Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 14-15/10, các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) thừa nhận kinh tế toàn cầu đang đối diện với những căng thẳng và nguy cơ suy giảm ngày càng lớn.
Trong tuyên bố chung kết thúc cuộc họp Paris, Nhóm G-20 đề cao quyết tâm nhanh chóng giải quyết khủng hoảng, bao gồm: cam kết đảm bảo các ngân hàng được cấp vốn thích đáng để đối phó với các nguy cơ hiện tại; Hoan nghênh biện pháp của châu Âu mở rộng quy mô và tăng tính linh hoạt của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu;
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G-20 cũng gia tăng sức ép buộc châu Âu giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở Khu vực đồng Euro có nguy cơ đẩy thế giới rơi vào thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mới.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Francois Baroin cho biết, Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất trong Khu vực đồng Euro đang thảo luận về một kế hoạch giảm nợ cho Hy Lạp nhằm ngăn chặn nguy nợ công tiếp tục lan sang các nước khác trong khu vực cũng như bảo vệ hệ thống ngân hàng châu Âu trước cuộc khủng hoảng nợ công.
Các bộ trưởng bộ tài chính Nhật Bản và Canada cùng cho rằng để có thể giải quyết được khủng hoảng, tránh đẩy thế giới trở lại thời kỳ suy thoái, châu Âu cần phải hành động tập thể và hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới sẽ là cơ hội cuối cùng để các nhà lãnh đạo kinh tế châu Âu đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ.
G-20 hy vọng Liên minh châu Âu đưa ra một kế hoạch toàn diện vào ngày 23/10 tới, thời điểm sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của khối này, nhằm giải quyết dứt khoát những thách thức hiện nay. G20 cũng tái khẳng định rằng sự biến động quá mức trong tỷ giá hối đoái đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định kinh tế và tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner tỏ ý lạc quan, khi cho rằng những bước đi mới nhất của Liên minh châu Âu cho một chiến lược tổng thể nhằm giải quyết khủng hoảng đang đi đúng hướng, đặc biệt kế hoạch cơ cấu lại hệ thống ngân hàng với sự trợ giúp của Đức và Pháp.
Ngoài ra, các lãnh đạo tài chính G-20 cam kết sẽ đảm bảo cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có đủ nguồn lực cần thiết để góp phần ổn định nền kinh tế thế giới. Cam kết này là một dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể trao cho IMF một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng Euro và nếu cần thiết sẽ tăng nguồn lực cho IMF.
Cho tới nay, IMF đã đóng góp khoảng 1/3 các khoản cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, song để giúp khu vực đồng euro ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ thì IMF cần phải sử dụng nhiều nguồn lực tài chính hơn, ví dụ như để mua các trái phiếu trên thị trường mở, một việc làm vượt ra khỏi vai trò bấy lâu nay của quỹ này là cho vay cứu trợ các nước thiếu tiền mặt.
Cũng tại hội nghị, đề cập đến những thách thức nền kinh tế thế giới, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng các nền kinh tế mới nổi, mà sự tăng trưởng của họ đã góp phần hỗ trợ đáng kể kinh thế thế giới trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, đang bắt đầu bị tác động bởi chính sự yếu kém ở các nền kinh tế phát triển.
Bà Lagarde nhấn mạnh các triển vọng của kinh tế thế giới đã xấu đi trong những tuần qua và sự yếu kém ở những nền kinh tế phát triển "đang bắt đầu tác động đến cả những nền kinh tế mới nổi". Trước đó, trong báo cáo Tổng quan về kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương được công bố hôm 13/10, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á, xuống còn 6,3% trong năm nay và 6,7% vào năm tới.
Theo giải thích của IMF, "các nền kinh tế trong vùng châu Á - Thái Bình Dương có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhưng các rủi ro xuất phát từ sự suy yếu của kinh tế thế giới đã gia tăng đáng kể". Việc hạ mức dự báo tăng trưởng là do xuất khẩu của các nước trong khu vực sang các nền kinh tế phát triển có thể bị suy giảm.
Tại G-20, Tổng giám đốc IMF cho rằng, điều sống còn là IMF phải có những nguồn lực "đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các thành viên" trong việc đối phó khủng hoảng. Theo bà, tại hội nghị thượng đỉnh G-20 dự kiến diễn ra vào ngày 3-4/11, IMF sẽ đệ trình một "đề xuất cụ thể" về "những công cụ phòng ngừa ngắn hạn và linh hoạt hơn nhằm giúp đỡ các nước có tình hình kinh tế tốt nhưng trở thành nạn nhân của khủng khoảng".
Trên thực tế, những nỗ lực của thế giới nhằm cứu cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu dường như chưa có hiệu quả. Ngoài con nợ Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, Tây Ban Nha vẫn đang là nỗi lo lớn của Eurozone khi nước này ngày 13/10 bị cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's hạ điểm mức tín nhiệm từ AA xuống AA- do mức tăng trưởng bấp bệnh, môi trường tài chính khó khăn...
Bên cạnh đó, cơ quan đánh giá xếp hạng Fitch đã đặt 12 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu vào "tầm ngắm" cho khả năng hạ mức xếp hạng. Trong số 12 ngân hàng trên có Barclays Bank, BNP Paribas, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Societe Generale - những ngân hàng thuộc loại lớn nhất thế giới.
Việc Fitch đặt các ngân hàng này trước triển vọng tiêu cực là do mô hình kinh doanh và cơ cấu hoạt động của họ đặc biệt nhạy cảm trước những thách thức ngày càng lớn mà các thị trường tài chính đang đối mặt. Điều đó cũng xuất phát từ lo ngại những rủi ro trên các thị trường hiện nay giống với gì các ngân hàng và hệ thống tài chính toàn cầu đã trải qua trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Những điều này dường như cho thấy, những đánh giá phân tích của giới hoạch định chính sách kinh tế thế giới xung quanh nguyên nhân gây ra khủng hoảng và từ đó nêu ra các giải pháp cứu vãn vẫn chưa sát thực tế. Theo bình luận của tờ Le Echos (Pháp), nguyên nhân của hàng loạt các cuộc khủng hoảng trên thế giới chính là thiếu sót trong quản lí của chính phủ các nước phương Tây.
Báo này cho rằng, từ năm 2008, khởi đầu cho những cuộc khủng hoảng là vấn đề chính trị. Khi những vấn đề chính trị không được giải quyết và tồn tại một thời gian dài, những vấn đề khó khăn cho nền kinh tế sẽ bung nở và kéo theo những cuộc khủng hoảng khác, khiến cho tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Ở một góc nhìn khác, theo các chuyên gia xã hội, phong trào biểu tình "Chiếm Phố Wall" gần đây xuất phát từ những bức xúc của người dân, nhưng cũng cho thấy cách giải quyết khủng hoảng chưa thỏa đáng của chính phủ các nước là một yếu tố khác đẩy kinh tế tới khủng hoảng và gây ra những bất ổn về mặt xã hội.
Hôm 15/10 vừa qua, phong trào "Chiếm Phố Wall" đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới với các cuộc tuần hành diễn ra tại nhiều thành phố như London (Anh), Frankfurt (Đức), Rome (Italy), Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản)... Mặc dù ở mỗi nơi, cuộc biểu tình có tên gọi khác nhau nhưng đều hưởng ứng chung một thông điệp từ phong trào "Chiếm Phố Wall".
Những người biểu tình đã giơ cao biểu ngữ ghi "Chúng ta thuộc 99%", nhằm ám chỉ rằng hiện tại 99% người lao động phải làm việc để phục vụ cho 1% số người giàu nhất trên thế giới. Những biểu ngữ khác cũng thường thấy trong các hoạt động tương tự là "Chấm dứt tài trợ cho giới ngân hàng", "Phản đối cắt giảm ngân sách", "Không lo đủ ăn cho người nghèo, nhưng lại nuôi chiến tranh".
Như vậy, khoảng cách giàu nghèo, thu nhập, chi phí chiến tranh, kế hoạch thắt lưng buộc bụng, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng làm ăn thua lỗ... đều đang là những bức xúc lớn của người dân trong xã hội, và trong số này có không ít vấn đề đang được nhiều chính phủ coi là biện pháp quan trọng để giải trừ nguy cơ khủng hoảng.
Theo VnEconomy
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com