Kinh tế Trung Quốc tháng 12 có những diễn biến khác nhiều so với những tháng trước đó. Những vấn đề "nóng" trước đây như tỷ giá, như tăng trưởng GDP...đã nhường chỗ cho lạm phát và không chỉ lạm phát, tái cơ cấu kinh tế cũng trở thành vấn đề cần có sự xem xét và xử lý nghiêm túc.
Đối với lạm phát, đây không phải là lần đầu nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới gặp phải. Trong hơn 30 năm cải cách và mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã nhiều lần bị lạm phát đe doạ và ở những mức độ khác nhau, Trung Quốc đã xử lý thành công. Có thể nói Trung Quốc đã có "kinh nghiệm" trong lĩnh vực gai góc này.
Với lạm phát ở mức 5,1% hiện nay, Trung Quốc có chỉ số cao nhất trong các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do vậy áp lực do lạm phát cao đối với kinh tế Trung Quốc là không hề nhỏ, nếu xử lý không tốt, kinh tế vĩ mô của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế Trung Quốc đã hiểu và triển khai một loạt biện pháp mang tính chiến lược cũng như cụ thể để bình ổn tình hình.
Về điều hành tiền tệ, Trung Quốc đã chuyển hướng từ "nới lỏng", "linh hoạt" sang "thận trọng", "thắt chặt" nhằm thay đổi phương thức điều hành tiền tệ đã áp dụng ở giai đoạn sau khủng khoảng.
Với định hướng đó, Trung Quốc đã liên tục tăng dự trữ bắt buộc và hiện ở mức 18,5% đối với các ngân hàng thương mại. Trong quản lý tiền tệ, Trung Quốc đã giữ "kỷ lục" khi dự trữ bắt buộc đã tăng 6 lần trong năm 2010.
Đây có phải là giải pháp "chủ yếu" của Trung Quốc trong xử lý lạm phát hay không, hiện chưa có câu trả lời.
Có một điểm khác biệt, điểm riêng có của Trung Quốc, đó là xử lý lạm phát nhưng không tăng lãi suất. Nhiều người cho rằng lượng cung tiền vẫn đảm bảo (khoảng 7.500 tỷ NDT) và ngăn chặn dòng tiền "nóng" từ nước ngoài vào là 2 lý do chủ yếu để Trung Quốc không tăng lãi suất.
Quan điểm này không sai, ở khía cạnh khác lại cho rằng đây là "võ", là chiến thuật của Trung Quốc khi chưa cần thiết phải sử dụng hết các biện pháp mà lạm phát vẫn có thể khống chế được.
Không chỉ có lạm phát, sau khi đạt vị trí thứ 2 sau Mỹ, kinh tế Trung Quốc cũng gặp phải nhiều vấn đề cần phải giải quyết, cần phải xử lý. Đó là kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, bất động sản bị định giá quá cao, đồng NDT phải điều chỉnh về giá trị, đầu tư chiếm tỷ lệ cao so với GDP, chất lượng GDP, ô nhiễm môi trường...
Không những thế, Trung Quốc nhiều khi được mệnh danh là "xưởng gia công" lớn nhất thế giới.
Chính vì những lý do đó, tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc hiện nay trở thành yêu cầu cấp bách, nếu không vị trí thứ 2 thế giới cũng không có nhiều ý nghĩa.
Chuyên gia kinh tế, Giáo sư Xu Xiaonian của trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải cho rằng “Lạm phát chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Vấn đề căn bản nhất mà chúng ta phải giải quyết là cơ cấu. Chúng ta cần mở cửa nhiều hơn, cần những chính sách cải cách. Hãy xem sự độc quyền của nhà nước về giáo dục, y tế, viễn thông và giải trí. Chúng ta cần mở cửa những lĩnh vực này. Chúng ta cần tạo ra thêm nhiều công việc làm và làm cho nền kinh tế có sức canh tân hơn”.
Như vậy, tái cơ cấu là xu thế, là qui luật đối với mọi nền kinh tế khi phát triển đến một "ngưỡng" nhất định. Thông qua tái cơ cấu, các nền kinh tế có thể tự "làm mới", tự "đổi mới" để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế hiện nay.
Với ý nghĩa đó, tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc là cần thiết, là hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com