Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Maritime Bank: “Nới áo” để phát triển

Hàng chục chi nhánh được đưa vào hoạt động trong nửa tháng (không tính các phòng giao dịch), mạng lưới hoạt động tăng thêm gần 50% trong vòng một năm... là điều mà Maritime Bank (Ngân hàng TMCP Hàng Hải VN) đang làm và gây chú ý không ít cho giới tài chính – ngân hàng. Phóng viên Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Xuân Quảng - Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, Giám đốc khối quản lý Chiến lược ngân hàng này.

- Với một lượng chi nhánh, phòng giao dịch mới rất lớn của Maritime Bank trong năm vừa qua, chắc chắn ngân hàng đã phải đầu tư đáng kể và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới con số lợi nhuận. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi các ngân hàng khó mà đạt chỉ tiêu về lợi nhuận, Maritime Bank có chịu sức ép tương tự, thưa ông?

Chi phí cho phát triển mạng lưới là đầu tư lâu dài, vì vậy không thể vì lợi nhuận trước mắt mà cắt giảm. Mặc dù vậy, Maritime Bank vẫn cân đối để có thể vừa vận hành theo đúng lộ trình vừa phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra. Năm nay, mặc dù ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung, chúng tôi vẫn tự tin sẽ đạt con số lợi nhuận trên 1.000 tỉ đồng.

- Vậy tại sao Maritime Bank lại chọn thời điểm cuối năm, khi sức ép lợi nhuận là lớn nhất đối với các ngân hàng?

Việc đưa một chi nhánh, phòng giao dịch vào hoạt động đều cần có một quá trình chuẩn bị. Tới thời điểm chín muồi, các công tác tiền trạm đã chu đáo thì khai trương. Tôi nghĩ rằng, đối với DN, khi cơ hội tới thì cần nắm bắt chứ không phải là chờ đợi.

- Đã có những bài báo đăng về việc Maritime Bank “khai trương khủng” và đặt ra nghi vấn: Maritime Bank chơi trội; Maritime Bank chạy đua... Ông bình luận gì về những nhận định này?

Tốc độ phát triển của Maritime Bank đòi hỏi cần phải mở rộng mạng lưới để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Tôi cũng đã từng trả lời phóng viên về những vấn đề này. Tôi xin khẳng định lại: việc khai trương chi nhánh, phòng giao dịch của Maritime Bank đều có kế hoạch từ trước, không có ý định chạy đua hay chơi trội gì. Mục đích tối thượng của việc mở rộng mạng lưới chính là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng cả nước. Tuy nhiên, nếu vì những sự kiện này mà ngân hàng “nổi” hơn, chẳng phải đó cũng là một hiệu ứng tốt hay sao?

- Trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc Maritime Bank không ngừng mở rộng mạng lưới liệu có phải là quá ôm đồm, thưa ông?

Thực ra, mỗi ngân hàng không phải cứ nói mở rộng là mở rộng. Ai cũng biết để làm được điều đó cần được Ngân hàng nhà nước cấp phép. Hiện nay, quy định của Ngân hàng nhà nước đối với việc này rất chặt chẽ. Vì vậy, khi mở chi nhánh mới, Maritime Bank cũng đồng thời cam kết với khách hàng về việc đủ khả năng và tiềm lực đáp ứng các giao dịch tài chính của khách hàng.

Bên cạnh những yếu tố lượng hóa, công thức hóa như thế, Maritime Bank cũng tự lượng sức và đánh giá quy mô cần thiết cho hoạt động của ngân hàng tại từng thời điểm để đảm bảo nếu đã mở là phải làm ăn hiệu quả. Một cái áo quá rộng hay quá chật đối với một cơ thể đang lớn lên đều không phù hợp. Hiện tại, tốc độ phát triển của Maritime Bank đòi hỏi cần phải mở rộng mạng lưới để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

- Ông có thể cho biết kế hoạch sắp tới của Maritime Bank trong công tác phát triển mạng lưới?

Hiện tại, Maritime Bank vẫn tiếp tục có kế hoạch tăng thêm các điểm giao dịch. Cụ thể là tới cuối năm 2013, dự kiến mạng lưới Maritime Bank sẽ phủ kín các tỉnh thành trên toàn quốc với khoảng 400 điểm. Chúng tôi cũng sẽ không dừng chân ở phạm vi trong nước mà còn hướng ra thị trường bên ngoài, trước mắt là trong khu vực. Trong thời gian sắp tới, Maritime Bank Lào và Maritime Bank Campuchia sẽ sớm đi vào hoạt động.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!