Kể từ tháng 10/2008 đến nay, tổng số chi cho các biện pháp chấn hưng kinh tế mà các nước châu Á đưa ra chỉ vào khoảng 1,1 nghìn tỉ USD. Kinh tế Nhật Bản tồi tệ hơn mọi dự báo nên Tokyo đang tính việc đưa ra kế hoạch thứ ba, khoảng 200 tỉ USD để kích thích kinh tế.
Năm 2008, Nhật Bản đã tung ra hai kế hoạch trị giá hơn 500 tỉ USD. Vào tháng 11/2008, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch kích cầu 585 tỉ USD, tập trung vào các dự án hạ tầng cơ sở, giảm thuế.
Trong khi đó, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu, cũng lần lượt công bố các kế hoạch chấn hưng kinh tế.
Malaysia hiện đang xem xét khả năng đưa ra các biện pháp bổ sung, khoảng 2,7 tỉ USD sau khi đã có một kế hoạch gần 2 tỉ USD, được công bố hồi tháng 11/2008. Còn Singapore mạnh dạn sử dụng nguồn ngoại tệ, sẽ chi ra khoảng 13 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế, vì theo dự báo, tăng trưởng của nước này trong năm 2009 có thể sụt giảm tới 10% nếu như xuất khẩu tiếp tục đi xuống.
Tháng 2/2009, Quốc hội Indonesia đã phê chuẩn kế hoạch kích thích kinh tế hơn 6 tỉ USD, trong khi Thái Lan cho biết sẽ chi 54 tỉ USD và nếu cần, sẽ đi vay để hỗ trợ các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, các biện pháp nói trên, theo giới chuyên gia, vẫn là chưa đủ. Các nước châu Á phải mạnh dạn chi thêm nhằm hạn chế tác hại của khủng hoảng kinh tế, bởi vì khác với cuộc khủng hoảng tài chính trong những năm 90 của thế kỷ trước, châu Á hiện có những cơ sở tài chính và ngân hàng vững mạnh hơn, với nguồn dự trữ ngoại tệ khá lớn.
Theo đánh giá của nhà kinh tế Ấn Độ Suryanrayana, triển vọng chung cho cả khu vực là ảm đạm, đặc biệt về chính trị ở cấp độ vĩ mô.
Trong tình hình như vậy, Giáo sư Amartva Sen, ứng cử viên giải thưởng Nobel về kinh tế, đã nhận xét rằng hiện nay "không có một tài xế chung cho nền
kinh tế thế giới". Ông đánh giá thấp các luận thuyết cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ có thể là "tài xế" chèo lái kinh tế Đông Á và thế giới trong thời điểm nghiêm trọng này.
Ông Amartva Sen cũng bác bỏ khả năng một nhóm nước như G-20 có thể hợp thành một kiểu hội đồng giải quyết những vấn đề kinh tế thế giới, mà nhấn mạnh rằng chỉ có một "G-tất cả" mới làm được như vậy. Ông cho rằng G-20 là một sự "cải tiến" của G-7 và thế giới nên "không ngừng cải thiện" G-20.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi đi những tín hiệu muốn Trung Quốc và Nhật Bản can dự một cách mạnh mẽ hơn trong diễn đàn G-20. Tháng 1 vừa qua, ông đã mời Thủ tướng Nhật Bản Tara Aso là thượng khách nước ngoài đầu tiên thăm Mỹ, và giữa tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Nhật Bản và Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Obama.
Những tín hiện này chứng tỏ ông Obama đã đưa vào tiến trình hoạch định chính sách thành lập một phương trình ba bên không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc trong khuôn khổ diễn đàn G-20 mới trong nỗ lực tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng trở nên trầm trọng và kéo dài hơn dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố hạ lãi suất cơ bản xuống còn 1,5%, mức thấp nhất kể từ khi ECB được thành lập cách đây 10 năm. Mặc dù đây là lần thứ 5 kể từ tháng 10/2008 ECB tuyên bố hạ lãi suất, song ECB cho biết có thể đây chưa phải là lần hạ lãi suất cuối cùng.
Chủ tịch ECB Jean Claude Trichet tuyên bố "ECB đang thảo luận và nghiên cứu một số biện pháp mới mang tính truyền thống". Theo giới chuyên môn, điều này đồng nghĩa với việc ECB đang xem xét "nới lỏng lượng tiền mặt lưu thông", tức phát hành thêm tiền trong thời gian tới.
Các nhà kinh tế thế giới nhấn mạnh trên thực tế, toàn bộ các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang phải đối mặt với cùng một vấn đề: Sau khi đã liên tiếp tiến hành giảm lãi suất cơ bản, lãi suất gốc của các nước đều ở mức gần bằng không và khi đó, các ngân hàng trung ương không có nhiều sự lựa chọn về chính sách. Do việc cắt giảm lãi suất này vẫn chưa mang lại hiệu quả kích thích tăng trưởng kinh tế nên các ngân hàng trung ương buộc phải tìm giải pháp khác.
Theo dự báo của ECB, tăng trưởng của khu vực các nước sử dụng đồng euro dự kiến sẽ đạt -2,7% năm 2009 và đạt 0% vào năm 2010.
Ngân hàng Trung ương Anh dường như đã đón đầu được hoàn cảnh nên ngày 5/3 vừa qua đã quyết định giảm tiếp lãi suất cơ bản xuống còn 0,5% và đồng thời tuyên bố áp dụng một số biện pháp tiền tệ khác để kích thích cung cầu tiền tệ./.