Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại cuộc họp báo đầu tháng 9 tiếp tục cho thấy tốc độ giải ngân vốn của các nhà băng vẫn ì ạch trong hai phần ba tài khóa 2012. Tính đến ngày 20/8, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,3% so với ngày 31/12/2011. Trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 1,4% thì tổng số dư tiền gửi tại các nhà băng đã tăng 11,23%.
Một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường là tín dụng tăng chậm, doanh nghiệp khó vay, trong khi huy động vốn tăng cao và nhiều ngân hàng vẫn đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút tiền gửi, thậm chí lách trần lãi suất. Nguồn vốn này ngân hàng đang huy động để làm gì vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà băng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản đều rủi ro cao. Khả năng đầu tư vào vàng cũng khó, vì Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấm dứt huy động và cho vay vàng. Với kênh ngoại tệ, tỷ giá hiện khá ổn định, việc huy động vốn để găm giữ ngoại tệ cũng là điều không thể.
Do đó, chuyển động của dòng vốn trên thị trường được các chuyên gia nhận định có hai điểm chú ý là các tổ chức tín dụng tích cực mua vào trái phiếu Chính phủ hoặc dùng để "cứu thanh khoản".
Theo số liệu báo cáo trái phiếu 6 tháng đầu năm nay của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu tính riêng trái phiếu chính phủ, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 54.824 tỷ đồng; cộng thêm 7.894 tỷ đồng tín phiếu kho bạc nhà nước thì Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 62.718 tỷ đồng, bằng 62,7% kế hoạch năm 2012 và tăng 49% so cùng kỳ năm 2011.
Thị trường thứ cấp sôi động với tổng giá trị giao dịch đạt 74.646 tỷ đồng, cao gấp 2,43 lần so cùng kỳ năm 2011. Các ngân hàng trong nước vẫn là chủ thể chính tham gia vào thị trường với 19 đơn vị, chiếm 50% số thành viên mua trái phiếu chính phủ với tổng giá trị hơn 37.000 tỷ đồng, chiếm 67,8% số lượng phát hành.
Trong khi đó, theo công bố của Ngân hàng, tổng dư nợ nền kinh tế ở mức 2.617.000 tỷ đồng; tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 0,76%, xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ trong nửa đầu năm gần gấp đôi số tiền cung ứng thêm ra cho nền kinh tế cùng giai đoạn này.
Theo một chuyên gia tại TP HCM, nguyên nhân tình trạng này là do nguồn vốn ngắn hạn của một số ngân hàng đang dồi dào, song việc giải ngân tín dụng vẫn cầm chừng, nợ xấu gia tăng khiến nhiều nhà băng hạn chế giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Riêng về khả năng cứu thanh khoản, nói như Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, bên cạnh các ngân hàng đang có thanh khoản ổn định thì một số nhà băng vẫn phải tăng huy động để bù vào lượng tiền đã trót cho vay "quá tay" trong thời gian trước đây.
Điều này cũng được thể hiện trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới công bố gần đây cho biết, dòng tiền ra - vào của các tổ chức tín dụng bị biến động mạnh trong những năm vừa qua. Do mất cân đối cho vay - huy động, một số tổ chức tín dụng trong nhóm yếu kém buộc phải đưa ra các biện pháp cạnh tranh thu hút vốn quyết liệt bằng lãi suất để hút tiền gửi. Bởi nếu xét số liệu theo từng tháng, có thể thấy tỷ lệ tín dụng trên tổng số huy động tiền gửi trong những năm từ 2006 đến nay đã gia tăng mạnh mẽ.
Những con số này cho thấy tính rủi ro trong tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, nhất là vào những tháng đầu năm 2011. Trong 4 tháng đầu năm, lượng tín dụng tăng 5,1% trong khi huy động vốn hầu như không tăng, dẫn tới chỉ số tín dụng trên vốn huy động đạt mức khá cao (131%), hàm chứa nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Mặc dù trong thông tư 13 có hiệu lực từ tháng 10/2010 đã có những quy định về tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng huy động đối với các ngân hàng là 80%, đối với các tổ chức tín dụng khác là 85%. Tuy nhiên các tổ chức tín dụng đã không thực hiện được và cũng không có chế tài nào xử lý nghiêm minh các tổ chức này.
Năm 2009, Việt Nam là nước có tỷ lệ cho vay trên huy động tiền gửi trong khu vực cao thứ hai, xấp xỉ Hàn Quốc. Đến năm 2010 thì con số này tăng cao đột biến lên trên 131%, cách khá xa so với mức trung bình dưới 80% của các nước khác trong khu vực.
Hiện chưa có cơ quan nào thống kê chính xác tỷ lệ cho vay trên huy động của ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố về dư nợ và huy động 4 tháng đầu năm nay cho thấy thanh khoản vẫn là vấn đề cần lưu ý.
Tính đến 30/4, mặc dù xét về tốc độ tăng trưởng thì tổng dư nợ tín dụng giảm 0,59% nhưng tính về khối lượng tiền vẫn đạt hơn 2.617.320 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng huy động từ dân cư và doanh nghiệp xét về tốc độ tăng trưởng dương 3,6%, nhưng tổng lượng tiền huy động chỉ đạt 2.533.858 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ cho vay so với huy động vốn hiện vẫn vượt 103%.
Do đó, Tiến sĩ Lê Đạt Chí cho rằng, sau 8 tháng đầu năm nay, lượng vốn mà các ngân hàng huy động được có tốc độ tăng trưởng gấp 10 lần đà tăng trưởng của tín dụng. Thực tế này chỉ phần nào giúp "tỷ lệ cho vay so với huy động vốn của hệ thống ngân hàng hạ thấp lại", đồng thời tình hình thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện tốt hơn chứ chưa thể gọi là "các nhà băng đang thừa vốn".
Theo Lệ Chi
Vnexpress
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com