Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam: "Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường (2)

“Vòi bạch tuộc” thao túng thị trường : Buông lỏng dòng tiền

Luật các Tổ chức tín dụng quy định, NH không được cấp tín dụng cho những thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc... nhưng luật không cấm cấp tín dụng cho những công ty mà các thành viên HĐQT là cổ đông lớn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua: “Tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm Sacombank?”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trả lời: “Họ không báo cáo với NHNN và chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền ở đâu”.

Đoạn chất vấn trên gây lo lắng trong dư luận bởi nếu đơn vị quản lý ngành NH mà không rõ đường đi nước bước dòng tiền ra - vào trong các NH thì làm sao kiểm soát được sự thâu tóm, lũng đoạn của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm và thiết yếu của nền kinh tế? Đây là lỗ hổng của cơ chế, chính sách hay sự yếu kém, buông lỏng của cơ quan quản lý là vấn đề cần được làm rõ.

Vốn chảy qua "khe" luật

Theo quy định của NHNN, vốn điều lệ của các NH thương mại phải từ 3.000 tỉ đồng trở lên. Ở thời điểm bị thâu tóm, vốn điều lệ của NH Sacombank khoảng trên 10.000 tỉ đồng.

Với các con số trên, câu hỏi "tiền ở đâu để đi thâu tóm NH" đã có thể "khoanh vùng" một cách chắc chắn, chỉ có thể là từ các NH. Bởi trong bối cảnh hiện nay, rất khó ai có đủ một lượng tiền mặt lớn đến như vậy để thực hiện việc thâu tóm NH. Các cá nhân, tổ chức thâu tóm cũng đều có liên quan và đang hoạt động trong ngành NH. Vấn đề là tiền từ các NH đi ra như thế và liệu NHNN có kiểm soát được không ? Câu trả lời là, chúng ta có thể nắm rõ việc "ra - vào" của dòng tiền trong hệ thống NH nếu quản lý và giám sát chặt chẽ theo đúng luật.

Cụ thể, luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005 quy định rất rõ ràng và chi tiết về công khai lợi ích liên quan của các cá nhân. Theo đó, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người quản lý khác và những người có liên quan (anh chị em, con nuôi, con ruột...) phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty. Họ phải kê khai cổ phần sở hữu, phần vốn góp, tỷ lệ, thời điểm góp vốn hoặc cổ phần ở các DN mà họ có lợi ích. Điều này với ngành NH lại càng quan trọng vì chúng ta đều biết, tiền trong hệ thống là tiền huy động từ người dân rồi cho vay ra nền kinh tế. Nêntiền đi đâu, về đâu phải rõ ràng, minh bạch để bảo đảm sự an toàn cho hệ thống cũng như quyền lợi của người dân.

Vụ thâu tóm NH Sacombank qua trả lời của Thống đốc cho thấy quy định này đã chưa được thực hiện. Đây cũng chính là điều kiện để sở hữu chéo chằng chịt, vốn ảo và tỷ lệ nợ xấu cao trong ngành NH của ta. Cũng là điều kiện để một số người lách luật  "tuồn" vốn NH ra ngoài.

Luật các Tổ chức tín dụng quy định, NH không được cấp tín dụng cho những thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc... nhưng luật không cấm cấp tín dụng cho những công ty mà các thành viên HĐQT là cổ đông lớn.Nên NH cứ cho các công ty của họ vay mà không hề vi phạm. Đó chính là đường đi ra "sân sau" của dòng vốn NH. Nó giúp các cá nhân có đủ lượng tiền mặt khổng lồ để thực hiện thâu tóm NH hay thực hiện các thương vụ với số vốn lớn.

Như vậy, vốn từ NH đã "thoát" ra ngoài qua khe hở giữa 2 luật nói trên.

Khó kiểm soát thao túng

 

 

 

"Sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng ngày càng trở nên nghiêm trọng, là một nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn dựa trên quan hệ thay vì hiệu quả sử dụng. Việc sở hữu chéo cũng tạo điều kiện để các DN nắm NH này có thể dễ dàng vay được vốn từ NH kia. Như vậy, ba trường hợp sở hữu chéo tiêu cực đều có nguy cơ dẫn đến việc các NHTM sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Và trong trường hợp này, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống tăng cao".

Nguồn: Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Được ví như "mạch máu" của nền kinh tế nên việc kiểm soát nguồn gốc cũng như việc lưu thông nội - ngoại của dòng tiền trong hệ thống NH là vấn đề cực kỳ quan trọng. Đó là lý do, ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, việc này được thực hiện cực kỳ chặt chẽ và nghiêm nhặt.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, người thành lập NH Việt đầu tiên tại Mỹ, cho biết ở Mỹ - một cá nhân có thể sở hữu 10% và DN là 5% cổ phần của một NH. Tỉ lệ sở hữu của cá nhân cao gấp đôi so với tổ chức vì theo quan điểm của nước này, khả năng lũng đoạn NH của cá nhân là khó hơn so với DN.

Với quy định như vậy, bất cứ cá nhân hay DN nào muốn sở hữu tỷ lệ vượt quy định phải xin phép và NH mà họ muốn tăng thêm tỷ lệ sở hữu chính là đầu mối thực hiện việc xin phép này với NH trung ương. Khi nhận được yêu cầu, NH trung ương sẽ điều tra nguồn gốc dòng tiền được sử dụng để mua cổ phần NH từ đâu ra. Nếu là tiền đi vay thì yêu cầu bị bác bỏ vì vay thì phải trả trong khi đầu tư vào NH thì không lấy lại ngay được nên rủi ro rất cao.

NH trung ương cũng sẽ điều tra rất kỹ mục đích đầu tư để hạn chế tối đa lợi ích cá nhân và lợi ích của nhóm có thể thao túng NH. "Họ chặn ngay từ ý đồ bởi sự an toàn và ổn định của NH là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế" - ông Hiếu nói.

Ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia về NH bổ sung, ngoài những lý do trên, việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ra - vào NH ở Mỹ còn để tránh rửa tiền. Nên nguồn gốc dòng tiền đi vào NH bị kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Ở VN, việc kiểm duyệt nguồn tiền bị thả lỏng nên mới có chuyện một trong những NH lớn nhất Việt Nam như Sacombank bị thâu tóm mà cơ quan quản lý không hề hay biết.

Từ những dẫn giải trên cho thấy việc buông lỏng dòng tiền tại các NH sẽ làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Tại sao một quy định quan trọng như thế này lại không được thực hiện trong nhiều năm? Trách nhiệm của cơ quan quản lý thế nào trong việc này? Dư luận đang quan tâm chờ câu trả lời cụ thể hơn nữa...

Theo Nguyên Hằng

Thanhnien
--------------------

“Vòi bạch tuộc” lũng đoạn thị trường - Kỳ 4: Vốn ảo từ sở hữu chéo

 

Sở hữu chéo không chỉ khiến vốn trong các ngân hàng (NH) - cũng là tiền gửi bị "tuồn" ra "sân sau" của các cổ đông lớn. Nghiêm trọng hơn, nó tạo ra một dòng vốn ảo trong hệ thống NH.

Với vai trò độc quyền cung cấp vốn của NH, sức khỏe của doanh nghiệp, sự tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào nguồn tín dụng kiểu này.

 

Bí ẩn vốn tăng

Với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, NHNN quy định, tới cuối năm 2010, các NH thương mại (NHTM) phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Áp lực tăng vốn là cực kỳ khó khăn bởi các NH chủ yếu huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, các quỹ đầu tư...

Nhưng chứng khoán suốt từ năm 2008 đến nay rơi vào tình trạng sụt giảm nên việc tăng vốn rơi vào bế tắc. Đó cũng chính là lý do Chính phủ gia hạn thời gian tăng vốn đến cuối năm 2011. Nhưng chứng khoán năm 2011 còn sụt giảm mạnh hơn, đặc biệt là tình trạng mất thanh khoản kéo dài nên việc phát hành thêm, niêm yết hay kêu gọi sự tham gia của cổ đông chiến lược trong và ngoài nước càng khó.

Vậy mà, các NH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng. Chưa kể nhiều NH lớn, dù không nằm trong nhóm phải chạy đua tăng vốn theo quy định cũng liên tục công bố tăng vốn thêm từ một ngàn tới vài ngàn tỉ.

"Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu giữa các NH với nhau cũng như yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi các tổ chức tài chính, tín dụng nhưng dường như NHNN vẫn chưa động chạm nhiều đến mối quan hệ giữa các NH với các doanh nghiệp tư nhân.

 

Một cá nhân hoặc một doanh nghiệp có thể có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động tín dụng tại các NH thông qua các công ty con, công ty cháu của mình. Việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính tín dụng bởi cá nhân cũng như doanh nghiệp cần phải tính đến cả những sở hữu gián tiếp này...

 

Giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống NH là một trong những vấn đề chính mà quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cần bàn tới".

 

Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Các NH hoàn toàn có thể tận dụng tối đa sở hữu chéo để thực hiện việc tăng vốn trong thời điểm thị trường tài chính cực kỳ khó khăn.

Ma trận này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống kê với 6 loại hình. Đó là sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài; cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM; cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ; sở hữu của NHTM ngoài nhà nước tại các NHTM cổ phần; sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần; sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.

Với sở hữu chéo này, các NH có thể "lách" thông qua việc vay vốn từ NH này góp cho NH kia và ngược lại. Như vậy, cả 2 NH liên quan đều báo cáo tăng vốn, các ông chủ NH cũng tăng sở hữu nhưng thực chất là tăng ảo.

Nhiều trường hợp lại tăng vốn qua trung gian. Cụ thể, một công ty đầu tư tài chính là cổ đông lớn của 2 NH. NH này ủy thác cho vay một nguồn vốn vào NH kia qua công ty đầu tư. NH được vay nghiễm nhiên vượt ải tăng vốn còn NH cho vay được tính là tăng trưởng tín dụng dù vốn không hề đưa vào sản xuất. Như vậy, số vốn thực tế giữa 2 NH vẫn giữ nguyên nhưng thể hiện trên sổ sách đã tăng lên. Quy định an toàn vốn bị vô hiệu hóa.

Điều này càng được minh chứng khi trong thời gian các NH phải tăng vốn cũng là thời gian các công ty đầu tư và vốn ủy thác tăng vọt theo. Cộng thêm sở hữu chéo chằng chịt, 1 NH là cổ đông của 4-5 NH khác như báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì rõ ràng, phần vốn ảo là rất lớn.

Thâu tóm bằng… vốn ảo

Rào cản lớn nhất trong thâu tóm NH tại Việt Nam cũng như trên thế giới là quy mô vốn quá lớn. Nhưng bằng sở hữu chéo, tỷ lệ margin (ký quỹ) cao và lỗ hổng trong quản lý, một cá nhân, một nhóm lợi ích có thể biến số vốn nhỏ ban đầu phình lên gấp nhiều lần, đủ để thâu tóm NH.

Cụ thể, cùng quản lý danh mục nhưng công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán không được mang cổ phiếu (CP) đi cầm cố thì các công ty sản xuất kinh doanh, công ty đầu tư tài chính lại thoải mái làm việc này. Đây chính là cánh tay nối dài cho dòng vốn ảo vươn ra thực hiện các vụ thâu tóm.

Cách làm được phác họa như sau: công ty đầu tư tài chính có vốn 500 tỉ đồng đi mua 50% cổ phần công ty A rồi mang số CP này đi thế chấp được 450 tỉ đồng. Mang 450 tỉ đồng mua cổ phần công ty B. Nếu 450 tỉ đồng không đủ, sẽ kêu thêm công ty A tham gia để mua ít nhất từ 50% cổ phần và chi phối công ty B. Cầm CP của B đi thế chấp, lấy 400 tỉ đồng để mua công ty C. Tiền không đủ thì kêu A, B tham gia mua vì cả hai công ty này đã bị chi phối. Rồi lại thế chấp lấy 300 tỉ đồng và kêu A, B, C cùng hợp lực thâu tóm NH. Nghĩa là sử dụng tổng lực tài chính của các công ty vệ tinh để thâu tóm NH nhưng thực chất, vẫn chỉ là một cổ đông lớn.

Nói ngắn gọn là mua cổ phần chi phối ở một số công ty, sau đó kiểm soát dòng tiền của các công ty này và hợp vốn lại để thâu tóm NH. Khi đã thâu tóm xong, sẽ lấy tiền từ NH rót cho các công ty con của mình. Đó là chưa kể, số vốn ảo này còn được "phình" to khi được sử dụng thông qua công ty chứng khoán với tỷ lệ margin lên tới 90% cho khách VIP. Nghĩa là có 1 đồng, được sử dụng 10 đồng để mua CP.

 

Đầu tư chéo và lỗ hổng về quản lý đã khiến số vốn 1.000 tỉ đồng ban đầu như ví dụ đã phình ra gấp nhiều lần, đủ để thực hiện việc thâu tóm NH. Có một đồng vốn, người ta có thể đẩy lên hàng trăm đồng khác, tạo ra ma trận vốn ảo. Trên cơ sở hệ số nhân đó, rồi nhân tiếp lên bằng mối quan hệ thân thiết với NH cầm cố, họ đã đẩy vốn tăng lên rất nhiều lần nhằm mục đích thao túng những ngành nghề mà trên thế giới khó có cá nhân nào có thể đủ tiền để gom. Đó là ngành tài chính NH.

Trong thực tế đã diễn ra các “chiêu thức” dùng vốn ảo để thâu tóm sau đó rút vốn thật từ NH đầu tư cho sân sau; vốn ảo từ sở hữu chéo, vốn ảo từ sử dụng tỷ lệ margin, từ quan hệ... Đã đến lúc phải tách bạch rõ ràng những điều này để biết sức khỏe thật sự của các NH. Cắt sở hữu chéo là điều không thể né tránh trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH mà Chính phủ đã khẳng định quyết tâm thực hiện.

Theo Nguyên Hằng

Thanh niên








 

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!