Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điểm mới trong “cuộc chiến” lạm phát Việt Nam năm 2011

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011 ngày 2/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu hiện nay và các bộ, ngành địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu này…

 

Quan sát động thái lạm phát và chính sách đối phó với lạm phát ở nước ta những tháng đầu năm 2011 cho thấy nổi lên một số điểm mới đáng chú ý sau: 
 
Thứ nhất, xu hướng tăng giá mạnh và kéo dài trong những tháng sau Tết...
 
Theo thông lệ, hàng năm mức tăng giá tiêu dùng (CPI) thường đạt đỉnh vào những tháng trước hoặc ngay sau Tết Nguyên Đán, và hạ dần vào cuối quý 1 cho đến hết quý 2 và 3... Tuy nhiên, CPI trong 5 tháng qua tăng liên tục với tốc độ cao dần một cách đáng ngại, với đỉnh chưa được xác lập rõ ràng, trong đó riêng tháng 3/2011 tăng vọt tới 2,17%, tức cao hơn tốc độ tăng 2,09% của tháng 2/2011 và mức tăng 1,74% của tháng 1/2011). Đây cũng là mức cao nhất so với tốc độ tăng của 32 tháng trước đó (tính từ tháng 6.2008) và còn là mức cao thứ 2 so với tốc độ tăng CPI tháng 3 hàng năm trong vòng 20 năm qua (chỉ sau tháng 3.2008). Vì vậy, CPI tháng 3.2011 so với tháng 12.2010 đã tăng 6,12%, nghĩa là bằng 87,4% chỉ tiêu lạm phát 7% đề ra cho cả năm; nếu so với tháng 3.2010, CPI đã tăng 13,89%; còn tính bình quân 3 tháng năm 2011 so với cùng kỳ năm trước (còn gọi là mặt bằng giá) thì CPI đã tăng 12,79%...
 
Chỉ số CPI tháng 3 /2011 tiếp tục tăng cao với tốc độ khác nhau giữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ...Mức tăng cao nhất thuộc về các nhóm hàng lương thực, thực phẩm; và xu hướng tăng giá đang lan tỏa rộng khắp các lĩnh vực và nhóm hàng, trừ hàng điện tử, như máy tính, điện thoại và một số hàng CNTT khác.
 
Xu hướng giảm tốc CPI đã bộc lộ từ đầu tháng 4 và tô đậm hơn trong tháng 5 và 6/2011, với các mức tương ứng lần lượt là 3,32%, 2,21 và 1,09%. 
 
Tuy nhiên, tháng 7/2011 có sự đảo chiều lạm phát với mức tăng CPI so tháng trước tới 1,32% do gắn với sự tăng mua vét thực phẩm của thương gia nước ngoài và bất lợi của thời tiết, khiến mất cân đối cung-cầu, khan hiếm và tăng giá thực phẩm đột ngột. 
 
Tháng 8, CPI đã có sự cải thiện trở lại, với mức tăng chỉ còn .93% so với tháng trước. Xu hướng này chắc chắn còn tiếp diễn trong suốt quý 3/2011, trước dịp tăng trở lại cuối năm như thông lệ… 
 
Với đà tăng đó, việc duy trì được được tốc độ tăng CPI năm 2011 ở mức 17-18% so với tháng 12/2010 như mục tiêu đề ra(dù đã điều chỉnh lần 2 so với kế hoạch 7% đầu năm) là rất khó, nếu không nói là không thể (tính chung CPI 8 tháng đầu năm so tháng 12/2010 đã tăng tới gần 16% và tăng trên 23% so cùng kỳ năm trước); song cần nhấn mạnh rằng, sốt giá đột ngột và khan hiếm hàng hóa sẽ khó có cơ hội xẩy ra trong giả định không có những đột biến về thiên tai và chính sách quản lý vĩ mô, cũng như những khủng hoảng mạnh trên thị trường tài chính-tiền tệ trong nước và quốc tế…
 
Diễn biến lạm phát của Việt Nam từ 2000-T8/2011
(% so với tháng 12 năm trước)


 
Thứ hai, sức ép lạm phát tiền tệ sẽ giảm, còn sức ép lạm phát chi phí đẩy sẽ tăng

Sức ép từ lạm phát tiền tệ giảm dần gắn liền với xu hướng gia tăng chính sách tài chính-tiền tệ thắt chặt, nhất là việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% so với mức thực tế tăng tới gần 30% của năm 2010; hạn chế cho vay đầu tư phi sản xuất và tiêu dùng, nhất là cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản; hạn chế đầu tư công và thâm hụt ngân sách; cũng như hạn chế mua sắm trang , thiết bị và chi tiêu công khác; Đồng thời gia tăng kiểm soát, giảm thiểu tình trạng buôn bán vàng miếng và ngoại tệ không có giấy phép … Sự hợp lực của những động thái này chắc chắn đang và sẽ góp phần giảm dần tổng cầu ảo xã hội, nhất là giảm dần sức ép liên quan đến lạm phát tiền tệ trong thời gian tới như một điểm mới đáng chú ý của tính chất lạm phát ở nước ta trong năm 2011.
 
Ngược lại, sức ép lạm phát chi phí đẩy tăng nhanh trong những tháng cuối quý 1- đầu quý 2/2011 do gắn liền trực tiếp với tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất-kinh doanh và dịch vụ-tiêu dùng từ cú sốc tăng tỷ giá và các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện diễn ra liên tiếp trong tháng 3/2011; từ sự gia tăng chi phí vốn gằn với cuộc đua lãi suất huy động và cho vay và từ tháng 5/2011 là việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách...Ngoài ra, đợt tăng giá dầu mỏ lên tới 50% (từ mức 80 USD/thùng lên mức 120 USD/thùng) chi trong vòng 5 tháng (11/2010-3/2011) cũng là một xung lực mạnh làm tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy cả ở phạm vi quốc tế, cũng nhu ở Việt Nam. 
 
Thứ ba, có nhiều cú sốc hơn trong lực đẩy và giải pháp đối phó với lạm phát
 
Tình trạng tăng giá hàng hoá và dịch vụ chung trên cả nước trong những tháng đầu năm có nguyên nhân truyền thống, trực tiếp và dễ nhận thấy chính là sự gia tăng đột ngột vượt trội mọi thời điểm khác trong cả năm về nhu cầu và sức tiêu thụ các hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, sự lợi dụng đẩy giá lên cao do khả năng thanh toán và tâm lý dễ dãi trong tiêu dùng, mua sắm gắn với dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhất là ở các đô thị tập trung dân cư và có quy mô thị trường tiêu thụ lớn, như các TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh. 
 
Đặc biệt, sự hội tụ tập trung trong thời gian ngắn các cú sốc tăng tỷ giá (tăng 9,3% từ ngày 11/2/2011), và tăng giá xăng dầu (tăng từ 17-24%) và từ 1/3/2011 là giá điện tăng 15,2% càng làm bùng phát các xung lực tiêu cực làm tăng hệ quả lạm phát của chúng.
 
CPI tăng đã làm giảm mức sống thực tế của người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, những đối tượng chính sách xã hội và dễ bị tổn thương. Bởi vậy, Nghị quyết 11/CP của Chính phủ đã nhấn mạnh cần thực thi quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, theo đó cần tập trung vào triển khai các nhóm giải pháp:
 
- Thúc đẩy căn bản hơn và nhanh hơn quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; chủ động, linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý nhà nước; kiểm soát chặt chẽ nợ công và đầu tư công; giảm nhập siêu xuống dưới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; tăng cường hoạt động giám sát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan; tăng cường hoạt động giám sát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan; tăng cường kiểm tra thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, lũng đoạn và lợi dụng tăng giá tùy tiện trên thị trường.
 
- Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường và cũng như nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư nhà nước; tăng cường công tác thông tin (nhất là chất lượng công tác thống kê), dự báo và phản biện chính sách xã hội trước các biến động nhanh chóng của thị trường, nhất là mặt trái của những chính sách đang và sẽ triển khai; 
 
- Tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Xử lý nghiêm theo pháp luật đối với hành vi cố tình vi phạm.
 
- Tạm dừng trang bị mới xe ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước..; Việc đầu tư mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước phải sử dụng hàng sản xuất trong nước; trường hợp hàng hóa trong nước không sản xuất được mới sử dụng hàng nhập khẩu. Không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách; Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. 
 
- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng biên chế và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm. 
 
- Xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011; thu hồi hoặc điều chuyển các khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách, không đúng mục tiêu; kiên quyết cắt giảm các công trình chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho các dự án tạo ra năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới, các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, sớm đưa vào sử dụng. Thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011, xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011; thu hồi hoặc điều chuyển các khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách; 
 
Tăng cường công tác giám sát đánh giá đầu tư xây dựng cơ bản, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tình hình, tiến độ, chất lượng thực hiện dự án tại các ngành, các cấp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, bổ sung các giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Không ứng trước vốn ngân sách nhà nước cho các dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách; Kiểm tra, rà soát lại đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, kiến nghị các biện pháp xử lý, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài; tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011.
 
- Kiểm soát đầu cơ nâng giá; chống hàng gian, hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng trốn lậu thuế; thực hiện việc niêm yết và kiểm soát giá cả theo quy định hiện hành, … Nắm bắt dự báo về nhu cầu tiêu dùng, có biện pháp bình ổn giá cung ứng đủ hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân, như lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu,... và tổ chức lưu thông thông suốt. Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai việc tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng và thực hiện chương trình tiết kiệm điện, phấn đấu tiết kiệm sử dụng điện 10% theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, áp dụng các biện pháp cần thiết và phù hợp để khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp, nhân dân sử dụng tiết kiệm năng lượng (điện, xăng dầu), sử dụng các công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, công nghệ tiết kiệm điện.
 
- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân thông qua việc đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các quy định hỗ trợ đối tượng chính sách, người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già yếu cô đơn, không nơi nương tựa,...),...
 
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm giá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ ở mức hợp lý; tập trung vốn cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí. 
 
- Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời để nhân dân hiểu, đồng thuận về vấn đề kiểm soát tăng giá và ổn định thị trường; Xử lý nghiêm, kịp thời theo thẩm quyền các hành vi đưa tin sai sự thật, các hoạt động có yếu tố kích động tăng giá, gây tâm lý bất an trong xã hội, không đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Đặc biệt, trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phải luôn lấy yếu tố con người là trung tâm, là quyết định”, như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý…
 
TS.Nguyễn Minh Phong
Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội
Theo Tầm Nhìn

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!