Vùng hoàn lưu của "cơn bão" tài chính thế giới đã chạm tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Có tới 73% trong tổng số 254 doanh nghiệp (DN) tham gia cuộc khảo sát của Diễn đàn DN Việt Nam cho rằng, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động lên hoạt động của họ. Không những thế, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2008 cũng được các DN đánh giá là kém thuận lợi hơn so với các năm trước.
Điều này đã tăng thêm áp lực cho các DN trong khi những biến động bất lợi của nền kinh tế trong nước tiếp tục khiến nhiều DN gặp khó khăn. Có thể điều này lý giải vì sao có tới 30% DN đánh giá môi trường kinh doanh hiện tại là kém, so với 5,3% của năm 2007. Có khoảng 22% DN quyết định giữ nguyên quy mô hoạt động trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, thách thức hiện tại không đủ để ngăn cản những tầm nhìn lạc quan hơn về môi trường kinh doanh Việt Nam trong thời gian tới. Theo thống kê của Diễn đàn DN Việt Nam, cả DN trong nước lẫn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều kỳ vọng vào sự cải thiện của kinh tế Việt Nam vào năm 2009 và sự trở lại mức hấp dẫn như năm 2007 vào năm 2010. Sự lạc quan này cho phép 78% DN có kế hoạch mở rộng hoạt động - kinh doanh trong vòng 3 năm tới. Có nghĩa là, các DN vẫn tiếp tục tin tưỏng vào triển vọng kinh tế thuận lợi, hiệu quả tích cực của chính sách mở cửa thị trường và sự tăng trưởng của thị trường trong nước như hai năm trước đây.
Gần một nửa DN, đã ghi nhận sự tiến bộ trong thủ tục hành chính và gia nhập thị trường ở mức cao nhất. Nỗ lực cải cách không ngừng của Chính phủ trong lĩnh vực này, nhất là việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong việc thành lập DN thông qua cơ chế một cửa trong khâu đăng ký kinh doanh đã phát huy hiệu quả thực tiễn.
Đặc biệt, "khối ngoại" đã cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong đối xử bình đẳng hơn giữa doanh nghiêp trong nước và DN FDI thông qua những cải tiến hệ thống luật lệ kinh doanh phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Giới phân tích cho rằng, đây là kết quả tác động trực tiếp của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đem lại.
Nổi bật nhất trong những chỉ số được sử dụng để đánh giá môi trường kinh doanh năm 2008, chỉ số tiếp cận thông tin đã đạt điểm tốt nhất, 2,45 trên 4 điểm (theo cách tính 1 là rất kém, 4 là rất tốt). Cho dù trong bất cứ một cuộc khảo sát hoặc hội thảo lấy ý kiến DN nào, kiến nghị về cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng luôn được các DN đặt lên hàng đầu, song có vẻ như các DN đã khá hài lòng với cách ứng xử về thông tin từ phía các cơ quan chính phủ trong năm nay.
Tuy vậy, nhìn vào 5 lĩnh vực bị đánh giá kém nhất, cũng là các lĩnh vực được kiến nghị cần cải thiện mạnh hơn, nếu Việt Nam muốn duy trì tính cạnh tranh của mình, tính hiệu quả và nỗ lực cải cách của Chính phủ vẫn chưa đủ. Cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hệ thống toà án và nguồn lao động có tay nghề chuyên môn cao tiếp tục ở các vị trí cảnh báo của môi trường kinh doanh Việt Nam. Tình trạng ách tắc cảng biển, đường bộ, việc thiếu hụt điện năng nặng nề dẫn đến cắt điện liên miên... đã kéo chi phí kinh doanh của nhiều DN ra ngoài tầm kiểm soát.
Hơn thế, các cơ chế thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng vẫn chưa đạt được sự hấp dẫn đủ mạnh. Dự án BOT trong lĩnh vực điện năng được cấp phép đầu tư gần nhất là Dự án Điện Phú Mỹ 3 vào năm 2001. Trong khi đó, các dự án đầu tư xây dựng cảng lại quá dày đặc và đặc biệt là chồng lấn, nhiều công trình không đủ điều kiện để khai thác hết công suất.
Trong số 266 cảng của Việt Nam, hiện chưa có cảng nào đủ sức tiếp nhận tàu 5 vạn tấn ra vào. Cảng Cái Lân dù được thiết kế đón tàu 5 vạn tấn, nhưng do luồng ra vào quá cạn, nên chỉ nhận được tàu dưới 3 vạn tấn. Trong khi đó, cảng trong khu vực đã có thể tiếp nhận tàu hơn chục vạn tấn. Sức cạnh tranh được nhìn thấy rõ là yếu.
Đặc biệt, DN trong nước đánh giá rất kém chỉ số về nguồn cung lao động có tay nghề, thấp hơn so với cách nhìn nhận của DN FDI. Những khó khăn hiện tại buộc DN phải cơ cấu lại tổ chức, bộ máy của mình. Và trong bối cảnh này, DN trong nước có vẻ tụt hậu hơn trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao. Và điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài tới năng lực cạnh tranh của DN trong nước, đặc biệt là DN quy mô nhỏ và vừa.
(Theo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com