Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

3 nguy cơ cần đề phòng khi nới lỏng chính sách tiền tệ

Nếu như hồi đầu năm chính sách tiền tệ được thắt chặt nhanh bao nhiêu thì tới giai đoạn cuối năm lại được nới lỏng bấy nhiêu. Bên cạnh những mặt tích cực là những nguy cơ cần nhận diện và ứng phó từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia xoay quanh nội dung này.

- Trong gần 2 tháng qua, NHNN liên tiếp đưa ra các quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng nhiều DN ngân hàng dường như không còn hào hứng và cho rằng việc này đang gây áp lực đối với họ? Ông nhận xét về vấn đề này thế nào?

Giảm lãi suất cơ bản, giảm tỷ lệ dự trữ, giảm lãi suất tín phiếu bắt buộc nằm trong gói giải pháp của Chính phủ kích cầu đầu tư tiêu dùng, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng, tái cơ cấu kinh doanh, duy trì việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, giảm lãi suất với cường độ lớn và liên tục trong một thời gian ngắn cũng tạo những áp lực về tài chính lớn cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Những khó khăn đó chủ yếu là chênh lệch kỳ hạn giữa tiền gửi và cho vay lệch pha nhau, có lợi cho người gửi tiền, bất lợi cho ngân hàng.

Ngoài ra, bất cứ việc nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng dễ dẫn đến ba nguy cơ cần đề phòng: lạm phát có thể gia tăng, thâm hụt thương mại cũng có dấu hiệu tăng nhanh và nợ xấu của NHTM tăng.

Điều này đồng nghĩa với việc các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn và kết quả tài chính có thể bị giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh thì các NHTM cũng phải chia sẻ những khó khăn cùng với DN. Nguy cơ về kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ, Ủy ban giám sát tài chính và NHNN tính đến và phân tích chặt chẽ, để có giải pháp khắc phục những hạn chế của chính sách nới lỏng tiền tệ.

-Ông vừa nói tới ba nguy cơ cần đề phòng từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Vậy mức độ nguy hiểm của của ba nguy cơ sẽ như thế nào, thưa ông?

Mối lo ngại về lạm phát sẽ tăng trở lại là không lớn, lý do là giá cả vật tư nguyên liệu  đang giảm rất mạnh, vì vậy lạm phát chi phí đẩy chưa phải là mối lo lớn đối với kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cầu tiêu dùng nội địa đang rất yếu, cộng với cầu hàng Việt Nam xuất khẩu cũng đang giảm mạnh khiến cho nguy cơ về lạm phát cầu kéo cũng khá nhỏ.

Đối với việc tăng thâm hụt thương mại năm 2009, theo dự kiến cũng không lớn. Lý do là nếu tăng trưởng GDP ở mức 6% thì tỷ lệ đầu tư/GDP cũng chỉ ở mức 35 - 36%. Nếu tỷ lệ tiết kiệm nội địa duy trì ở mức 30%/GDP thì thâm hụt cán cân vãng lai dự tính sẽ vào khoảng 6% GDP. Tỷ lệ này sẽ thấp hơn năm 2008 (10%).

Nguy cơ nợ xấu ngân hàng có thể là một vấn đề trong trung hạn. Vì vậy, Chính phủ, NHNN và các NHTM cần có kế hoạch để tái cơ cấu nợ trong thời gian tới. Theo dự báo của NHNN, nợ xấu trong năm 2008 vào khoảng 4%/tổng dư nợ toàn hệ thống (khoảng 56.000 tỷ đồng). Cũng theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu  năm 2009 có thể tăng ở mức gần 5% (vẫn thấp hơn mức dự kiến trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2006 - 2010 là 5%). Điều đó cho thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương và các NHTM. Với khoản trích lập dự phòng rủi ro hiện nay của các NHTM và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới, có thể bù đắp được khoảng 60 -70% nợ xấu nói trên. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu ở từng ngân hàng có khác nhau, một số ngân hàng nhỏ tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn mức bình quân. Vì vậy, các ngân hàng này cần được giám sát cẩn trọng cả về thanh khoản lẫn chất lượng tài sản.

Một câu hỏi đặt ra là cầu tiêu dùng rất yếu, DN gặp khó khăn lớn về tiêu thụ hàng hóa thì việc nới lỏng tiền tệ liệu có đạt được kết quả mong muốn? Đúng là tiêu thụ hàng hóa của DN đang gặp nhiều khó khăn do cầu nội địa và quốc tế yếu. Vì vậy việc nới lỏng tiền tệ cần phải được phối hợp đồng bộ với các biện pháp kích cầu khác từ chính sách tài khóa. Ví dụ, giãn, giảm thuế, tăng lương, tăng trợ cấp an sinh xã hội, tăng đầu tư công cho việc xây dựng chính sách hạ tầng, bệnh viện, trường học, thủy lợi, điện lực và nhà ở giá rẻ.

Đồng thời, ngân sách cũng phải có biện pháp tài trợ cho các DN sử dụng nhiều lao động, nhiều vật tư nguyên liệu nội địa, nhằm tạo ra một nền tảng thu nhập cao hơn để tiêu thụ hàng hóa do DN trong nước sản xuất. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng có tác dụng làm giảm chi phí vốn cho hàng hóa. Biện pháp này nếu kết hợp tốt với chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách thuế có thể tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn cho hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, nới lỏng chính sách tiền tệ cũng là cơ hội tốt cho DNNVV đầu tư chiều sâu kỹ thuật và công nghệ với giá đang rất rẻ trên thị trường thế giới, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn để chuẩn bị cho chu kỳ cạnh tranh mới sau khủng hoảng tài chính.

- Từ  góc độ của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông nhìn nhận vấn đề điều hành chính sách tỷ giá hiện nay như thế nào?

Về chính sách tỷ giá hối đoái, đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm, nhất là trong điều kiện nền kinh tế bị đô la hóa, dân chúng có thể chuyển tài khoản từ loại tiền tệ này sang tiền tệ khác, gây bất lợi cho phân bổ nguồn lực, thậm chí có thể tạo ra tâm lý cất trữ ngoại tệ một cách kém hiệu quả. Việc điều chỉnh cần cân nhắc thận trọng và mức độ hợp lý có tính đến sự biến động của USD với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế, cũng như tỷ trọng của cán cân thanh toán quốc tế và nợ ngoại tệ của DN trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nợ nước ngoài, thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở tăng xuất khẩu. Do đó điểm mấu chốt là tỷ giá hối đoái phải có tác dụng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn cho hàng xuất khẩu. Vì thế, mức điều chỉnh tốc độ giảm giá tiền đồng tối đa chỉ nên ở mức 5 - 6% đến cuối năm 2009 (năm 2008 chỉ là 5%).

- Xin cảm ơn ông!

 

 

(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • 2008 - năm đen tối nhất của Phố Wall
  • Kích cầu vào đâu để đạt hiệu quả?
  • Chuyển hướng FDI
  • Hứa hẹn đột phá trong đầu tư
  • NHTM: Muốn mở "van" cũng khó
  • FDI toàn cầu sẽ giảm mạnh trong năm 2009
  • Chất xám tài chính Mỹ chảy sang Trung Quốc
  • Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!