Một trong những câu hỏi làm đau đầu các nhà chính trị và kinh tế Mỹ hiện nay là làm sao biết khi nào khủng hoảng chạm tới đáy, để rồi từ đó sẽ phục hồi.
Các nhà kinh tế nước này đang nghiên cứu những con số thống kê nhằm tìm ra điểm đáy mà từ đó kinh tế sẽ phát triển trở lại. Có lẽ chỉ cần ba lĩnh vực: nhà ở, việc làm và chứng khoán.
Việc làm
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tính đến tháng 2/2009 là 8,1% và đây là mức cao nhất trong 25 năm qua. Nước Mỹ đã mất 4,4 triệu chỗ làm từ khi suy thoái diễn ra vào cuối năm 2007. Lĩnh vực nhà ở và xây dựng suy thoái nên công nhân không có việc làm, tiếp đến khủng hoảng tài chính làm cho hàng loạt công nhân cổ trắng cũng mất việc. Nhưng ngày tháng đen tối nhất của thị trường việc làm ở Mỹ vẫn còn ở phía trước. Do người tiêu dùng chi ít và thị trường tín dụng sa lầy nên có thể kinh tế Mỹ sẽ mất đến 2,4 triệu chỗ làm trong năm 2009, lúc đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt qua con số 9%. Tình hình đó đã vượt qua con số tồi tệ năm 2001 và cuộc khủng hoảng 2000-2001 nhưng thua chút ít tỷ lệ thất nghiệp 10,8% năm 1982. Các chuyên gia cho rằng khi điều kiện kinh doanh được cải thiện, các Cty sẽ thuê thêm nhiều nhân công tạm thời và sau đó là sẽ thuê người làm dài hạn. Như vậy, có thể vào giữa năm 2010, tình hình sẽ bắt đầu khả quan trở lại.
Nhà ở
Theo thống kê, giá nhà ở trung bình tại Mỹ đã sụt tới 170.300 USD trong tháng 1/2009, giảm 26% so với một năm rưỡi trước. Nhưng con số này cũng chỉ ra sự che giấu những phức tạp của thị trường. Các cuộc suy sụp nhà đất khác trong vài thập kỷ qua chỉ mang tính khu vực, trong khi đó lần này suy giảm nhà đất mang tính toàn liên bang Mỹ. Có khoảng 5,4 triệu chủ nhà ở Mỹ, bằng 12%, trong tình trạng sẽ bị thu nhà để thanh toán nợ hoặc phải bán nhà cầm cố để thanh toán vào cuối năm 2009.
Cục dự trữ liên bang tính toán rằng giá nhà ở Mỹ sẽ còn giảm thêm 18-29% cho tới cuối năm 2010 và điều sống còn để cứu giá nhà đất là sức khỏe của kinh tế Mỹ phải tốt hơn. Nhiều người đang trông ngóng vào khoản tiền 75 tỷ USD chính quyền tổng thống Obama chi ra để cứu giúp các chủ nhà vỡ nợ ở Mỹ. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ không thể trở lại bình thường sớm, các chuyên gia cho rằng ít nhất phải mất sáu tháng nữa hoặc đến quý I/2010, giá nhà đất ở Mỹ mới qua đáy.
Cổ phiếu
Chỉ số trung bình của cổ phiếu công nghiệp Dow Jones và Standard & Poors 500 đã mất hơn một nửa giá trị từ khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh vào tháng 10/2007. Sau đó nó đã tụt giảm tới mức xấu nhất kể từ năm 1929 khi chỉ số Dow Jones mất 89% còn S&P 500 tụt 86%. Các nhà phân tích thường cho rằng Wall Street đã chịu những sự tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó chưa phải là tất cả. Có chuyên gia cho rằng chỉ số Dow Jones sẽ còn tụt xuống 6.000 điểm nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao quá mức 8,1% hiện nay. Những người khác còn bi quan hơn với nhận định chỉ số Dow Jones xuống còn 5.000 điểm và S&P 500 còn 500 điểm. Các chuyên gia cho rằng vào quý II hoặc quý III/2009, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục và một khi đã trở lại thì sẽ tăng rất mạnh như thời điểm năm 1932, chỉ số S&P 500 đã lấy lại 46% giá trị trong một năm sau khi chạm đáy.
Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế Mỹ, quý II hoặc quý III/2009, TTCK sẽ hồi phục và một khi đã trở lại thì sẽ tăng rất mạnh.
(Theo DN/AP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com