn trọng, nhưng đây là loại hàng hóa đặc biệt và không thể chấp nhận sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) đề nghị thời gian tới Chính phủ nên cho phép ngân hàng bán ngoại tệ với mức phí hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) nói việc thực hiện lộ trình tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do ít nhiều sẽ dẫn đến những biến tướng, do đó phải có biện pháp quản lý thích hợp, nhất là việc thực hiện cần bình tĩnh, thận trọng. “Quản lý điều hành của Chính phủ có nhiều việc rất khó, nhưng một trong những việc dễ nhất là ra lệnh cấm” - ông Nhơn nói.
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về phương án sử dụng 3.500 tỉ đồng ngân sách nhà nước năm 2011 từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, nhiều đại biểu đã đồng ý với phương án này. Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng: “Dịp tết vừa qua, Nhà nước có chế độ cho các gia đình thuộc diện chính sách nhất định từ 200.000-300.000 đồng, trong khi đó ngành dầu khí và nhiều ngành thưởng tới 50-60 triệu đồng, đây là vấn đề cần lưu ý để đảm bảo sự cân đối trong xã hội”.
(Tuổi trẻ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com