Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường chờ dỡ bỏ lãi suất trần

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về trần lãi suất hiện nay đang là một trong những nguyên nhân làm méo mó quan hệ, hoạt động và hiệu quả của cả ngân hàng, doanh nghiệp, thậm chí là nguyên nhân khiến lãi suất thị trường bị đẩy lên mức rất cao.

Nếu không có mối quan hệ và “biết điều”, doanh nghiệp nhỏ khó có cửa vay lãi suất 12% (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Hồng Thái

Từ tháng 4.2010, lãi suất cơ bản đối với đồng Việt Nam (VND) tiếp tục được duy trì mức 8%/năm. Như vậy, trừ một số khoản vay được thoả thuận lãi suất (vay sản xuất trung, dài hạn; vay tiêu dùng; thanh toán thẻ…), các ngân hàng không được cho vay vượt quá lãi suất 12%/năm, huy động không vượt 10,5%/năm.

Lệch cơ cấu vốn

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết lại phải tiếp tục lo đối phó, “lách” quy định về trần lãi suất: bằng cách tặng quà, khuyến mãi, thậm chí tặng… tiền cho người gửi tiền (thực chất là nâng lãi suất huy động); bằng cách thu thêm các khoản phí từ doanh nghiệp đi vay (tương ứng với vài điểm phần trăm của lãi suất). Lãnh đạo các doanh nghiệp thì căng thẳng vì phải tiếp tục đi vay “chui” ngân hàng với lãi suất cao mà chưa chắc đã vay nổi!

Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM thừa nhận: “Ngân hàng nào cũng phải chạy đua giành khách hàng gửi tiền, lãi suất tiết kiệm bị đẩy lên tới xấp xỉ 11%/năm chưa kể quà tặng, khuyến mãi. Nếu cho vay mức lãi suất 12%/năm thì cầm chắc thua lỗ, nên ngân hàng nào cũng phải tìm cách lách”.

Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia: “Mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao, phần nhiều là do chính sách điều hành của ngân hàng Nhà nước và cách vận hành của các ngân hàng thương mại”. Ông Nghĩa phân tích, nếu vận hành phù hợp với quy luật thị trường, lãi suất huy động phải là một đường cong, trong đó, mức lãi suất tỷ lệ thuận với kỳ hạn gửi tiền. Trên thực tế, đường cong lãi suất đã bị kéo thẳng khi các ngân hàng thương mại đều đưa lãi suất tất cả các kỳ hạn về sát mức trần 10,5%/năm (nếu cộng các khoản thưởng, quà tặng… thì phải tới 11 – 12%/năm). Thậm chí, mới đây, có ngân hàng còn tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn VND từ 3,6%/năm lên 9%/năm. Thông thường, tiết kiệm không kỳ hạn có lãi suất thấp nhất, không quá 30% lãi suất có kỳ hạn.

“Điều này chẳng những không cải thiện được luồng vốn đổ vào ngân hàng, mà còn làm nảy sinh tâm lý đầu tư ngắn hạn và tạo ra kỳ vọng cho người gửi tiền rằng lãi suất sẽ còn tăng nên chưa vội gửi vào ngân hàng. Đồng thời, gây bất ổn về cơ cấu nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại”, ông Nghĩa nhận định.

Ai được vay 12%?

Tổng giám đốc công ty Phát triển hạ tầng hiệp hội công thương Hà Nội Trần Hoài Bắc nói thẳng: “Kể cả được thoả thuận đi nữa, thì ngân hàng vẫn có thể đơn phương quyết định lãi suất vay vốn bởi họ luôn ở vị trí “cửa trên”. Không chỉ lo lắng bởi phải chịu chi phí vốn quá cao, ông Bắc còn bức xúc vì cơ chế hiện hành làm méo mó quan hệ, hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp.

Ông Bắc lý giải: “Một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả của một dự án là tỷ suất thu hồi vốn phải cao hơn lãi suất ngân hàng. Kết quả đánh giá này chỉ có ý nghĩa khi các ngân hàng thương mại vận hành theo đúng hành lang pháp lý. Nhưng hiện nay có tình trạng lãi suất cơ bản một đằng, lãi suất thị trường lại một nẻo, nên việc đánh giá đó sẽ dễ bị lệch lạc”.

Mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao, phần nhiều là do chính sách điều hành của ngân hàng Nhà nước và cách vận hành của các ngân hàng thương mại – Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia

“Với tình hình này, doanh nghiệp có muốn làm thật, nộp đủ cũng không nổi”, ông Nguyễn Trung Thành, giám đốc công ty TNHH thương mại quốc tế An Phát than thở. Ông Thành nói rằng, nếu có một mặt bằng lãi suất chung, công khai, minh bạch, doanh nghiệp sẽ tính được chi phí đầu vào, đầu ra – ở mức khách hàng chấp nhận được. Nhưng nay, phải cộng thêm đủ loại phí mà đa phần không đưa được vào hệ thống sổ sách, không được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ, khó trình bày với cơ quan thuế và cũng khó “ăn nói” với khách hàng. Ông Thành nhấn mạnh: “Cơ chế này còn tạo ra kẽ hở để khâu trung gian trục lợi, Nhà nước mất nguồn thu, trong khi doanh nghiệp phải tăng chi phí – mà người tiêu dùng phải trả giá cuối cùng”.

Ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ bức xúc này của doanh nghiệp khi đặt vấn đề, với chính sách hiện hành, vốn có lãi suất 12% ai được vay? Chắc chỉ là một số ít doanh nghiệp, dự án Chính phủ yêu cầu hoặc phải có quan hệ rất mật thiết với ngân hàng. Và phần vốn còn lại, sẽ phải vay với lãi suất cao, rất cao, để bù đắp chi phí cho phần vốn giá rẻ kia. “Nên sớm tính toán việc tự do hoá lãi suất. Thực tế, chúng ta đã để lãi suất cho thị trường định giá trong sáu năm, từ tháng 6.2002 – 4.2008. Trong thời gian ấy, không có tình trạng lãi suất vọt lên cao bất hợp lý, không có chuyện doanh nghiệp phải đi vay chui ngân hàng với mức lãi suất ngất ngưởng”, ông Nghĩa nêu ý kiến.

Ông Nghĩa cũng lưu ý, cũng không nên thả nổi hoàn toàn lãi suất mà có thể điều chỉnh bằng các chính sách như dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, tái chiết khấu… để lãi suất thị trường vận hành trong hành lang an toàn. Đi kèm với đó, phải kiểm soát được tình trạng các ngân hàng không quan tâm đến hiệu quả dự án mà cứ thoả thuận được lãi suất cao là giải ngân.

(Theo Lam Tường // SGTT Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Sử dụng vốn tại Quỹ Tín dụng Trung ương thế nào?
  • Cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung
  • Trung Quốc: Mâu thuẫn về việc nâng giá nhân dân tệ
  • FDI và khả năng hấp thụ
  • Khó bỏ trần lãi suất huy động
  • Liệu Mỹ có “dán mác” nước thao túng ngoại tệ vào Trung Quốc?
  • Lãi suất VND liên ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ
  • Rủi ro khi đầu tư đất nền dự án
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!