Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng 5% người dân thành phố có khả năng mua các bất động sản cao cấp. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh lại "chen chân" vào phục vụ đối tượng ít ỏi này. Năm 2010, dự kiến sẽ có đến 40% trong tổng số khoảng 30.000 căn hộ được chào bán là căn hộ cao cấp. Vì vậy, cơ hội có được một mái nhà để "an cư lạc nghiệp" cho những người có thu nhập thấp là rất ít.
|
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. |
Đau đầu bài toán "an cư"
Một chiều đầu tháng tư, tôi cùng chị Nguyễn Thị Bảy - công nhân KCN Vĩnh Lộc B đi tìm mua đất để xây nhà. Chị cho biết: Tổng lương chung của hai vợ chồng khoảng 6 triệu đồng/tháng. Năm năm, "không ốm đau bệnh tật, chưa sinh con" dành dụm được trên 100 triệu đồng, họ quyết định kiếm chỗ an cư. Được người quen mách bảo, chúng tôi tìm đến đường Ao Đôi, đường Nguyễn Thị Tú, quận Bình Tân. Ở đây, tôi thật sự "choáng" với bảng giá đất rẻ "bất ngờ". Những nền đất 4mx10m, 4mx15m, 5mx15m… giá chỉ có khoảng 50 triệu đồng - 100 triệu đồng/nền, được rao bán suốt dọc tuyến đường. Tại Công ty TNHH Bất động sản Tâm Nhân Phát, một thanh niên tên Quyết giới thiệu với khách rất nhiều khu đất "Công ty mua, sau đó phân nhỏ ra bán cho khách hàng(?)". Rồi anh thuyết phục chúng tôi đi xem đất.
Đúng là khu đất khá đẹp, rộng khoảng 4.000m2, nằm ở ấp 3 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, cách mặt đường chính khoảng 300m, chỉ có điều còn đầy… gốc lúa. Đưa cho chúng tôi xem văn bản xác nhận tình trạng "chưa bị quy hoạch" của khu đất do Phòng TN-MT huyện gửi, Quyết giải thích: "Đất không bị quy hoạch, công ty mới dám mua về chia lô rồi bán cho khách hàng. Mỗi lô 4mx15m, giá 120 triệu đồng. Chị cứ mua đất, xây nhà rồi làm giấy tờ. Tụi tôi bao luôn từ A-Z. Công ty có đăng ký kinh doanh đàng hoàng mà". Thành phố đã không phân lô đất cho hộ lẻ từ lâu, chẳng hiểu sao Công ty Tâm Nhân Phát vẫn chào bán? Chị Bảy ra về với tâm trạng rối bời, bởi chị cũng không có nhiều lựa chọn...
Bi kịch thừa, thiếu
Trong khi một bộ phận lớn người dân không có chỗ ở, thì tình trạng dư thừa xảy ra ở hầu hết khu dân cư cao cấp, nhiều căn hộ chung cư vẫn đóng cửa im ỉm. "Có thể chúng đã có chủ nhưng chủ của chúng chưa có nhu cầu ở" - một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận xét. Tại sao có tình trạng này? Các chuyên gia về bất động sản cho rằng, thời gian đầu tư cho một dự án địa ốc thường kéo dài 3-5 năm, thậm chí hơn. Khâu khó khăn nhất là đền bù. Luật và nhiều quy định khác đều có nói đến việc nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác này khi doanh nghiệp đã đền bù được khoảng 80% diện tích. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ. Trong kinh doanh bất động sản, cần vốn lớn thì việc phải kéo dài thời gian cũng đồng nghĩa là tốn thêm chi phí và đội giá thành.
TP Hồ Chí Minh chưa phủ kín quy hoạch, thậm chí nhiều quy hoạch ngành còn chưa được tích hợp vào quy hoạch. Do vậy, tìm được đầy đủ thông tin để làm quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án của mình, đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không đơn giản. Cách đây hơn 2 năm, khi thị trường bất động sản sôi động, thống kê của Sở QH-KT cho thấy, chỉ có khoảng 2% câu hỏi về quy hoạch của người dân và doanh nghiệp được sở trả lời đúng hẹn(!?). Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến, đó là đầu tư tích trữ địa ốc vẫn là một hướng đầu tư… an toàn nhất đối với đa số người dân, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán và thị trường vàng, ngoại tệ biến động khó lường.
Thời gian gần đây, Chính phủ và lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã nhìn thấy bất cập này và đang có những quyết sách mạnh mẽ cho việc xây nhà cho đối tượng thu nhập thấp. Các kho bãi sử dụng không hiệu quả đang được thu hồi để đưa vào chương trình. Thành phố cũng đang triển khai nhiều cơ chế tài chính, hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà… Những động thái này là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực nêu trên, Chính phủ và lãnh đạo thành phố cần tiến hành cải cách thủ tục đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Dự án nhanh chóng được triển khai cũng là một cách làm giảm giá thành xây dựng nhà cho phù hợp hơn với sức mua của người thu nhập thấp.