Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bao giờ có chiến lược vàng?

Đã có nhiều lý do được nêu ra đề cập về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn thế giới. Nhưng điều dư luận chờ đợi là chiến lược cho thị trường vàng thì lại chưa thấy xuất hiện.

Đã bớt “nóng”, nhưng giá vàng trong nước vẫn tiếp tục cao hơn giá quốc tế trên 2 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch này dường như không thể rút ngắn suốt cả năm qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố mức chấp nhận được của giá vàng nội cao hơn vàng ngoại là 400.000 đồng/lượng.

Đã có nhiều lý do được nêu ra, nhiều giải thích được đề cập về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Nhưng điều dư luận chờ đợi là chiến lược cho thị trường vàng thì lại chưa thấy xuất hiện.

Trước hết phải nhìn nhận một cách công khai để quản lý và kiểm soát thị trường vàng, không thể áp dụng mãi những giải pháp mang tính đối phó, hở chỗ nào vá chỗ ấy, kiểu liên tục gia hạn thời gian chấm dứt huy động vốn bằng vàng (phát hành chứng chỉ vàng) của ngân hàng thương mại. Quản lý vàng cần chuyển từ giải pháp ngắn hạn sang tầm nhìn dài hạn với một chiến lược lâu dài, xuyên suốt, có tính hệ thống.

Những bất ổn của thị trường vàng có nguy cơ ngày càng chồng chất, khó tháo gỡ bởi các bất cân xứng về huy động - cho vay vàng cả về khối lượng lẫn kỳ hạn; về mối quan hệ chặt chẽ giữa vàng - tiền đồng - ngoại tệ; về sự thông nhau giữa các kênh đầu tư và sự đầu cơ.

Cụ thể, ngày 25-11 tới đây các ngân hàng phải dừng huy động vốn bằng vàng. Người dân sở hữu vàng và có nhu cầu tiếp tục sở hữu sẽ gửi vàng ở đâu? Các tổ chức tín dụng cho biết họ sẽ cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng cho dân và dân phải trả phí. Liệu người dân có chấp nhận trả phí để được gửi vàng? Có lẽ nhiều người sẽ phải cân nhắc khi trả một khoản phí như vậy.

Do đó việc dừng huy động vàng trong dân phải xảy ra cùng một lúc với việc giao cho các ngân hàng huy động vàng hộ Nhà nước. Vàng của dân là một nguồn lực, một nội lực mạnh cần được phát huy, sử dụng đúng nơi, đúng lúc. Bây giờ sẽ không thích hợp nếu còn tranh luận có nên huy động vàng trong dân, mà cần tìm được lời giải đáp huy động vàng như thế nào, ai huy động, sử dụng ra sao?

Vừa qua và cả hiện nay, không chỉ đối tượng huy động vàng “nhấp nhổm”, cứ gần đến các thời điểm giới hạn lại nâng lãi suất tiết kiệm bằng vàng, mà cả người có vàng cũng không an tâm. Vì sao NHNN không sớm công bố chính sách huy động vàng trong dân? Đề án huy động vàng trong dân đã được soạn thảo xong như lời một quan chức cơ quan quản lý, và đang lấy ý kiến đóng góp, tại sao không được công khai? Trong trường hợp chưa thể công bố chính sách một cách chính thức, thị trường cũng rất cần những thông báo có tính định hướng như dự thảo đề án, dự thảo quy định…

Nhìn lại, những bất ổn của thị trường vàng có nguy cơ ngày càng chồng chất, khó tháo gỡ bởi các bất cân xứng về huy động - cho vay vàng cả về khối lượng lẫn kỳ hạn; về mối quan hệ chặt chẽ giữa vàng - tiền đồng - ngoại tệ; về sự thông nhau giữa các kênh đầu tư và sự đầu cơ. Gói nới lỏng định lượng thứ ba và cam kết giữ lãi suất đô la ở mức thấp đến tận năm 2015 của Mỹ làm giá vàng thế giới biến động và ngay lập tức tác động đến giá vàng nội địa.

Tính đầu cơ của thị trường bị đẩy lên mà bằng chứng rõ nhất là người ta sẵn sàng chấp nhận giá vàng nội cao hơn giá vàng ngoại 3 triệu đồng/lượng. Trong hoàn cảnh đó, những ngân hàng có trạng thái vàng âm trở nên bối rối. Khi một số khách hàng rút vàng ra bán, chốt lời, thì ngân hàng phải bù đắp thiếu hụt bằng hai cách: bằng vàng và bằng tiền đồng, ngoại tệ. Lãi suất huy động vàng đã tăng, lãi suất tiết kiệm ngoại tệ không thể tăng hơn vì đã kịch trần, chỉ còn cách tăng lãi suất tiền đồng kỳ hạn trên 12 tháng.

Huy động tiền đồng để bù đắp thanh khoản vàng không phải không có rủi ro. Tín dụng đang yếu, lãi suất đầu ra không thể nâng lên, giá thành đầu vào tăng, ngân hàng có thể bị lỗ. Nhưng họ bắt buộc phải chịu. Trong trường hợp bất đắc dĩ, họ phải chuyển tiền đồng thành vàng, tức ra ngoài thị trường mua, để có nguồn trả cho người gửi vàng đến hạn và người rút trước hạn. Trời lạnh, không có áo bông, cũng phải có áo len để chống rét.

Để cắt đứt nguồn gốc các “cơn sốt” vàng, cân đối cung cầu thị trường, nên phân loại các nhu cầu và chia cắt chúng để giải quyết. Nhu cầu vàng không chỉ từ người dân, mà còn từ ngân hàng, doanh nghiệp.

Đã không dưới một lần nhu cầu của ngân hàng còn cao hơn của dân cư. Cơ quan quản lý có thể nắm chính xác nhu cầu vàng của từng ngân hàng dựa trên cơ sở số lượng huy động, cho vay, trích lập dự phòng rủi ro, từ đó, cho phép nhập khẩu để giải quyết trạng thái vàng âm của ngân hàng. Tuy nhiên NHNN không nhất thiết phải cấp hạn ngạch. Thay vào đó NHNN tự đứng ra nhập, yêu cầu các ngân hàng nộp ngoại tệ, sau đó phân phối lại cho họ.

Vào tháng 4-2012, theo Thời báo Ngân hàng, dư nợ cho vay vàng của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM khoảng 600.000 lượng. Khảo sát của chúng tôi mới đây cho thấy dư nợ vàng không những không giảm, mà có chiều hướng tăng do một số khoản nợ không thu hồi được, ngân hàng phải cho vay để trả lãi cũ, gốc cũ và chuyển đổi sang khoản vay mới. Một tỷ lệ không nhỏ hợp đồng vay vàng kéo dài đã 4-5 năm. Tình trạng này tồn tại đến bao giờ?

Theo Hải Lý

TBKTSG

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!