|
Chủ tịch WB, ông Robert Zoellick - Ảnh: Reuters. |
Năm 2009 này sẽ là năm tồi tệ nhất đối với kinh tế thế giới từ thập niên 1930 tới nay, với mức tăng trưởng toàn cầu sẽ là âm 1-2%. Đây là dự báo mà Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây.Ông Zoellick cũng cho rằng, các nước thuộc khu vực Trung và Đông Âu sẽ là những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trong lần suy thoái này, đồng thời kêu gọi các nước giàu tiến xa hơn trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển bù đắp nguồn tiền thiếu hụt do sự tháo chạy của các dòng vốn nước ngoài.
Trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail của Anh, ông Zoellick nói: “Tôi cho rằng, kinh tế toàn cầu năm nay sẽ co lại 1-2%. Thế giới chưa từng trải qua mức tăng trưởng như vậy từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 trở lại đây. Con số này có lẽ là mức tăng trưởng âm tồi tệ nhất từ những năm 1930. Bởi vậy, đây đúng là quãng thời gian nguy hiểm”.
Thực ra, trong một báo cáo mới công bố cách đây ít ngày, WB cũng đã đưa ra dự báo u ám tương tự về kinh tế thế giới năm 2009. Tuy nhiên, trong báo cáo đó, ngân hàng này chưa đưa ra con số dự báo tốc độ tăng trưởng cụ thể.
Trong ngày 11/3, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn cảnh báo thế giới có thể sẽ phải đương đầu với một cuộc “Đại khủng hoảng” mới và cho rằng, dự báo của ông đưa ra trước đó về việc kinh tế thế giới sẽ ngưng trệ trong năm nay là quá lạc quan.
Theo Chủ tịch Zoellick, thương mại thế giới năm nay sẽ sụt giảm với tốc độ mạnh nhất từ thập niên 1930 tới nay. Vị Chủ tịch WB cũng cho rằng, khu vực Trung Âu và Đông Âu đang ở thế rủi ro cao hơn cả các khu vực khác do người dân các nước ở đây vay nợ nhiều để mua các loại tài sản định giá bằng đồng ngoại tệ như Euro hay Franc Thụy Sỹ, trong khi đồng nội tệ đang trên đà lao dốc mạnh, đẩy số nợ tăng vọt.
Ông cho hay, trong cuộc họp diễn ra vào ngày 2/4 tới giữa các nhà lãnh đạo nhóm G20 tại London, trọng tâm làm việc nên là xác định những vấn đề trong hệ thống ngân hàng, thay vì tìm thêm những biện pháp kích thích tài khóa. Quan điểm này của ông Zoellick xem ra trái ngược với mong muốn của Mỹ và Anh - hai nước cùng muốn thúc giục G20 tăng chi tiêu để cứu nền kinh tế ra khỏi suy thoái.
“Có thêm các kế hoạch kích thích kinh tế sẽ giống như việc cho người có lượng đường trong máu cao dùng thêm đồ ngọt, trừ khi các nước giải quyết được những hỏng hóc trong hệ thống ngân hàng”, ông Zoellick nói.
Chủ tịch WB cũng cho hay, khủng hoảng kinh tế đã khiến nhu cầu vốn của WB tăng vọt. Năm ngoái, WB cho vay khoảng 3,5 tỷ USD, nhưng năm nay, con số này có thể sẽ lên tới 35-36 tỷ USD. Ông tiếp tục kêu gọi các nước giàu chi 0,7% số tiền trong các gói kích thích kinh tế của họ để lập quỹ giúp các nước nghèo.
Ngoài ra, ông cho biết thêm, WB sẽ huy động vốn qua bộ phận khu vực tư nhân của ngân hàng này là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và cho vay khoảng 30 tỷ USD qua IFC trong vòng 3 năm tới.