Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

4 tác động khiến tỷ giá USD/VND giảm

Từ giữa tháng 3 đến nay, trạng thái ngoại tệ của hệ thống tổ chức tín dụng liên tục dương và trong hầu hết các ngày số ngoại tệ mua được lớn hơn số ngoại tệ bán ra.

Diễn biến tỷ giá USD/VND trong ngày hôm nay (7/4) có từ 4 tác động chính với sự cộng hưởng của các chính sách điều hành.

Sáng nay (7/4), trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng tiếp tục giữ nguyên ở mức 18.544 VND, giá USD mua vào và bán ra của các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm khá mạnh.

Giá USD bán ra giảm 20 VND so với mức 19.100 VND duy trì suốt từ tháng 2/2010 đến nay, còn 19.090 VND; một số trường hợp giảm xuống chỉ còn 19.070 VND (như tại Eximbank). Đặc biệt, giá USD mua vào giảm mạnh 50 VND so với hôm qua, chỉ còn 19.020 VND.

Diễn biến trên là hiện tượng ít thấy trong suốt những năm gần đây, khi tỷ giá USD/VND thường chỉ có tăng chứ không có giảm. Đó cũng là biến động mạnh nhất kể từ thời điểm ngày 11/2/2010 đến nay, khi Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tỷ giá liên ngân hàng thêm khoảng 3%, lên mức 18.544 VND và cố định cho đến nay.

Còn quá sớm để nói về xu hướng giảm của tỷ giá, nhưng diễn biến trên có thể nhìn nhận ở kết quả của loạt chính sách điều hành của cơ quan quản lý triển khai từ cuối năm 2009. Theo đó, có thể xác định 4 tác động chính của hiện tượng trên.

Thứ nhất, ngày 30/12/2009, với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành thông tư hướng dẫn việc các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng. Việc bán lại được thực hiện khá nhanh sau đó và tạo một nguồn cung đáng kể, hỗ trợ các ngân hàng cải thiện trạng thái ngoại tệ vốn căng thẳng trước đó.

Thứ hai, chỉ hơn nửa tháng sau đó, ngày 18/1/2010, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 74/QĐ-NHNN giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng đã làm tăng nguồn vốn khoảng 500 triệu USD (9.000 tỷ đồng) cho các ngân hàng thương mại để cho vay trên thị trường.

Thứ ba, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư số  03/2010/TT-NHNN, quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng là 1%/năm. Đây được xem là một “cú hích” mạnh khi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tổ chức kinh tế có tiền gửi bằng USD, khi lãi suất trước đó được hưởng có từ 4% - 4,5%/năm. Quy định này được bình luận là đặt các tổ chức đó vào thế “tự xử”, phải tính toán lợi ích và xem xét bán lại ngoại tệ, chuyển sang VND để có lãi suất tiền gửi cao hơn. Khớp với chính sách này, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng giá USD mua vào để thu hút nguồn ngoại tệ tiềm năng này.

Thứ tư, chênh lệch lãi suất vay vốn bằng VND và USD lớn khiến các doanh nghiệp cân nhắc và dịch chuyển sang vay USD. Lãi suất vay VND tăng cao đầu năm 2010, lên từ 15% - 17%, thậm chí 18%/năm…, trong khi lãi suất vay USD chỉ khoảng 6% - 9%/năm. Chênh lệch này khiến một bộ phận doanh nghiệp chọn “đường vòng” vay USD rồi bán lại lấy vốn VND, tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Ngoài chênh lệch lãi suất lớn, lựa chọn này được hỗ trợ bởi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định, hoặc rủi ro biến động không quá lớn trong kỳ vay vốn. Thực tế, tỷ giá USD/VND gần như cố định kể từ tháng 2 đến nay.

Thêm vào đó, ngày 15/12/2009, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 25/2009/TT-NHNN mở rộng đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, đặc biệt là các đối tượng xuất khẩu.

Tác động này được dẫn chứng ở tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng đột biến tới 14,07% trong quý 1/2010, trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm 2,24%.

Những tác động chính trên tạo sự cộng hưởng từ loạt chính sách điều hành với diễn biến thực tế thị trường. Và thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi thông điệp thị trường ngoại hối có chuyển biến tích cực.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Các doanh nghiệp đã bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng thương mại, tính thanh khoản của thị trường được cải thiện rõ rệt, nhu cầu mua ngoại tệ được đáp ứng đủ. Từ giữa tháng 3 đến nay, trạng thái ngoại tệ của hệ thống tổ chức tín dụng liên tục dương và trong hầu hết các ngày số ngoại tệ mua được lớn hơn số ngoại tệ bán ra”.

(Theo Minh Đức // Vneconomy)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Đổ xô quyết toán thuế TNCN
  • Va chạm thương mại tiền tệ Mỹ – Trung ai thiệt hơn ai?
  • Ngân hàng chạy đua tăng vốn - Doanh nghiệp, người tiêu dùng kêu gào vì lãi suất quá cao
  • Có thể “thở phào” với giá vàng, USD?
  • Quản lý ngoại hối: Hướng tới hài hòa
  • Cẩn trọng khi chuyển kênh đầu tư
  • Lãi suất cao, doanh nghiệp và ngân hàng cùng gặp khó
  • Đầu ra tín dụng nền kinh tế tăng rất thấp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!