Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Chuyên gia tận thế' lo bão kinh tế đổ bộ vào 2013

"Đêm trước khủng hoảng", hình ảnh mà Joseph Stiglitz hay ví von, vẫn còn nguyên giá trị. Còn "cơn bão toàn diện" của Roubini cũng có thể bắt đầu từ cuối năm 2013.

Đêm trước khủng hoảng

Nouriel Roubini - người từ lâu đã được ví là "chuyên gia tận thế", lại xuất hiện.

Trong một bài phát biểu với hãng tin CNBC tại hội nghị SALT thảo luận về xu hướng kinh tế thế giới vào tháng 5/2012, Roubini một lần nữa dự báo kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với một "cơn bão toàn diện" với kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trở lại và khu vực eurozone bắt đầu tan rã.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007, giới chuyên gia và đầu tư đã không còn dám coi thường những nhận định "điên loạn" của Roubini. Lần này, ông xác quyết: bốn nhân tố chủ chốt sẽ cùng xảy ra một lúc, bao gồm những vấn đề của Mỹ và châu Âu, xung đột vũ trang ở Iran và sự suy thoái của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc - sẽ tạo thành cơn bão này.

Cũng một lần nữa kể từ giữa năm 2011, Roubini cho rằng Hy Lạp sẽ là nước đầu tiên rời khỏi eurozone kéo theo sự ra đi của các nước khác. Ông dự đoán đến cuối năm 2013 Tây Ban Nha sẽ phải nhận gói cứu trợ và không thể tham gia vào thị trường vốn trong 1 đến 2 năm nữa. Thậm chí, Tây Ban Nha có thể phải rời eurozone.

Cũng theo Roubini, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục xuống dốc, chỉ số Standard & Poor's 500 sẽ giảm xuống mức 1.300 điểm vào cuối năm 2012. Đồng thời, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng với tốc độ dưới 2% trong năm 2013 cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nouriel Roubini

Sự lo ngại không kém đối với giới đầu tư chứng khoán là cùng thời điểm với nhận định của Roubini, cũng đã diễn ra dự đoán về khả năng thị trường chứng khoán Mỹ có thể sụp đổ như... năm 1987. Người đưa ra dự đoán này không phải ai khác, chính là Marc Faber, một nhà đầu tư kỳ cựu và có uy tín đối với thị trường, có lẽ chỉ xếp sau nhà đầu tư huyền thoại Warrent Buffett. Triển vọng lao dốc như thế sẽ diễn ra trong nửa còn lại của năm nay nếu như chỉ số Standard & Poor's 500 vượt quá ngưỡng 1.422 điểm mà không có gói QE3 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Cũng cần nói thêm rằng Marc Faber là người nổi tiếng vì đã dự đoán đúng về khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1987. Đó cũng là thời điểm mà chỉ số chứng khoán Nasdaq đã làm nên một cú lao dốc đứng, mất đến 34% giá trị chỉ trong chưa đầy hai tháng.

Những nhận định và dự báo trên lại hiện ra trong bối cảnh cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đang bước vào một chu kỳ suy giảm, ít ra trong ngắn hạn. Liệu có thể tin cậy vào dự báo của Roubini và Faber, hay đó chỉ đơn giản là những người a dua theo diễn biến thời thế?

Cơn bão toàn diện

Nhưng một hình ảnh không mong muốn lại đang hiển hiện ở châu Âu mà đã làm tôn giá trị của trường phái nhận định bi quan về kinh tế thế giới.

Sau khoảng nửa năm vươn lên từ một cái đáy mà tưởng chừng như đã trở thành đáy dài hạn, hai chỉ số chứng khoán Hy Lạp và Síp lại đã... phá đáy cũ. Đó thật sự là sự kiện hết sức đáng lo âu, cho dù tỷ trọng GDP của hai quốc gia này không là gì so với toàn bộ khối Tây Âu.

Nhưng như một điềm báo không lành, cứ khi nào hai thị trường chứng khoán Hy Lạp và Síp tụt dốc, chỉ số chứng khoán của các quốc gia mạnh hơn hẳn cũng không thể phục hồi hay tăng trưởng bền vững. Người ta có thể dễ dàng nhận ra hệ quả này từ hàng loạt chỉ số chứng khoán của đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức, sau đó là Anh và Pháp. Còn Ý và Tây Ban Nha thì từ lâu đã đương nhiên được xếp vào loại bất ổn.

Tuy nhiên, có lẽ bộ ba Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý đều không thể so sánh được với hiểm họa tiềm tàng đến từ Trung Quốc. Có quá nhiều vấn đề nội tại trong nền kinh tế Trung Quốc mà không chỉ Roubini, những chuyên gia phân tích nổi tiếng khác như Stiglitz cũng chỉ ra từ lâu.

Từ cuối năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu sụt giảm thấy rõ, biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số xuất khẩu và những tiền đề cho cơn khủng hoảng nhà đất không biết bao giờ mới chấm dứt. Trong số đó, nợ công quốc gia - đã lên đến 2.200 tỷ USD - được xem là một vấn nạn.

Nợ công của Trung Quốc lại được cấu thành phần lớn từ số nợ của các chính quyền địa phương. Có ít nhất phân nửa trong số khoảng bảy chục tỉnh thành ở đất nước này đang chìm ngập trong nợ nần với Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Tuy vậy, trả được nợ hoàn toàn không phải là điều dễ dàng, nhất là khi thị trường bất động sản Trung Quốc, rất tương đồng với hoàn cảnh ở Việt Nam, vẫn đang chìm trong cơn hôn mê sâu của nguồn cung khổng lổ về căn hộ trung cấp và cao cấp.

Và cũng không khác giới doanh nghiệp nhà đất Việt Nam, rất nhiều chủ đầu tư của Trung Quốc và cả giới đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc đã phải hạ giá bán căn hộ trong ròng rã nhiều tháng trời qua, nhưng kết quả vẫn chẳng có gì là khả quan.

Tình hình trên, nếu kéo dài thêm, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và gây phát sinh nợ xấu trầm trọng. Một khả năng sụp đổ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã nằm trong  dự báo của giới phân tích kinh tế châu Âu và Mỹ. Và nếu khủng hoảng kinh tế lại được xúc tác bởi những biến động chính trị và bất ổn xã hội, có thể nói trường hợp Trung Quốc sẽ trở nên tiêu biểu nhất về mầm mống gây ra hỗn loạn cho các huyết mạch tài chính quốc tế.

"Đêm trước khủng hoảng", hình ảnh mà Joseth Stiglitz hay ví von, vì thế vẫn còn nguyên giá trị. Nếu chuyên gia này sẽ lại đúng thêm một lần nữa, chúng ta sẽ nghiệm ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 mới chỉ là bước dạo đầu. Cùng với viễn tượng "Cơn bão toàn diện" của Roubini, một tương lai bất ổn có thể biểu hiện ở nhiều kịch bản trong những năm tới.

Vậy những năm tới sẽ bắt đầu vào lúc nào? Roubini đã dự báo là mọi chuyện sẽ xấu đi nhanh chóng từ cuối năm 2013.

Hãy chờ xem ông có đúng không.
----------------------------
Tác giả: Việt Thắng  // Nguồn: VEF

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Lạm phát tháng 4 thấp, tín hiệu không bình thường
  • Phập phù GDP và ổn định vĩ mô
  • Khủng hoảng châu Âu: Sự thật sau những con số
  • Ernst & Young: Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu về GDP và lạm phát
  • Tồn tích lạm phát cao
  • Lạm phát ở Việt Nam lại tăng vào cuối năm
  • Việt Nam: Standard Chartered dự báo lạm phát 11,3% năm 2012
  • 10 nước nguy cơ lạm phát nóng nhất 2012
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!