Sự bất đồng giữa Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Bộ Thương mại nước này về vấn đề đồng Nhân dân tệ (NDT) đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận trong thời gian qua. Tuy nhiên, hai cơ quan này dường như đang tìm được tiếng nói chung hơn bao giờ hết kể từ sau khi nước này đánh giá lại đồng NDT vào năm 2005.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu hai cơ quan này đạt được sự đồng thuận, rất có thể việc đánh giá lại đồng NDT sẽ được khởi động ngay trong quý hai. Bởi vì Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu như tỷ giá hối đoái của đồng NDT trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng trong các cuộc bầu giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ vào tháng 11 tới.
Trong ấn phẩm gần đây, tạp chí Caijing đã trích dẫn lời một số quan chức dấu tên cho rằng, Bắc Kinh đang nghiên cứu khả năng bỏ chế độ ghìm giá đồng NDT vốn được duy trì kể từ tháng 7/2008, sớm nhất là ngay trong tháng này.
Nguồn tin cho biết, “hiện vẫn còn một số bất đồng, song Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại đã đạt được sự đồng thuận quan trọng trong vấn đề cải cách tỷ giá đồng NDT”.
Qing Wang, nhà kinh tế học người Trung Quốc làm việc tại Morgan Stanley cho rằng, những tư tưởng phản đối việc tăng giá đồng NDT đang giảm dần bởi vì dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc dần hồi phục trong khi tỷ lệ lạm phát ngày càng cao. “Là một nền kinh tế lớn, Trung Quốc không thể duy trì mãi một tỷ giá hối đoái”. Ông Wang cũng tin tưởng rằng, Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách tiền tệ và có thể nâng giá đồng nội tệ ở mức nhỏ, ngay trong tháng 6 này.
Trước đó, có nhiều thông tin cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đang bị chia rẽ trong việc có nên nâng giá đồng nội tệ hay không. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan cho rằng, sự ổn định của đồng NDT chỉ là một “chính sách đặc biệt” để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Zhou cũng nhận được sự đồng tình của hai cố vấn mới ở Ngân hàng Trung ương về việc tăng giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Chen Deming đã phản đối quan điểm này.
Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn được xem là người bảo trợ đặc biệt cho các ngành xuất khẩu ở nước này cũng liên tục cảnh báo rằng, đồng NDT mạnh hơn có thể đẩy nhiều nhà máy vào tình trạng đóng cửa và khiến hàng triệu người bị mất việc làm.
Các cơ quan chính phủ khác hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu trong nước như Uỷ ban phát triển và cải cách quốc gia và Bộ Tài chính dù tỏ ra lo ngại về việc nâng giá đồng NDT, song lại giữ thái độ im lặng và không phản đối vấn đề này như đã từng làm vào năm 2005.
Giới học giả Trung Quốc tỏ ra lặng lẽ hơn trong việc kêu gọi nâng giá đồng nội tệ. Điều này hoàn toàn trái ngược với năm 2005, khi nhiều nhà kinh tế học có ảnh hưởng ở Trung Quốc lúc đó đã kêu gọi chính phủ nước này nâng giá đột ngột đồng nội tệ lên tới 10%.
Việc duy trì tỷ giá hối đoái bất biến trong hơn 20 tháng qua đã giúp Trung Quốc tận hưởng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này có thể phản tác dụng khi lượng tiền mặt dư thừa trong nước có thể tạo ra sức ép về giá cả.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,7% trong năm tính đến tháng 2/2010, song việc giá cả tài sản tăng mạnh cũng báo hiệu lạm phát ở nước này có thể lên đến hai con số.
Ông Helen Qiao và Yu Song làm việc tại Goldman Sachs lại hy vọng Bắc Kinh sẽ thực hiện một “chính sách mềm” trong vấn đề này, tức là nâng dần tỷ giá hối đoái đồng nội tệ so với đồng đôla từ 0,5-1% trong vòng 3 tháng tới.
(VitinFo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com