Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tồn tích lạm phát cao

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc có một nguyện vọng mãnh liệt khi những ngày cuối cùng của năm 2011 đầy khó khăn vừa trôi qua. Ông giãi bày: "Chúng tôi thực sự mong muốn Chính phủ giảm được lạm phát và ổn định được kinh tế vĩ mô".

Di chứng mất cân đối tiền hàng

Nỗi trăn trở trên của ông Lộc không chỉ đại diện cho gần 600 ngàn doanh nghiệp, mà cho hầu hết người dân đang dần trở nên hụt hơi do lạm phát cao kéo dài. Ralf Matheus, Giám đốc điều hành tập đoàn TNS Việt Nam, một trong những tập đoàn nghiên cứu thị trường có uy tín hàng đầu thế giới, chia sẻ với những trăn trở của ông Lộc: "Lạm phát và lãi suất ngân hàng cao giết chết mọi lợi nhuận của doanh nghiệp và bào mòn sức mua".

Nguyện vọng đó thật chính đáng trong bối cảnh lạm phát năm nay đã lên mức 18,13%, theo Tổng cục Thống kê. Mức lạm phát này đã cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 7% mà Quốc hội thông qua vào cuối năm 2010, và chỉ thấp hơn mức kỷ lục của năm 2008. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận: "Lạm phát của Việt Nam rất cao, có lúc xấp xỉ ở vị trí quán quân". Tỷ lệ lạm phát tăng cao trên thực tế, đáng buồn thay, đã nằm ngoài tính toán của hầu hết các nhà điều hành kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận điều này. Ông kể lại thời điểm Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu lạm phát với Quốc hội hồi giữa năm nay: "Chúng ta đặt ra chỉ tiêu lạm phát năm vừa rồi dưới 20%, nhưng đưa ra cái ngưỡng này cũng đồng nghĩa có thể là 10% hoặc 19% đều được. Sở dĩ như vậy vì lúc đó chúng ta cũng không thể đo lường hết được diễn biến tình hình. Kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi, những áp lực về lạm phát được tích dồn từ những năm trước nhưng chúng ta chưa phân tích hết được". Song, làm sao kéo mức lạm phát về một con số trong năm 2012 khi mức tăng trưởng tín dụng được ấn định vào khoảng 15-17%, cao hơn so với của năm 2011. Đây vẫn là câu hỏi khó cho ông Bình.

 

Theo một báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 11

của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2011 vẫn lên tới 220 ngàn tỷ đồng, vốn tín dụng nhà nước đạt 50 ngàn tỷ đồng. Những con số này cho thấy, việc cắt giảm chi đầu tư phát triển không như công bố, dù Bộ này bảo lưu quan điểm là tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng.

Tuy vậy, Thống đốc Bình được nhiều nhà kinh tế đánh giá cao bởi nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ với tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 10%, dư nợ tín dụng tăng trên 12% trong năm 2011, là mức tăng thấp nhất trong vòng một thập kỷ gần đây. Câu hỏi đặt ra, vì sao chính sách tiền tệ đã bị siết chặt đến thế mà lạm phát vẫn còn cao ở mức như vậy? Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc giải thích: "Nó là hệ quả của cơ cấu kinh tế lạc hậu của chúng ta". Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trần Thị Hằng nói cụ thể hơn: "Lạm phát cao là do mất cân đối tiền hàng kéo dài rất nhiều năm nay".

Cả ông Lộc, ông Matheus, và nhiều nhà điều hành kinh tế có lẽ không biết rằng, lạm phát cao hơn 18% trong năm 2011 vẫn "còn may" với Việt Nam. Nếu Ngân hàng Nhà nước chỉ duy trì tăng cung tiền khoảng 15%, mức cao hơn thực tế năm nay và thấp hơn so với các năm trước, mức lạm phát có thể vọt lên rất cao. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức giải thích: "Chúng tôi áp dụng các hàm để tính toán thì thấy, nếu tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng lên 15% hay ngang với các năm trước thì CPI phải ở mức độ 25-27% chứ không phải 18,13%". Một chuyên gia tài chính cao cấp của IMF không muốn nêu tên nhận xét, nếu CPI lên đến mức này, nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng "suy sụp". "Lý do cơ bản nhất là lạm phát cao như thế sẽ nuốt hết thu nhập của người dân. Song rất may điều đó đã không xảy ra", ông nói.

Chính sách tài khóa chưa hoàn thành nhiệm vụ

Giờ đây việc thực hiện gói giải pháp bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã trôi qua được gần 1 năm. Câu hỏi đặt ra là, những biện pháp này đã phát huy tác dụng như thế nào? Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Deepak Mishra nói: "Ngoại trừ đầu tư công, các điểm khác của Nghị quyết 11 đã phát huy tác dụng".

Đánh giá của chuyên gia này được kiểm nghiệm bởi một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 11. Theo đó, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ trong năm 2011 vẫn lên tới 220 ngàn tỷ đồng, vốn tín dụng nhà nước đạt 50 ngàn tỷ đồng. Những con số này cho thấy, việc cắt giảm chi đầu tư phát triển không như công bố, dù Bộ này bảo lưu quan điểm là tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng. Những chuyên gia kinh tế có cái nhìn cẩn trọng như ông Mishra lại có cách nhìn phê phán. Ông nhận xét, tỉ lệ tăng chi không thống nhất với thông báo trong khuôn khổ Nghị quyết 11 là tổng chi đầu tư sẽ cắt giảm 80 nghìn tỉ đồng (khoảng 3,2% GDP) bằng cách đình chỉ các dự án đầu tư công không hiệu quả và tạm dừng các dự án chưa thực sự cấp bách như một phần của gói chính sách bình ổn.

Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đồng tình quan điểm này khi cho rằng, chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% (23.000 tỷ đồng). Về tổng thể, chi ngân sách theo đánh giá của Uỷ ban này vượt dự toán tới 9,7%, là mức khá lớn. Chủ tịch Ủy ban Phùng Quốc Hiển nhận định: "Mức tăng chi trên chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô".

 

Chính sách tài khóa chưa phát huy tác dụng tích cực trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Là người có tiếng nói quan trọng trong việc chi dùng ngân sách quốc gia, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh biết rõ điểm yếu này. Ông nói với lãnh đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các tỉnh trong một hội nghị phổ biến Chỉ thị 1792 của Thủ tướng nhằm chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư: "Các đồng chí xem, chúng ta đầu tư quá dàn trải. Điều này sẽ không được nữa". Ông Vinh nhận được báo cáo từ các tỉnh rằng, họ cần tới hơn 500 ngàn tỷ đồng để hoàn thành các dự án đã bố trí vốn, đang thi công dở dang, song Quốc hội chỉ duyệt cho số vốn đáp ứng 36% nhu cầu trên. Ông Vinh cảnh báo: "Nếu ai duyệt dự án mà không bố trí vốn thì sẽ phải chịu trách nhiệm". Bộ trưởng cam kết mức lạm phát sẽ giảm dần xuống còn khoảng 9% trong năm 2012 và tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo đến mức khoảng dưới 5% hàng năm.

Những lời phát biểu của các nhà hoạch định chính sách kinh tế chủ yếu cho thấy, Việt Nam đã bước vào thời kỳ chặt chẽ bởi Nhà nước không còn đủ nguồn lực tài chính để mở rộng đầu tư và chi tiêu như trước đây. Nhưng, liệu các hành động kèm theo có được thực hiện cho mục tiêu cuối cùng, là "đưa nền kinh tế ổn định trở lại, có thể sánh được với các nước láng giềng tương tự trong khu vực", như cảnh báo của IMF. Ông Lộc của VCCI dẫu sao cũng có cái nhìn lạc quan: "Tôi hi vọng Chính phủ kiên trì thực hiện Nghị quyết 11. Có như vậy mới khống chế được lạm phát".
---------------
Tác giả: Vũ Minh  // Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp
 
 

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Lạm phát ở Việt Nam lại tăng vào cuối năm
  • Việt Nam: Standard Chartered dự báo lạm phát 11,3% năm 2012
  • 10 nước nguy cơ lạm phát nóng nhất 2012
  • Khủng hoảng châu Âu, nguy cơ toàn cầu
  • Vì đâu thế giới lâm vào khủng hoảng?
  • ANZ: Lạm phạt của Việt Nam sẽ hạ nhiệt
  • TS. Võ Trí Thành: Chống lạm phát phải “chịu đau”
  • Lạm phát: Lặp lại sai lầm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!