Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng toàn cầu: Tai họa bắt đầu tư đâu?

Lehman Brothers hoạt động như một ngân hàng quốc tế nhưng lại được kiểm soát lỏng lẻo nên đã sụp đổ

Lehman Brothers hoạt động như một ngân hàng quốc tế nhưng lại được kiểm soát lỏng lẻo nên đã sụp đổ

Đã 18 tháng kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu tại Mỹ và lan ra toàn cầu, các nhà kinh tế vẫn chưa đồng ý với nhau đâu là cội nguồn của nó. Nếu không chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh thì khó mà tìm được phương thuốc chữa trị hữu hiệu.

Cuộc tranh luận về nguồn gốc của khủng hoảng kinh tế lại nóng lên vào cuối tuần qua khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo ngày 6/3/2009 nhận định, “kẻ tội đồ” gây khủng hoảng kinh tế thế giới là tình trạng quản lý không hiệu quả hệ thống tài chính toàn cầu cộng với sự thất bại của kỷ luật thị trường. Quan điểm này khác hẳn cách nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và hoạch định chính sách, chẳng hạn như của ông Paul Krugman - bình luận gia của báo New York Times, giải Nobel Kinh tế 2008, hay ông Henry Paulson, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời Tổng thống George Bush. Những người này cho rằng sự mất cân bằng toàn cầu - thặng dư khổng lồ của một số nước xuất khẩu như Trung Quốc đối lại sự thâm hụt khổng lồ của một số nước nhập khẩu như Mỹ - là cội rễ của khủng hoảng. Sự mất cân bằng này, theo ông Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng của IMF, chỉ có tác động “gián tiếp” tới cuộc khủng hoảng chứ không phải là tác nhân chính. Khác biệt trong hai cách nhìn nhận trên, tuy rất nhỏ, song có thể dẫn tới những liệu pháp khác nhau trong cách đối phó với khủng hoảng: chuyển hướng chính sách kinh tế vĩ mô hay siết chặt kiểm soát hệ thống tài chính.

Nói tổng quát, quan điểm coi khủng hoảng kinh tế là sự mất cân bằng toàn cầu cho rằng, cơn lũ tiền bạc từ những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao như Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ tràn vào nước Mỹ, giữ cho lãi suất luôn ở mức thấp, làm bùng nổ tín dụng, bùng nổ giá nhà đất và cổ phiếu; rồi chính sự đổ vỡ của những tài sản này đã kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối năm 2007. Do đó, giải pháp khả thi, dài hạn để điều chỉnh những vấn đề kinh tế thế giới phải khắc phục được sự mất cân bằng toàn cầu.

IMF công nhận có sự mất cân bằng nhưng cho rằng nó không thể gây ra khủng hoảng nếu không có năng lực sáng tạo của các định chế tài chính trong việc tạo ra những cơ cấu mới, những công cụ mới đáp ứng yêu cầu tìm kiếm lợi nhuận ngày càng cao của nhà đầu tư. Những công cụ này ngày càng chứa nhiều rủi ro hơn. Các nhà đầu tư, vì quá lạc quan về sự tăng giá liên tục của tài sản, đã không xem kỹ bản chất những tài sản họ thủ đắc được mà chỉ muốn dựa vào kết quả phân tích của các tổ chức xếp hạng tín dụng; mà những tổ chức này trong nhiều trường hợp cũng tư vấn cách chơi trò xếp hạng. IMF cho rằng, chính “sự thất bại của kỷ luật thị trường” như vậy mới giữ vai trò to lớn trong việc gây ra khủng hoảng.

Cũng theo IMF, vấn đề nghiêm trọng hơn nằm ở chỗ, việc quản lý thị trường tài chính luôn có khiếm khuyết, không hiệu quả và tầm bao quát quá hạn hẹp. Những cái gọi là “hệ thống hình bóng của ngân hàng” - bao gồm mạng lưới các quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ rủi ro (hedge fund), người vay thế chấp và những định chế tương tự… hoạt động gần giống như ngân hàng nhưng được kiểm soát lỏng lẻo và kết nối với nhau rất chặt chẽ - lại không phải tuân thủ những quy định thận trọng áp dụng cho ngành ngân hàng.

Sở dĩ như vậy, theo IMF, vì các định chế tài chính này được coi là không quan trọng về mặt hệ thống như ngân hàng bình thường. Thế rồi nhờ ít bị kiểm soát, chúng trở nên hấp dẫn các ngân hàng, trở thành nơi các ngân hàng né tránh các yêu cầu về vốn và san sẻ rủi ro. Theo thời gian, mạng lưới các tổ chức tài chính phi ngân hàng trở nên lớn rộng tới mức tạo ra một hệ thống hết sức quan trọng, nói theo ngôn ngữ quen thuộc lúc này là chúng “quá lớn, liên kết quá chặt chẽ” đến mức không thể để cho chúng sụp đổ. Vào thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính Mỹ cuối năm 2007, dự đoán tổng tài sản của những “hình bóng ngân hàng” ở Mỹ vào khoảng 10.000 tỉ đô la, tương đương tổng tài sản của ngành ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ của Mỹ và đã vượt khỏi tầm kiểm soát của hệ thống các quy định thận trọng hiện hành.

Từ sự phân tích này, trong hàng loạt hồ sơ chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 họp tại London, IMF đề cao giải pháp gia tăng mạnh quy mô và tầm bao quát của những quy định kiểm soát hoạt động tài chính. Trong những đề xuất của IMF có đề nghị buộc các định chế tài chính giống ngân hàng phải tuân thủ cùng những tiêu chuẩn thận trọng áp dụng cho các ngân hàng bình thường. IMF đề nghị công tác kiểm soát thị trường tài chính phải tập trung vào những gì mà một định chế tài chính thực hiện chứ không phải vào chuyện định chế ấy được gọi là gì (nghĩa là, phạm vi điều chỉnh của luật lệ phải là các hoạt động chứ không phải là những chủ thể). IMF cũng đề nghị các cơ quan quản lý tập trung nhiều hơn vào những yếu tố góp phần tạo ra rủi ro mang tính hệ thống, chẳng hạn như đòn bẩy tài chính, tài trợ và tính liên kết - ý nghĩa của những yếu tố này đã không được nhận thức đầy đủ cho đến khi Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ, làm chấn động nhiều định chế khác. IMF còn đề nghị phải tăng cường kiểm soát hoạt động ngân hàng xuyên biên giới, yêu cầu về công khai thông tin, chỉ mục về rủi ro hệ thống và sự hợp tác quốc tế.

Nhưng trong các đề xuất này tiềm ẩn một mâu thuẫn. Không thể nào dự báo được tất cả những mánh lới làm xói mòn sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Tăng cường tầm kiểm soát và điều hành có thể giúp ngăn những vấn đề đã dẫn tới tai họa hôm nay tái diễn trong tương lai với cách thức tương tự, nhưng không có gì ngăn cản được các nhà hoạt động tài chính tìm cách tránh né những quy định mà IMF đề xuất. Bắn một mục tiêu đang chuyển động thì bao giờ cũng khó.

Còn những “sự mất cân bằng” thì sao? Nói tổng quát, quan điểm của IMF là nếu các định chế tài chính không mạo hiểm quá đáng, nếu tầm kiểm soát được siết chặt thì sự mất cân bằng không thể tự nó gây ra vụ suy thoái toàn cầu này. Tuy vậy, nếu không có cơn lũ tiền bạc tràn ngập các nước phương Tây thì những công cụ tài chính đầy rủi ro mà IMF lên án chắc gì có cơ hội tăng trưởng và gây ra rủi ro hệ thống như IMF đã nói. Một số nhà kinh tế còn quy trách nhiệm tạo ra “sự mất cân bằng” cho những chính sách mà IMF áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á một thập niên về trước: IMF đã buộc các nước trong khu vực phải thiết lập quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Điều đó cũng có thể giải thích một phần, tại sao Quỹ Tiền tệ quốc tế lại kiên quyết đứng về một phía trong cuộc tranh luận về cội nguồn của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
 

 

( Theo Diễn đàn doanh nghiệp )

Bài thuộc chuyên đề: Khủng hoảng kinh tế - Việc làm - Thất nghiệp

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!