Trong cuộc hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả sáu tháng cuối năm do viện Nghiên cứu thị trường giá cả, bộ Tài chính tổ chức hôm qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thắng, phó vụ trưởng vụ Thương mại, dịch vụ và giá cả của tổng cục Thống kê nói rằng, dù CPI sáu tháng đầu năm là thấp nhưng những thay đổi của chỉ số này đang phát đi những tín hiệu đáng lo ngại. “CPI đã tăng liên tục trong quý 2 và tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Điều này trái với quy luật tiêu dùng là CPI thường tăng cao trong quý 1 (có tết Nguyên đán), ổn định và giảm dần trong quý 2”, ông Thắng nhận xét. Theo ông Thắng, nguy cơ lạm phát tăng trở lại rõ ràng là có nhưng chưa xảy ra ngay trong năm nay và khó có thể cao hơn một con số.
Trong bài viết gửi tới hội thảo, ông Phan Thanh Hà, phó vụ trưởng vụ Tài chính tiền tệ của bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, hết tháng 6 vừa rồi, lượng tiền cung ứng tăng cao với tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 16%, tín dụng tăng 17%. “Với độ trễ tác động của cung tiền khoảng sáu tháng, nếu không có biện pháp thu hút tiền về trong những tháng sắp tới thì tác động tăng mạnh lạm phát sẽ diễn ra ngay trong năm nay”, ông Hà viết. Ông này còn cho rằng, những điều chỉnh giá được thực hiện trong sáu tháng đầu năm như tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương… sẽ tiếp tục tác động đến giá cả. Ngoài ra, tỷ giá sáu tháng cuối năm khó có thể giữ như mức sáu tháng đầu năm sẽ góp phần làm cho giá nguyên liệu đầu vào (hiện chiếm 60% giá trị nhập khẩu) tăng theo…
Do đó, ngay từ bây giờ, Chính phủ, ngân hàng Nhà nước và các bộ phải có những giải pháp để phòng ngừa. Các khuyến cáo chung là chính sách tiền tệ, tài chính đã tới lúc cần kiểm soát chặt chẽ, thận trọng, ngăn chặn tình trạng đầu cơ tăng giá nhất với các sản phẩm thiết yếu; đẩy mạnh sản xuất gắn với tổ chức lại hệ thống phân phối có hiệu quả...
( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com