Trong nền kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay trên thực tế, tình trạng "đô la hoá nền kinh tế" dường như đang ngày càng được lan nhanh hơn ra nhiều mặt của cuộc sống. Nhà nhà, người người quy đổi giá trị các vật dụng, tài sản của mình ra đô, ra euro trong giao dịch, thanh toán. Pháp lệnh Ngoại hối (có hiệu lực ngày 1-6-2006) cho phép người dân gửi và rút cả lãi lẫn gốc bằng ngoại tệ tiền mặt khi gửi ngân hàng, tổ chức tín dụng có vẻ như khiến đồng nội tệ lại ngày càng bị “lép vế”.
Quy định của pháp luật Việt Nam không cho phép các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo...bằng ngoại hối trừ các giao dịch của tổ chức tín dụng và các giao dịch khác được cấp phép, song tại nhiều thành phố lớn, việc nhiều cơ sở kinh doanh công khai niêm yết giá bằng ngoại tệ không phải là hiếm. Điều đáng nói là cơ chế xử phạt tại các văn bản hướng dẫn lại gặp vướng mắc do những quy định pháp luật chồng chéo.
Đô la hoá là trong nhiều giao dịch dân sự một trong những “cú huých” cho thị trường mua bán ngoại tệ chợ đen có “cơ” để khuyếch trương, bành trướng và nở rộ. Theo một người dân ở Cầu Giấy cho biết, “Nếu đi làm thủ tục tại ngân hàng liên quan đến ngoại hối thường phải rườm rà về mặt giấy tờ. thủ tục, rồi lại phải chứng minh nguồn gốc số ngoại hối đó. Trong khi đó, chỉ cần tấp vô một lề đường là đã có thể mua bán dễ dàng, không hạn chế về số lượng và chưa mấy ai bị mua phải đô la giả cả. Mua và gửi bằng các loại ngoại tệ mạnh như đô hay euro thì an toàn vì tiền của mình biến động liên tục, chắng biết đâu mà lần”. chị cho biết.
Vậy Pháp lệnh ngoại hối có phải là một trong những “thủ phạm” gây ra tình trạng đô la hoá nền kinh tế hay “văn bản trên giấy” khi không thể kiểm soát được thị trường ngoại tệ, hạn chế được nạn đầu cư, tích trữ, mua bán trôi nối ở thị trường chợ đen? Sau đây là ý kiến chưa phải là tất cả của đại diện giới luật gia và các nhà nghiên cứu quản lý.
Võ Đình Toàn – Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý: “Pháp lệnh Ngoại hối không có lỗi”
Theo tôi Pháp lệnh Ngoại hối không có lỗi và những quy định của nó cũng được ban hành khá chặt. Pháp luật hiện hành của chúng ta không cấm sở hữu tài sản là ngoại tệ mà chỉ cấm những giao dịch không được phép mà thôi và điều này là hoàn toàn đúng. Sở hữu và giao dịch là hai phạm trù khác nhau. Anh hoàn toàn có quyền được gửi tiền bằng ngoại tệ và rút ra bằng ngoại tệ nhưng khi giao dịch, sử dụng như thế nào là phải do pháp luật quy định.
Về nguyên lý kinh tế, khi có lạm phát thì giá trị của đồng nội tệ bị sụt giảm và trong giao dịch nếu các nhà kinh doanh không lấy phương tiện thanh toán quốc tế làm chuẩn thì không có lãi. Các loại ngoại tệ mạnh hiện tại cũng đang được ưu ái lấy làm thước đo của giá trị các tài sản vì đó là quy luật phát triển tất yếu của nền kinh tế.
Muốn pháp lệnh thật sự “sống” được thì mạng lưới thực thi pháp luật phải hoạt động hiệu quả vì pháp luật chỉ tạo ra hành lang pháp lý, còn từ đó đến thực tế áp dụng là cả một quá trình. Điều quan trọng là lượng dự trữ ngoại tệ của nhà nước phải mạnh, có biện pháp ổn định được giá trị của đồng nội tệ, kiểm soát giao dịch chợ đen, và phải có biện pháp kiểm soát nguồn gốc thu nhập của người dân. Một số quốc gia trên thế giớí, ví dụ như Thuỵ Điển chẳng hạn, còn đánh cả thuế về tài sản, như thế sẽ kiểm soát được các giao dịch trái pháp luật.
Tiến sỹ luật kinh tế Ngô Huy Cương- giảng viên khoa luật Trường Đại học quốc gia: “Không nên đưa ra quy định cứng về thị trường tiền tệ”
Pháp lệnh Ngoại hối có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng đô la hoá hay không cũng chưa thể kết luận vội. Tuy nhiên, nếu quy định là gửi bằng ngoại tệ, rút ra bằng nội tệ sẽ không khuyến khích gửi tiền và đưa ngoại tệ vào Việt Nam do ảnh hưởng sự biến động của tỷ giá. Chúng ta cần có chính sách linh hoạt, mềm dẻo cho từng thời kỳ, khuyến khích nền kinh tế phát triển vì nền kinh tế của Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi, “đang tập làm ăn”. Đưa ra luật phải cân nhắc vấn đề nào cần đưa vào, cái gì cần là chính sách linh động, chứ không nên chỉ quan tâm đến thẩm quyền.
Vấn đề làm thế nào để hạn chế vấn nạn mua bán ngoại tệ “chợ đen” thực sự là khó. Nếu chúng ta sử dụng công cụ pháp luật để hạn chế thì cũng cần có một thời gian cứu cẩn thận để đưa ra những giải pháp hợp lý, không nên đưa ra để xử lý vấn đề mang tính thời điểm vào pháp luật để điều chỉnh lâu dài như vậy sẽ khó phù hợp với qui luật thị trường.
Luật sư Lê Vinh (Văn Phòng Luật Sư Chương Dương): “Cấm vẫn lách!”
Việc pháp lệnh quy định hạn chế sử dụng ngoại hối ngoại trừ những giao dịch của một số chủ thể nhất định như ngân hàng, công ty tài chính có giấy phép hoạt động ngoại hối (theo điều 22) chẳng có gì không đúng. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng ngoại tệ như một công cụ thanh toán với nhau.
Nhiều trường hợp “khéo lách” bằng cách khi quy giá trị tài sản giao dịch cần thanh toán và thực tế thanh toán là ngoại tệ nhưng trong hợp đồng vẫn quy đổi thành đồng Việt Nam. Nhưng cũng có trường hợp giao kết thanh toán bằng ngoại tệ nên khi có tranh chấp, điều khoản liên quan đến công cụ thanh toán đương nhiên bị tuyên vô hiệu. Tình trạng đô la hóa giao dịch hiện nay ở nước mình chủ yếu là do thói quen, do yếu tố tâm lý, kinh tế chứ không phải do nguyên nhân luật pháp.
Nếu cấm rút bằng ngoại tệ khi người dân đã gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ gây thiệt hại cho người gửi, không kích thích thị trường. Có chăng chỉ nên áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt (có thể do Chính phủ, Thủ tướng quy định).
(Theo Hương Nguyên // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com