Tại Nga, Bộ Nông nghiệp, Bộ Phát triển Kinh tế và Bộ Tài chính đã bắt đầu thảo luận về triển vọng thành lập quỹ lương thực quốc gia với nhiệm vụ thu mua lương thực giá rẻ để bán ra thị trường khi giá tăng. Đây là một trong những biện pháp được coi là hữu hiệu để bình ổn giá. Quỹ lương thực quốc gia sẽ tồn tại bên cạnh các quỹ quốc gia hiện hành.
Theo báo “Kommersant”, hiện các cơ quan hữu quan của Nga đang bàn luận về danh sách các mặt hàng cần được nhà nước thu mua cũng như về nguồn tài chính của quỹ lương thực quốc gia. Khoai tây là một mặt hàng được chú ý vì từ đầu năm 2011 đến nay giá đã tăng 25%.
Hiện tại ngũ cốc từ quỹ quốc gia trong khuôn khổ bình ổn giá được bán ở sàn với giá gần 2.000 rúp/tấn. Theo luật pháp Nga, phần lớn lãi suất từ các hoạt động bình ổn giá của các đại lý nhà nước phải được chuyển vào ngân sách quốc gia. Đây chính là nguồn kinh phí để tạo ra vốn ban đầu của quỹ mới gọi là quỹ lương thực quốc gia. Nếu bán được 2,5 triệu tấn ngũ cốc mà chính phủ đã cấp hạn ngạch tới ngày 1/6/2011 thì nguồn thu này sẽ là 3 – 5 tỷ rúp (gần 30 rúp đổi 1 USD).
Quỹ lương thực cũng sẽ được cấp thêm kinh phí từ ngân sách nhà nước. Nói thêm là việc bán 2,5 triệu tấn ngũ cốc theo giấy phép từ đầu năm 2011 có thể sẽ bị đình lại trong thời gian tới. Vào đầu tháng 2 năm nay Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã yêu cầu ngừng thực hiện quyết định của chính phủ về việc bán ngũ cốc ở sàn. Ông cho rằng cơ chế này không hiệu quả và tạo ra “nguy cơ tham nhũng”.
Khả năng quỹ quốc gia về việc cất giữ số lương thực đã được thu mua cũng bị nghi ngờ. Tờ Kommersant hồi tháng 5/2010 đã viết rằng nước Nga mất cả tỷ rúp mỗi tháng cho việc cất giữ ngũ cốc đã được thu mua trong các năm 2008 – 2009 trong tiến trình bình ổn giá ngũ cốc. Gần 2,5 triệu tấn ngũ cốc không được chứa trong các thùng kín mà được cất giữ sơ sài trong các nhà kho. Thời hạn cất giữ như vậy tối đa là 3 – 4 năm nhưng ngũ cốc không được bán ra vì giá trên thị trường xuống thấp. Ngũ cốc chỉ bắt đầu có giá vào nửa sau của năm 2010 và vào năm 2011, sau khi sản lượng ngũ cốc ở Nga giảm 1/3 do hạn hán.
Theo dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế, chỉ trong 2 tháng đầu của năm 2011 giá cả ở Nga sẽ tăng 3,7%. Tính cả năm thì lạm phát có thể vượt qua dự báo chính thức là 6 – 7%.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com