Các nhà lãnh đạo G-20 không thể giải quyết được mọi khó khăn của nền kinh tế thế giới vào ngày 2/4 tới, cho dù Thủ tướng Anh Gordon Brown đặt rất nhiều hy vọng vào hội nghị tài chính mang tính bước ngoặt mà ông sẽ chủ trì tại London này.
Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G-20 ngày 15/3 đã hứa hẹn tăng nguồn ngân sách hiện có để giúp các nền kinh tế thị trường mới nổi lên, đang cầu cứu sự giúp đỡ. Cuộc họp này cũng không công khai thảo luận các gói kích thích kinh tế. Trong khi đó, các bộ trưởng đã sửa đổi hoặc nhắc lại những cam kết khác, đã từng được đưa ra khi các nhà lãnh đạo G-20 tham gia hội nghị thượng đỉnh đầu tiên bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu tháng 11/2008, nói rằng các quỹ đầu tư nặng về đầu cơ đang hoạt động tự do sẽ không còn “nằm ngoài sự kiểm soát” nữa.
Theo các nhà kinh tế, có lẽ hiện giờ hai vấn đề đáng quan tâm nhất là cam kết chung của G-20 rằng họ sẽ làm bất kỳ điều gì để phục hồi nền kinh tế và kế hoạch của Mỹ nhằm xử lý các tài sản “độc hại”, đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay và khiến nó kéo dài chừng nào họ chưa giải quyết được vấn đề sổ sách kế hoạch của các ngân hàng.
Về cơ bản, các thị trường tài chính, vốn là khởi nguồn của mọi rắc rối hiện nay, đang tìm kiếm các biện pháp nhanh gọn và dễ thực hiện để giải quyết mớ bòng bong phức tạp này. Các chính phủ đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD cho việc tái cơ cấu tài chính của các ngân hàng và các khoản bảo đảm thanh toán nợ. Các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất và đang “bơm” một khối lượng lớn tín dụng ngắn hạn vào các thị trường tiền tệ để giúp các thị trường này hoạt động, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đình đốn.
Hiện giờ, các chính phủ đang thực hiện những chương trình chi tiêu nhà nước khổng lồ với nỗ lực thúc đẩy nhu cầu, nhằm giảm bớt tác động của cuộc Đại Suy thoái. Tất cả các biện pháp trên đã giữ cho con thuyền không bị lật, trong khi giải quyết được vấn đề khó khăn nhất là sửa chữa một hệ thống, đã từng hoạt động rất tồi tệ.
Thật dễ khi nói rằng các vấn đề toàn cầu đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính toàn cầu khi các ngân hàng, các thị trường tài chính và giới doanh nhân thường hoạt động dựa trên một cơ sở mang tính toàn thế giới. Tuy nhiên, các chính phủ lại hoạt động bên trong các đường biên giới quốc gia – vì thế các nỗ lực hợp tác phải thông qua G-20.
Thomas Mayer, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank, nói: “Có một điều tích cực tại hội nghị thượng đỉnh lần này là các nhà lãnh đạo chính trị của các nước có tầm quan trọng dù lớn hay nhỏ trong nền kinh tế thế giới ít nhất cũng sẽ thảo luận với nhau”.
Thách thức mà những người hoạch định chính sách đang phải đối diện là họ cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp nào để bình ổn ngành ngân hàng và nền kinh tế, mà không sao nhãng sự cần thiết phải xúc tiến các cam kết về quản lý và tái cơ cấu hệ thống thị trường tài chính.
Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh lần này được triệu tập với hai mục tiêu: mục tiêu trước mắt là bình ổn các thị trường và nền kinh tế, mục tiêu lâu dài làm đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng này không tái diễn. Theo Annunziata thuộc Unicredit, trước mắt, cam kết của cuộc họp cuối tuần qua về việc hỗ trợ thêm tín dụng cho các nền kinh tế thị trường mới nổi lên là cực kỳ quan trọng do nguồn tín dụng và đầu tư vào Đông Âu đang cạn kiệt.
Còn Angel Gurria, người đứng dầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì cho rằng G-20 không có “phép màu” để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính khi ông miêu tả một cách ví von rằng sẽ không thể có câu thần chú “Vừng ơi, mở ra”./.
(Theo VOV / Reuters)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com