Việc mở rộng đầu tư quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ khó tránh khỏi những bất cập về chất lượng tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh |
“Bùng nổ đầu tư toàn xã hội đã giúp Việt Nam đạt được những thành quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư quá nhanh trong một thời gian ngắn với những điều kiện của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi với những cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, sẽ khó tránh khỏi những bất cập về chất lượng tăng trưởng”, bà Nguyễn Thị Hải Hà (Viện Khoa học tài chính, Bộ Tài chính) bình luận.
Năm 2009, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh (tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ bằng 30% năm 2008), để sớm đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, Chính phủ đã quyết định tăng đầu tư từ khu vực nhà nước cho đầu tư phát triển, với số tiền lên đến 135.500 tỷ đồng, vượt 22.700 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính tại Hội thảo “Các vấn đề về chính sách tài khoá sau khủng hoảng” vừa được Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/3/2010, thì về cơ bản, chính sách tài khoá rộng mở này đã đáp ứng được các yêu cầu cấp bách của nền kinh tế, nhận được sự đồng thuận của xã hội. Nhưng hệ luỵ của chính sách này cũng không nhỏ trong những năm tiếp theo, do hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước hiện rất thấp. “Việc gia tăng đầu tư từ khu vực nhà nước cộng với năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu còn nhiều hạn chế có thể làm trầm trọng hơn tính kém hiệu quả của nền kinh tế hiện nay”, bà Hà cảnh báo.
“Đánh giá về hiệu quả đầu tư bao giờ cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Để tính toán được hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công là việc không dễ vì nó liên quan, ảnh hưởng và tác động đến rất nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam rất thấp”, ông Nguyễn Đình Tài (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) nhận định và chứng minh, trong 20 nhóm ngành có hệ số giá trị gia tăng thêm/vốn đầu tư cao nhất, thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tới 53,5% tổng vốn đầu tư của mình, trong khi khu vực nhà nước chỉ đầu tư vào khu vực này 43%. Trong khi đó, với 20 nhóm hàng có giá trị gia tăng thêm/vốn đầu tư thấp nhất, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư 1,7% nguồn vốn, thì khu vực nhà nước vẫn đầu tư gần 11% tổng vốn đầu tư. “Hệ quả của việc đầu tư này là chỉ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) của khu vực nhà nước cao gấp hơn 2 lần so với khu vực kinh tế ngoài nhà nước”, ông Tài phân tích.
Từ thực trạng trên, theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2010 và giai đoạn 2011-2015, một mặt việc tăng đầu tư công vẫn phải thực hiện, nhưng quan trọng hơn là phải cơ cấu lại đầu tư nhà nước, tăng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản... Đồng thời, cần rà soát lại các dự án đang thực hiện hoặc trong quy hoạch.
Là một chuyên gia về thị trường - giá cả, ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, quan ngại rằng, chính sách tài khoá nới lỏng trong năm 2009 sẽ tác động mạnh tới việc kiểm soát CPI năm 2010. “Chỉ số giá của những hàng hoá, dịch vụ thiết yếu tăng cao hơn tốc độ tăng CPI chung, nên đã tác động trực tiếp tới thu nhập thực tế và mức sống của đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thấp”, ông Ánh nói.
Để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của chính sách tài khoá nới lỏng đến CPI, theo ông Ánh, trước mắt, cần chấm dứt chính sách này. “Nhất thiết phải cắt giảm các công trình đầu tư khổng lồ có thời gian đầu tư dài với mục tiêu đặt ra là giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực nhà nước so với dự toán”, ông Ánh đề xuất. Còn để bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP tối thiểu 6,5% như mục tiêu đã đề ra, theo ông Ánh, không nhất thiết phải kìm giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 25%, mà có thể nới lỏng lên 30%. “Nhưng vấn đề đặt ra là phải hướng nguồn vốn tín dụng tới những khu vực kinh tế thật sự có hiệu quả trong trung và dài hạn, tránh chạy theo hiệu quả kinh tế ngắn hạn (chứng khoán, bất động sản...) có thể tạo ra sự tăng trưởng bong bóng”, ông Ánh khuyến cáo.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com